Châu Âu trước lựa chọn mang tính sống còn đối với nền kinh tế

Châu Âu trước lựa chọn mang tính sống còn đối với nền kinh tế
8 giờ trướcBài gốc
Ngay từ những ngày đầu của xung đột Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố quyết tâm “cai nghiện” năng lượng từ Nga. Các lệnh trừng phạt liên tiếp được đưa ra nhằm cắt giảm nguồn thu dầu khí của Moscow. Tuy nhiên, sau hơn ba năm, “cuộc chia tay” này đã chứng minh là phức tạp hơn nhiều so với những tuyên bố ban đầu, đồng thời kéo theo hàng loạt chuyển dịch địa chính trị sâu rộng.
Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Zsana, Hungary. Ảnh: Tân Hoa Xã
EU đã giảm mạnh lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, nhưng lại rơi vào thế lưỡng nan khi phải tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào Moscow mà không rơi vào một vòng phụ thuộc mới, đồng thời vẫn duy trì được các mục tiêu kinh tế và tham vọng chuyển đổi xanh. Trước khi xung đột nổ ra, Nga cung cấp tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU, đóng vai trò trụ cột trong an ninh năng lượng châu Âu. Mối quan hệ cộng sinh này bắt đầu rạn vỡ khi chiến tranh bùng phát, EU áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ và than đá từ Nga, đồng thời tuyên bố sẽ loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2027. Nga bị cáo buộc “vũ khí hóa năng lượng” bằng cách siết chặt dòng khí đốt chảy sang châu Âu, khiến thị trường năng lượng toàn cầu buộc phải tái cấu trúc. Trước thực tế đó, EU lao vào cuộc săn tìm các nguồn cung mới, còn Nga thì chuyển hướng xuất khẩu về phương Đông.
Từ năm 2022 đến 2024, lượng khí đốt Nga xuất sang EU giảm từ hơn 150 tỷ mét khối xuống chỉ còn khoảng 52–54 tỷ mét khối, kéo thị phần từ mức 45% xuống dưới 19%. Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu khí đốt qua đường ống sụt giảm mạnh, xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang EU lại gia tăng để tận dụng mức giá cao. Riêng trong năm 2024, EU đã nhập kỷ lục 21,5 tỷ mét khối LNG từ Nga, tăng 21% so với năm 2023, khiến Nga vẫn giữ vị trí nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho EU. Có thể nói, châu Âu chưa thực sự “cai” hoàn toàn khí đốt Nga, mà chỉ chuyển từ hình thức phụ thuộc vào khí đốt qua đường ống sang phụ thuộc một phần vào LNG, vốn là một cách nhập khẩu kín đáo hơn.
Về phía Nga, nước này bù đắp phần mất mát bằng cách bán dầu giá rẻ cho châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời đẩy mạnh dự án đường ống “Sức mạnh Siberia 2” sang Trung Quốc. Trong khi đó, EU xích lại gần Mỹ và Trung Đông, còn Mỹ nổi lên như một siêu cường xuất khẩu năng lượng. Tất cả những yếu tố này buộc EU phải tính toán chiến lược dài hạn, làm sao kiên trì theo đuổi mục tiêu địa chính trị mà không tự trói tay về mặt kinh tế và năng lượng.
Bên trong EU, những mâu thuẫn đã bùng lên dữ dội. Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech phản đối quyết liệt kế hoạch đoạn tuyệt hoàn toàn với năng lượng Nga, coi đó chẳng khác nào một hành động “tự sát kinh tế”. Hungary phụ thuộc tới 80% vào khí đốt và 65% vào dầu mỏ từ Nga, trong khi Slovakia từ lâu nay vẫn nhận khí đốt Nga thông qua tuyến quá cảnh qua Ukraine. Ngay cả Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng lao đao khi mất đi nguồn cung từ Nga, dẫn đến giá năng lượng tăng vọt, các nhà máy buộc phải cắt giảm sản xuất, GDP rơi vào tăng trưởng âm và lạm phát duy trì ở mức cao. Một bộ phận trong giới chính trị và doanh nghiệp Đức đã bắt đầu bóng gió đến khả năng nối lại quan hệ năng lượng với Nga trong tương lai.
Trong khi đó, các nước Baltic cùng Ba Lan dứt khoát đoạn tuyệt với Nga vì lý do an ninh, còn nhiều nước Tây và Nam Âu chỉ muốn giảm bớt phụ thuộc chứ không sẵn sàng hy sinh quá nhiều lợi ích kinh tế. Brussels đã chọn cách tránh đối đầu trực diện bằng cách chấp nhận những ngoại lệ nhất định: Dầu mỏ vẫn tiếp tục chảy qua đường ống Druzhba tới Hungary và Slovakia; khí đốt vẫn được vận chuyển qua tuyến TurkStream; LNG Nga vẫn âm thầm được nhập khẩu “ẩn danh” thông qua các nhà trung gian.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng EU hoàn toàn có thể duy trì một tỷ trọng nhỏ, khoảng 10-15%, khí đốt Nga trong tổng rổ năng lượng để tạo sự cân bằng, sao cho tỷ lệ này đủ nhỏ để Nga không thể dùng làm đòn bẩy chính trị, nhưng cũng đủ lớn để giúp EU giảm bớt chi phí so với việc hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn LNG đắt đỏ.
