Châu Âu và bước chuyển trong viện trợ vũ khí cho Ukraine

Châu Âu và bước chuyển trong viện trợ vũ khí cho Ukraine
4 giờ trướcBài gốc
Các nước châu Âu đang thay đổi chiến lược đối với Ukraine, hướng tới việc giúp Kiev tăng cường năng lực sản xuất vũ khí thay vì tiếp tục viện trợ vũ khí có sẵn từ kho dự trữ vốn đang dần cạn kiệt của châu Âu, theo trang Business Insider.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc hướng dòng vốn vào phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine có thể giúp giảm sự phụ thuộc của Kiev vào viện trợ quân sự nước ngoài, đồng thời củng cố lĩnh vực quốc phòng đang phát triển của chính châu Âu.
Châu Âu gặp khó trong việc sản xuất đủ đạn pháo
Vỏ đạn đang được sản xuất tại Pháp cho Ukraine vào năm 2024. Ảnh: GETTY IMAGES
Sau nhiều thập niên hòa bình, châu Âu đang nhanh chóng củng cố năng lực phòng thủ trong bối cảnh sự ủng hộ từ Mỹ suy giảm và xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp vũ khí của châu Âu đang gặp khó khăn trong việc vừa tái xây dựng kho dự trữ quân sự, vừa cung cấp cho Ukraine lượng đạn pháo và các loại vũ khí khác cần thiết trong cuộc chiến với Nga.
Ông Jacob Funk Kirkegaard, thành viên cao cấp tại viện nghiên cứu Bruegel (Bỉ) và thành viên cao cấp không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của Ukraine đem đến một giải pháp cho châu Âu.
“Đặc biệt đối với các quốc gia Tây Âu giàu có, việc tài trợ trực tiếp cho việc khai thác tối đa năng lực sản xuất đang mở rộng của Ukraine là lựa chọn hợp lý cả về tài chính lẫn kinh tế” - ông Kirkegaard nói.
Chuyên gia này bổ sung rằng Ukraine là nơi sản xuất vũ khí quy mô lớn với chi phí thấp hơn nhiều so với Tây Âu, và nước này cũng đã có một ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển mạnh mẽ và đầy sáng tạo.
Việc chuyển hướng sản xuất vũ khí của châu Âu sang Ukraine là một “giải pháp đôi bên cùng có lợi”, giúp châu Âu cắt giảm chi phí, củng cố một đồng minh quan trọng, đồng thời chứng kiến vũ khí được thử nghiệm và cải tiến ngay trên chiến trường, theo ông Kirkegaard.
Ukraine tăng cường sản xuất vũ khí
Trong những năm đầu của cuộc chiến với Nga, Ukraine phụ thuộc rất lớn vào các đồng minh phương Tây để có được vũ khí và đạn dược, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.
Tuy nhiên, Ukraine đã khôi phục các nhà máy sản xuất vũ khí thời Liên Xô và hiện nay đã tự sản xuất khoảng 40% lượng vũ khí sử dụng trên tiền tuyến, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong tháng này.
Máy bay không người lái tầm xa của Ukraine được trưng bày tại thủ đô Kiev (Ukraine) vào năm 2024. Ảnh: GETTY IMAGES
Ukraine hiện cũng đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV) giá rẻ - loại vũ khí đã trở nên phổ biến trên chiến trường.
“Chúng tôi đã trở thành nhà sản xuất UAV lớn nhất thế giới, ở cả cấp độ chiến thuật và chiến lược” - Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Rustem Umerov, phát biểu hồi tháng 2.
Theo Business Insider, các nhà sản xuất UAV của Ukraine không chỉ chế tạo vũ khí mà còn đang viết lại các quy tắc của chiến tranh hiện đại với tốc độ và quy mô mà ít ai có thể hình dung chỉ vài năm trước.
Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu vẫn gặp khó khăn trong việc nâng cao sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Các nhà phân tích quân sự tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hợp Anh (RUSI) hồi tháng 4 đã chỉ ra các yếu tố như quy định pháp lý và sự thiếu phối hợp đang cản trở tiến trình này.
“Việc gia tăng sản lượng công nghiệp trong nước cần thời gian. Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã được huy động mạnh mẽ, nên nếu được đầu tư trực tiếp và hỗ trợ chuyển giao kiến thức đúng trọng tâm, họ có thể nhanh chóng mở rộng sản xuất trong ngắn hạn” - ông Jacob Parakilas, trưởng nhóm nghiên cứu về Chiến lược, Chính sách và Năng lực Quốc phòng tại tổ chức nghiên cứu RAND Europe, chia sẻ với Business Insider.
Ông Parakilas cho rằng các nước châu Âu cũng sẽ được hưởng lợi lớn nếu hợp tác chặt chẽ hơn với Ukraine để cùng nhau nâng cao sản lượng.
“Những cách tiếp cận này có thể được thực hiện song song và lý tưởng nhất là tạo ra hiệu ứng cộng hưởng” - ông nói thêm, cho rằng “kinh nghiệm của Ukraine giúp nâng cao hiểu biết của châu Âu về trình độ công nghệ, trong khi nguồn vốn châu Âu hỗ trợ ngành công nghiệp Ukraine”.
Các công ty quốc phòng châu Âu mở nhà máy tại Ukraine
Nhiều công ty quốc phòng châu Âu, như Rheinmetall của Đức, BAE Systems của Anh và liên doanh Pháp - Đức KDNS, đã lập nhà máy sản xuất tại Ukraine để chế tạo các thiết bị quân sự, bao gồm cả xe bọc thép.
Một số công ty khác như Thales của Pháp, cũng đã liên doanh với doanh nghiệp Ukraine.
Sự hợp tác giữa Ukraine và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong lĩnh vực sản xuất vũ khí đang ngày càng chặt chẽ hơn.
Theo truyền thông Ukraine, tập đoàn quốc phòng nhà nước Ukraine Ukroboronprom đã phối hợp với một quốc gia NATO (không nêu tên) để sản xuất đạn dược từ năm 2022. Các loại đạn này được chế tạo theo tiêu chuẩn của NATO, giúp Ukraine gắn kết sâu hơn với liên minh quân sự này.
Kể từ năm 2023, Ukraine cũng đã hợp tác với Ba Lan để sản xuất đạn pháo và các thiết bị quân sự khác ngay trong nước.
Những gói viện trợ mới đây sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực này. “Xu hướng này dự kiến sẽ tăng tốc trong năm 2025 khi Mỹ giảm tập trung vào châu Âu, thúc đẩy các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng” - ông Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine, nhận định hồi tháng 3.
Chuyên gia Parakilas dự đoán rằng với sự hỗ trợ mạnh hơn từ châu Âu, Ukraine có thể tự sản xuất không chỉ 40% mà còn nhiều hơn nữa số thiết bị quân sự trong nước mà còn tiến tới chế tạo các loại vũ khí và công nghệ phức tạp hơn – những lĩnh vực mà Ukraine hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào các đồng minh.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng điều này sẽ khiến ngành quốc phòng Ukraine dễ bị Nga tấn công hơn.
Dù vậy, theo các chuyên gia, khả năng cao là ngành công nghiệp quốc phòng Tây Âu và Ukraine sẽ ngày càng gắn bó.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/chau-au-va-buoc-chuyen-trong-vien-tro-vu-khi-cho-ukraine-post846896.html