Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành cắt giảm ngân sách nghiên cứu và xem xét đóng băng nguồn tài trợ cho các trường đại học hàng đầu như Harvard hay Columbia, nhiều quốc gia châu Âu đã nhanh chóng đưa ra phản ứng.
Từ Paris đến Brussels, những sáng kiến mới đang được triển khai với mục tiêu không chỉ thu hút các nhà khoa học bị ảnh hưởng, mà còn khẳng định vai trò của châu Âu như một trung tâm học thuật độc lập và tự do.
Tại hội nghị “Chọn châu Âu vì khoa học” diễn ra tại Đại học Sorbonne, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ lo ngại trước những thay đổi chính sách đối với lĩnh vực nghiên cứu tại Mỹ. Ông nhấn mạnh không ai có thể hình dung một quốc gia với nền dân chủ phát triển và nền kinh tế dựa nhiều vào khoa học lại thu hẹp các chương trình nghiên cứu chỉ vì liên quan đến một số khái niệm nhất định. Theo ông, việc thu hồi thị thực và cắt giảm tài trợ cho giới nghiên cứu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai khoa học toàn cầu.
Châu Âu đang trở thành điểm đến mới của giới nghiên cứu quốc tế. Ảnh: Belga News Agency
Cũng tại sự kiện này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố khoản đầu tư 500 triệu euro, tương đương khoảng 566 triệu USD, nhằm thu hút các nhà nghiên cứu quốc tế đến làm việc tại châu Âu trong hai năm tới. Dù mức đầu tư này còn khiêm tốn so với quy mô cắt giảm ngân sách tại một số trường đại học lớn của Mỹ, đây là một phần trong chương trình Horizon Europe trị giá 105 tỷ USD, hướng đến việc thúc đẩy các nghiên cứu khoa học tiên tiến như giải trình tự gen và phát triển công nghệ vắc-xin mRNA.
Bà Ursula von der Leyen không đề cập trực tiếp đến Mỹ, nhưng cảnh báo về một môi trường toàn cầu đang ngày càng thiếu ổn định đối với nghiên cứu cơ bản, tự do và cởi mở. Bà nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của châu Âu là duy trì một nền khoa học mở, độc lập và không bị chi phối bởi các yếu tố ngoài học thuật, bởi đây chính là giá trị cốt lõi mà châu Âu luôn theo đuổi.
Một số điều chỉnh chính sách gần đây tại Mỹ đang gây quan ngại trong cộng đồng nghiên cứu. Việc thay đổi tiêu chí tài trợ, điều chỉnh nội dung ưu tiên trong nghiên cứu và giới hạn một số lĩnh vực đã khiến nhiều viện và trung tâm khoa học lớn phải cân nhắc lại kế hoạch hoạt động. Các cơ quan như Viện Y tế Quốc gia, Quỹ Khoa học Quốc gia, NASA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, vốn đóng vai trò quan trọng trong tài trợ nghiên cứu y sinh và môi trường, cũng ghi nhận tình trạng cắt giảm ngân sách và nhân sự trong thời gian gần đây.
Trường Đại học Harvard đã đệ đơn kiện sau khi khoản tài trợ liên bang trị giá 2,2 tỷ USD bị tạm dừng. Đồng thời, việc xem xét lại chính sách miễn thuế đối với trường này cũng làm dấy lên những lo ngại trong giới học thuật về khả năng ảnh hưởng đến nguyên tắc tự chủ đại học - một nền tảng quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học tại Mỹ.
Tăng tốc thu hút giới khoa học toàn cầu
Trong khi đó, các nước châu Âu bắt đầu triển khai hàng loạt sáng kiến. Pháp công bố chương trình trị giá 113 triệu USD nhằm hỗ trợ các viện nghiên cứu trong nước tuyển dụng các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực chịu áp lực tại Mỹ như nghiên cứu khí hậu và năng lượng bền vững. Đại học Aix-Marseille đã mở chương trình mang tên “Nơi an toàn cho khoa học”, thu hút hơn 100 đơn đăng ký chỉ trong hai tuần đầu, trong đó có những nhà nghiên cứu đến từ Stanford, Yale và NASA.
Éric Berton, Hiệu trưởng trường đại học, cho biết ông không coi tình hình hiện tại là điều đáng mừng, nhưng cảm thấy có trách nhiệm lên tiếng và hành động khi nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có các đồng nghiệp tại Mỹ, đang gặp khó khăn trong việc tiếp tục công việc của mình. Ông nhấn mạnh châu Âu cần trở thành một điểm đến tin cậy, nơi các nhà khoa học có thể làm việc trong môi trường ổn định và cởi mở.
Không chỉ riêng Pháp, các quốc gia như Bỉ và Hà Lan cũng đang tích cực triển khai các sáng kiến nhằm thu hút giới nghiên cứu quốc tế. Tại Bỉ, Đại học Vrije Universiteit Brussel đã mở 12 vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ dành cho các nhà khoa học nước ngoài, trong đó đặc biệt khuyến khích các ứng viên đến từ Mỹ. Hiệu trưởng Jan Danckaert cho biết, trong bối cảnh một số nhà nghiên cứu đang gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn tài trợ và duy trì tự do học thuật, nhà trường xem việc tạo điều kiện làm việc ổn định cho họ là một phần trong sứ mệnh của mình. Trường được thành lập từ thế kỷ 19 với mục tiêu bảo vệ giới học thuật khỏi các áp lực phi học thuật và hiện nay tiếp tục giữ vững nguyên tắc đó.
Chính phủ Hà Lan cũng tuyên bố đang gấp rút thiết lập một quỹ nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế. Bộ trưởng Giáo dục Eppo Bruins nhấn mạnh trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về nhân tài, tình hình địa chính trị hiện nay đang thúc đẩy xu hướng di cư học thuật. Ông cam kết Hà Lan sẽ đi đầu trong việc thu hút và bảo vệ giới nghiên cứu.
Tại Paris, Viện Pasteur, một trong những trung tâm nghiên cứu y sinh hàng đầu của Pháp, cho biết đang nhận được nhiều đơn ngỏ ý từ các nhà khoa học quốc tế, trong đó có công dân Pháp và Mỹ, bày tỏ mong muốn chuyển đến làm việc. Giám đốc Yasmine Belkaid cho biết một số nhà nghiên cứu đang tìm kiếm môi trường làm việc ổn định hơn để tiếp tục các dự án khoa học, đặc biệt trong những lĩnh vực như bệnh truyền nhiễm và sức khỏe cộng đồng.
Đọc thêm: Mỹ áp thuế 100% lên phim nhập khẩu
Dù một số học giả và lãnh đạo đại học tại Pháp bày tỏ lo ngại về việc ngân sách nghiên cứu trong nước có thể bị thu hẹp, phần lớn đều cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để châu Âu thể hiện vai trò tiên phong trong lĩnh vực khoa học toàn cầu. Cựu Tổng thống Pháp François Hollande thậm chí đã đề xuất xây dựng một đạo luật nhằm thiết lập quy chế đặc biệt dành cho các nhà nghiên cứu quốc tế gặp khó khăn trong quá trình làm việc tại quốc gia của họ, qua đó bảo vệ quyền tiếp cận tri thức và thúc đẩy hợp tác học thuật xuyên biên giới.
Tùng Lâm