Các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp ngày 7/11, nhìn nhận nghiêm túc về sự cần thiết phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề an ninh của chính mình. (Nguồn: 1tv)
Hãng thông tấn AFP đưa tin, ngày 8/11, Viện Nghiên cứu an ninh quốc tế (IISS) công bố báo cáo trong đó đánh giá, châu Âu đã gia tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng năng lực quốc phòng của họ, bao gồm cả nhân lực quân sự, vẫn chưa đủ.
Nhận định trên được đưa ra khi sự trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể làm đảo lộn an ninh châu Âu và ngừng hỗ trợ cho Ukraine đang bị xung đột tàn phá.
Theo IISS, xung đột Ukraine phơi bày nhiều điểm yếu trong khả năng tự vệ của châu Âu: "Chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 2024 cao hơn gần 50% so với năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea".
Tuy nhiên, lực lượng vũ trang châu Âu "vẫn tiếp tục dựa vào Mỹ ở nhiều mức độ khác nhau trên mọi lĩnh vực quân sự".
IISS cảnh báo, kho vũ khí của châu Âu đã "bị cạn kiệt nghiêm trọng do các quyết định chính trị sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và những thập kỷ tiếp theo. Trong quá trình này, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cũng bị thu hẹp".
Trước tình hình này, Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC) lần thứ 5 đã diễn ra ở Hungary ngày 7/11, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo đến từ gần 50 quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề an ninh cấp bách của lục địa này, trong đó có nạn di cư bất hợp pháp, an ninh và kết nối khu vực.
Theo Thủ tướng Hungary Viktor Orban, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo tham dự đã nhất trí về sự cần thiết phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với hòa bình và an ninh của chính mình, thay vì chỉ dựa vào Mỹ.
Tại cuộc họp báo chung sau hội nghị với người đồng cấp Albania Edi Rama, Thủ tướng Orban đã nêu bật các mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của châu Âu hiện nay, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine, căng thẳng leo thang ở Trung Đông, tình trạng di cư vào châu Âu và mức độ “phân mảnh” kinh tế toàn cầu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Do đó, châu Âu cần hành động chung để giải quyết những thách thức này. Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh EPC lần này còn kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực hòa bình ở châu Âu.
Được thành lập từ năm 2022 theo sáng kiến của Cộng hòa Czech sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, EPC đang vươn lên đóng vai trò là nền tảng đối thoại chính trị và hợp tác ở châu Âu, giữa các nước cả ở trong và ngoài EU.
Mục đích của EPC là hướng đến việc giải quyết những thách thức chung và tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu lục này.
Bảo Minh