Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 2 được cho là đã khiến nhiều quốc gia châu Âu giật mình.
Sự chỉ trích công khai của ông Trump đối với Ukraine không chỉ đặt ra câu hỏi về cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ châu Âu mà còn làm dấy lên mối lo ngại về tương lai an ninh của toàn khu vực.
Trong bối cảnh đó, những phát ngôn từ Washington càng làm tăng thêm sự hoang mang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth dùng tính từ "thảm hại" để mô tả châu Âu vì “quá phụ thuộc” vào sự bảo trợ quân sự của Mỹ.
Phát ngôn nói trên vô tình để lộ trong một cuộc trò chuyện nội bộ và sau đó được báo chí tiết lộ, đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu vào tình thế phải tự đánh giá lại khả năng tự vệ của chính mình.
Những động thái đầu tiên của "anh cả" châu Âu
Một trong những thay đổi quan trọng nhất đến từ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Quốc hội Đức mới đây đã bỏ phiếu thông qua việc bãi bỏ “phanh nợ” - một cơ chế hạn chế chi tiêu của chính phủ.
Theo ước tính của các chuyên gia, quyết định này có thể giúp Đức giải phóng tới hơn 600 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới để đầu tư vào quốc phòng.
"Đây là một bước ngoặt thực sự của châu Âu, bởi Đức từ lâu đã là nước tụt hậu nhất trong các cường quốc về quốc phòng", chuyên gia Piotr Buras thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định.
Ông Buras cho rằng chỉ đến khi đối diện với “cú sốc Trump”, Berlin mới thực sự hành động để thay đổi.
Binh sĩ Đức có mặt trong một đợt tập trận ở Lithuania vào năm 2024. Ảnh: Reuters.
Bên cạnh Đức, Pháp cũng đang có những bước đi quan trọng. Tổng thống Emmanuel Macron, người từ lâu đã kêu gọi "tự chủ chiến lược" của châu Âu, gần đây tuyên bố đang xem xét mở rộng lá chắn hạt nhân của Pháp cho các đồng minh.
Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia châu Âu có thể không còn phải dựa vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ trong tương lai, CNN nhận định.
Đề xuất của Tổng thống Macron nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ Ba Lan, khi Thủ tướng Donald Tusk không chỉ hoan nghênh sáng kiến mà còn gợi ý về khả năng Warsaw tự phát triển vũ khí hạt nhân nếu cần thiết.
Ngoài những thay đổi lớn từ Đức và Pháp, một loạt quốc gia Đông Âu cũng đang có những động thái mạnh mẽ nhằm chuẩn bị cho các kịch bản quân sự xấu nhất.
Ba Lan và ba nước vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania) đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Ottawa về mìn sát thương, đồng thời tăng cường mua sắm vũ khí. Lithuania đã đặt hàng 85.000 quả mìn mới, trong khi Ba Lan có kế hoạch sản xuất một triệu quả trong nước.
Bên cạnh đó, Lithuania cũng trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi Hiệp ước quốc tế về vũ khí chùm, một quyết định đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chiến lược phòng thủ của nước này.
Bên cạnh Đức và Pháp, Ba Lan cũng đang đẩy mạnh gia tăng sức mạnh quân sự. Ảnh: Reuters.
Xu hướng gia tăng quân số cũng đang diễn ra trên khắp châu Âu. Đan Mạch đã quyết định mở rộng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phụ nữ từ năm 2026, trong khi Ba Lan tuyên bố sẽ yêu cầu tất cả nam giới trưởng thành tham gia huấn luyện quân sự, theo CNN.
Ngay cả những quốc gia có truyền thống trung lập như Ireland cũng đang cân nhắc điều chỉnh chính sách quốc phòng. Chính phủ Ireland đã đề xuất dự luật cho phép triển khai quân đội mà không cần sự phê duyệt của Liên Hợp Quốc, nhằm tránh nguy cơ bị cản trở bởi quyền phủ quyết của các cường quốc như Nga hoặc Mỹ.
Bất đồng nội bộ
Mặc dù các nước Đông Âu và Trung Âu đang đẩy mạnh chính sách quân sự, sự đồng thuận trong toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được những bước tiến đáng kể.
Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố kế hoạch tăng cường ngân sách quốc phòng "Tái vũ trang châu Âu," Tây Ban Nha và Italy đã phản đối mạnh mẽ. Điều này buộc Brussels phải đổi tên kế hoạch thành "Sự sẵn sàng 2030" để giảm bớt áp lực chính trị.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố nước này sẽ không tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu tại Ukraine nếu có một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez công khai nhấn mạnh: "Mối đe dọa đối với chúng tôi không phải là Nga đưa quân vượt dãy Pyrenees". Ông kêu gọi EU chú trọng hơn vào các vấn đề an ninh phía Nam, thay vì chỉ tập trung vào mối nguy từ Đông Âu.
Phát ngôn này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nước vùng Baltic. Gabrielius Landsbergis, cựu Ngoại trưởng Lithuania, bày tỏ sự thất vọng: "Càng đi về phía Tây, người ta càng khó tưởng tượng ra viễn cảnh chiến tranh. Nhưng với chúng tôi, đây là một nguy cơ hiện hữu".
Dù còn nhiều tranh cãi, các chuyên gia cho rằng châu Âu đang đi đúng hướng trong việc xây dựng một nền quốc phòng độc lập hơn.
"Sự thống nhất tuyệt đối giữa các nước châu Âu là một điều viển vông. Điều quan trọng là những quốc gia chủ chốt như Đức, Pháp, Anh và Ba Lan có hành động thực tế", ông Buras nhận định.
Khi được hỏi liệu đây có thể được coi là thời điểm châu Âu "thức giấc" về quốc phòng hay không, ông Buras đáp: "Vâng, chúng ta đã thức tỉnh - nhưng bây giờ chúng ta cần phải sẵn sàng hành động".
Đại Hoàng