Nếu không dùng năng lượng Nga, EU buộc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, Norway, Trung Đông, châu Phi. Mỹ trở thành nhà cung cấp LNG số một cho EU, chiếm gần 45% tổng nhập khẩu LNG năm 2024. Norway tăng sản lượng tối đa, vươn lên thành nguồn cung khí lớn nhất EU. Nhưng sự xoay trục này làm nảy sinh lo ngại: Phụ thuộc “bạn bè” liệu có an toàn hơn phụ thuộc kẻ thù? Mỹ bán khí cho EU giá cao gấp 2-3 lần nội địa, thu lợi khổng lồ, khiến lãnh đạo EU, điển hình là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phàn nàn Washington “trục lợi”.
Ngoài ra, rủi ro chính trị hiện hữu: nếu Mỹ thay đổi chính quyền hoặc ưu tiên, LNG có thể trở thành đòn bẩy gây sức ép. Không chỉ Mỹ, các nhà cung ứng khác cũng tiềm ẩn biến số. Qatar cảnh báo ngừng cung cấp khí nếu EU áp luật chống lao động cưỡng bức quá khắt khe; Algeria từng ngắt khí sang Tây Ban Nha vì tranh cãi ngoại giao. Bức tranh phụ thuộc năng lượng EU chỉ đang thay đổi về màu sắc, chưa hoàn toàn phai mờ. EU sẽ cần tự hỏi làm sao giảm tối đa tính dễ tổn thương, nếu không muốn rơi vào thế bị động như từng gặp với Nga.
Cuộc khủng hoảng năng lượng 2022-2023 còn là cú sốc kinh tế lớn. Giá khí đốt gấp 10 lần mức trung bình lịch sử, đẩy lạm phát Eurozone lên đỉnh 10%. Các chính phủ chi gần 800 tỷ euro để trợ giá, song vẫn chứng kiến nhà máy đóng cửa hàng loạt. EU từ chỗ có giá năng lượng rẻ hơn Trung Quốc đã tụt lại: Hiện giá khí đốt ở châu Âu cao gấp 2-3 lần Mỹ. Viễn cảnh “phi công nghiệp hóa” ám ảnh các nước lớn như Đức, Pháp, Italy, dù họ đặt mục tiêu tái công nghiệp hóa để đảm bảo tự chủ chiến lược.
Chuyển đổi xanh là cứu cánh dài hạn nhưng không thể giải quyết ngay trước mắt. EU cam kết giảm 55% phát thải vào 2030, đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Nhưng mất khí đốt Nga nghĩa là phải nhập LNG từ xa, với dấu chân carbon lớn hơn. Trong ngắn hạn, EU vẫn cần nhiên liệu hóa thạch để vượt qua các mùa đông sắp tới. Đầu tư hạ tầng LNG tăng nhanh, song nếu dư thừa, nguy cơ tài sản mắc kẹt hiện hữu. EU phải tính toán thận trọng giữa ngắn hạn và dài hạn, tránh sa vào “bẫy khí đốt” mới.
Chỉ còn chưa đầy hai năm nữa là tới hạn chót 2027, câu hỏi lớn đặt ra: EU sẽ hiện thực hóa chiến lược này ra sao, với cái giá nào? Một kịch bản được nhắc tới là hoàn tất dứt điểm vào 2027, theo đó cấm triệt để việc nhập khẩu năng lượng Nga, đồng thời tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ, Qatar, châu Phi, kết hợp các biện pháp tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phương án này đi kèm chi phí rất cao, mang theo rủi ro cạnh tranh địa chính trị và khiến EU phụ thuộc sâu hơn vào Mỹ.
Một kịch bản khác là thỏa hiệp, tức giữ lại một phần nhỏ nguồn khí đốt Nga, duy trì tỷ trọng khoảng 10-15% trong rổ năng lượng, nhờ đó giảm bớt áp lực giá khí và cải thiện tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, hướng đi này dễ bị nhìn nhận như một thất bại chiến lược, thậm chí bị cho là phản bội Ukraine. Một lựa chọn nữa là tăng tốc chuyển đổi xanh để giảm hẳn nhu cầu sử dụng khí đốt, một hướng đi được xem là lý tưởng vì hài hòa cả mục tiêu địa chính trị lẫn khí hậu, nhưng đồng thời đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian dài và các công nghệ mới.
Hiện tại, EU vẫn khẳng định mục tiêu chấm dứt nhập khẩu năng lượng Nga vào 2027. Nhưng thực tiễn địa chính trị và kinh tế có thể buộc châu Âu phải linh hoạt. Sau cùng, chính sách là nghệ thuật của khả dĩ. EU muốn trừng phạt Nga, bảo vệ trật tự quốc tế, nhưng cũng không thể tự trói tay giữa cuộc cạnh tranh siêu cường ngày càng quyết liệt. Châu Âu đang ưu tiên yếu tố thực dụng: Giảm mạnh phụ thuộc Nga, thay thế bằng mạng lưới cung ứng đa dạng hơn, dù phải trả giá đắt. Ván cờ năng lượng EU - Nga do đó chưa kết thúc, mà chuyển sang giai đoạn đấu trí dài hơi. Liệu châu Âu có thể thoát khỏi cái bóng năng lượng của Moscow để vươn lên mạnh mẽ hơn, hay chỉ thay thế một sự phụ thuộc bằng một sự phụ thuộc khác, đánh mất lợi thế cạnh tranh? Câu trả lời sẽ định hình tương lai kinh tế - an ninh của lục địa già trong nhiều thập niên tới.
Khổng Hà
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/quoc-te/chau-au-truoc-lua-chon-mang-tinh-song-con-doi-voi-nen-kinh-te-i769418/