Châu Âu trải qua lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ

Châu Âu trải qua lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ
2 ngày trướcBài gốc
Cảnh ngập lụt nghiêm trọng tại tỉnh Valencia, Tây Ban Nha hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh minh họa: EFE
Theo đó, nhiều khu vực của lục địa châu Âu đã bị ngập lụt; trong đó, tỉnh Valencia ở Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cùng với Trung và Đông Âu.
Mối đe dọa từ lũ lụt
Những thảm họa này xảy ra trong năm nóng nhất trên toàn thế giới, nhấn mạnh mối đe dọa mà lũ lụt gây ra cho châu Âu, khi thế giới nóng lên do biến đổi khí hậu.
Bão và lũ lụt năm 2024 đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người, ảnh hưởng đến 413.000 người khác trên khắp châu Âu, và gây ra thiệt hại kinh tế ít nhất 18 tỷ euro (tương đương 20,5 tỷ USD).
Khoảng 30% mạng lưới sông ngòi của châu Âu đã bị ngập lụt trong năm ngoái, 1 trong 10 năm ẩm ướt nhất của châu lục này kể từ năm 1950, C3S cho biết trong một báo cáo mới, được thực hiện cùng với Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc (WMO).
“Châu Âu đã chứng kiến lũ lụt lan rộng nhất kể từ năm 2013”, bà Samantha Burgess thuộc Trung tâm Dự báo thời tiết trung hạn châu Âu (ECMWF), đơn vị điều hành hệ thống giám sát khí hậu Copernicus nhận định trước khi báo cáo nói trên được công bố.
Đáng chú ý, lượng mưa tương đương lên tới 3 tháng đã rơi chỉ trong 5 ngày vào tháng 9 năm ngoái, khi bão Boris gây ra lũ lụt lớn và thiệt hại trên diện rộng cho 8 quốc gia ở Trung và Đông Âu.
Một tháng sau đó, những cơn bão mạnh do không khí ấm và ẩm từ Biển Địa Trung Hải gây ra đã đổ mưa như trút nước xuống Tây Ban Nha, sau đó là lũ lụt tàn phá tỉnh Valencia ở phía Đông nước này.
Lục địa dễ bị tổn thương
Hầu hết các khu vực ở Tây Âu đều trải qua điều kiện ẩm ướt hơn bình thường vào năm 2024, nhưng các khu vực phía Đông của lục địa này trung bình khô hơn và ấm hơn.
Theo bà Samantha Burgess, sự tương phản Đông - Tây này không liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu, mà là hệ thống áp suất ngược ảnh hưởng đến lớp mây và quá trình vận chuyển hơi ẩm qua các khu vực khác nhau của lục địa.
Tuy nhiên, những cơn bão tàn phá khắp châu Âu vào năm 2024 có khả năng nghiêm trọng hơn do bầu khí quyển ấm hơn, giữ nhiều hơi ẩm hơn. “Khi khí hậu ấm lên, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn, và nhiều hơn nữa các sự kiện thời tiết cực đoan”, bà Samantha Burgess cho biết.
Kể từ những năm 1980, châu Âu đã nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu, khiến đây trở thành lục địa nóng lên nhanh nhất trên trái đất.
Biến đổi khí hậu không chỉ là nhiệt độ tăng, mà còn là hiệu ứng lan tỏa của tất cả lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong khí quyển và đại dương bởi các khí nhà kính như carbon dioxide và methane.
Các đại dương ấm hơn đồng nghĩa với hiện tượng bốc hơi nhiều hơn, và bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều hơi ẩm hơn, cung cấp năng lượng cho các cơn bão và gây ra lũ lụt lớn hơn.
IPCC, nhóm chuyên gia về khí hậu của Liên hợp quốc nói thêm, lượng mưa cực lớn và lũ lụt được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu nói riêng, khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Cũng theo báo cáo của C3S và WMO, chỉ có khoảng một nửa số thành phố ở châu Âu có kế hoạch thích ứng quốc gia để ứng phó tốt hơn với các thảm họa liên quan đến khí hậu. Đây là sự cải thiện so với khoảng 1/4 số thành phố được ghi nhận vào năm 2018.
LÊ THẢO (Lược dịch từ AFP, Reuters & The Straits Times)
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/the-gioi/chau-au-trai-qua-lu-lut-toi-te-nhat-trong-hon-mot-thap-ky-152614.html