Châu Âu và Ukraine: Khi lợi ích quốc gia lấn át đoàn kết khu vực

Châu Âu và Ukraine: Khi lợi ích quốc gia lấn át đoàn kết khu vực
7 giờ trướcBài gốc
Sự ủng hộ của EU dành cho Ukraine đang suy giảm?
Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây, EU đã không thể thông qua tuyên bố chung về Ukraine do sự phản đối của Hungary, đặc biệt liên quan đến đề xuất bắt đầu đàm phán về việc Kiev gia nhập EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng không thể bàn đến việc gia nhập khi xung đột vẫn tiếp diễn, đồng thời chỉ trích EU vì đưa ra những kỳ vọng không thực tế cho Ukraine.
Sự mệt mỏi chính trị và xã hội đối với cuộc xung đột kéo dài đang khiến nhiều lãnh đạo châu Âu thận trọng hơn trong cam kết hỗ trợ lâu dài. Những tác động tiêu cực từ viện trợ và trừng phạt, như giá năng lượng tăng, lạm phát, áp lực di cư, đang làm gia tăng bất mãn trong nội bộ các nước thành viên.
Ngoài ra, sự mâu thuẫn trong cách EU đánh giá các cuộc xung đột quốc tế cũng gây tranh cãi. Trong khi hành động của Nga tại Ukraine bị coi là xâm lược, các chiến dịch quân sự của Israel và Mỹ lại được mô tả là phòng vệ, làm dấy lên chỉ trích về tiêu chuẩn kép trong chính sách đối ngoại.
Tại một số quốc gia như Đức, Romania, Slovakia và Hungary, các đảng cánh hữu và lực lượng hoài nghi EU đang khai thác chủ đề Ukraine như một công cụ chính trị nội bộ, phản đối mạnh mẽ viện trợ tài chính trong khi nhiều nhu cầu trong nước chưa được đáp ứng.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc năng lượng khác nhau giữa các nước thành viên tiếp tục là nguồn gây chia rẽ, làm chậm tiến trình ra quyết định thống nhất. Đồng thời, nhiều thách thức toàn cầu khác, như cạnh tranh Mỹ-Trung, xung đột ở Trung Đông và khủng hoảng di cư, đang đẩy Ukraine ra khỏi ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của EU.
Cuối cùng, sự thiếu tiến triển trên chiến trường và những vướng mắc trong cải cách nội bộ của Ukraine khiến các nước phương Tây đặt câu hỏi về hiệu quả và mục tiêu thực sự của những hỗ trợ đã được cung cấp.
Quan hệ EU-Nga: Mâu thuẫn nội khối và giới hạn của sức mạnh trừng phạt
EU tiếp tục gặp trở ngại nghiêm trọng trong nỗ lực thống nhất gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga - một dấu hiệu cho thấy giới hạn ngày càng rõ của chiến lược “áp lực kinh tế” trong bối cảnh khối đang chia rẽ sâu sắc về lợi ích chiến lược, năng lượng và chính trị nội bộ.
Gói trừng phạt mới, bao gồm các hạn chế đối với hệ thống vận chuyển khí đốt (như Nord Stream), ngân hàng, ngành công nghiệp quốc phòng và đề xuất giảm trần giá dầu xuất khẩu của Nga từ 60 xuống 45 USD/thùng, đã vấp phải phản đối quyết liệt từ Slovakia và Hungary. Mặc dù được thúc đẩy bởi Ủy ban châu Âu như một bước đi nhằm tăng cường áp lực tài chính lên Moscow, gói biện pháp này lại làm nổi bật những mâu thuẫn nội tại không thể bỏ qua giữa các quốc gia thành viên.
Slovakia, với hệ thống năng lượng phụ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga, phản đối trừng phạt trên cả phương diện kinh tế lẫn pháp lý. Thủ tướng Robert Fico cảnh báo rằng việc đơn phương từ bỏ nguồn cung từ Nga không chỉ đẩy đất nước vào khủng hoảng do giá năng lượng tăng vọt, mà còn vi phạm hợp đồng với Gazprom kéo dài đến năm 2034 - điều có thể dẫn tới tranh chấp pháp lý trị giá hàng chục tỷ Euro. Trong thực tế, không chỉ riêng Slovakia mà nhiều nước Trung và Đông Âu vẫn dựa vào các hợp đồng dài hạn với Gazprom như một biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng - điều khiến họ có xu hướng thận trọng hơn với các biện pháp trừng phạt mới.
Hungary, quốc gia từ lâu đi theo lập trường hoài nghi đối với chính sách trừng phạt, tiếp tục khẳng định quyền tự chủ trong chính sách đối ngoại. Thủ tướng Viktor Orbán công khai phản đối những biện pháp có thể đẩy giá cả trong nước leo thang, đồng thời cho rằng EU không thể hi sinh lợi ích kinh tế của từng quốc gia thành viên cho mục tiêu tập thể thiếu sự đồng thuận. Trên thực tế, chính sách đối ngoại của Budapest ngày càng phản ánh một xu hướng hiện thực, trong đó quan hệ song phương với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và khí đốt, được ưu tiên hơn so với lập trường chính trị chung của khối.
Sự bất đồng trong nội bộ EU không đơn thuần là tranh cãi kỹ thuật hay ngắn hạn, mà phản ánh một vấn đề cấu trúc: việc áp dụng nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối trong các quyết định chính sách đối ngoại đang trở thành một lực cản trong bối cảnh môi trường địa chính trị thay đổi nhanh chóng. Những quốc gia có lợi ích khác biệt có thể dễ dàng làm tê liệt tiến trình chung.
Trước thực tế đó, Ủy ban châu Âu đã bắt đầu cân nhắc các biện pháp linh hoạt hơn, bao gồm việc thúc đẩy cơ chế biểu quyết theo đa số đủ điều kiện thay vì nhất trí tuyệt đối. Tuy nhiên, thay đổi này có thể vấp phải phản ứng về chủ quyền từ chính những nước đang hoài nghi với sự tích hợp sâu hơn trong EU.
Phương Tây và bài toán đồng thuận chiến lược
Giới phân tích cho rằng, phối hợp chính sách giữa các quốc gia phương Tây đang ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt trong các định dạng đa phương như NATO và G7. Những khác biệt sâu sắc trong cách đánh giá và thứ tự ưu tiên các mối đe dọa toàn cầu đang làm suy yếu khả năng hành động tập thể.
Tại NATO, sự chênh lệch về trọng tâm chiến lược đã lộ rõ: trong khi Mỹ chuyển hướng tập trung sang khu vực Trung Đông và ngày càng chú ý đến cạnh tranh với Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Âu tiếp tục xem cuộc xung đột Nga-Ukraine là ưu tiên an ninh cấp bách. Việc thiếu một định hướng thống nhất đang làm giảm hiệu quả điều phối trong liên minh, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu từ Washington, như việc tăng chi tiêu quốc phòng để chia sẻ gánh nặng tài chính, tạo thêm áp lực lên các đồng minh vốn đang đối mặt với những thách thức nội tại về kinh tế và xã hội.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, yêu cầu “công bằng tài chính” đã trở thành trọng tâm, đẩy quan hệ giữa Mỹ với các đối tác NATO vào trạng thái căng thẳng chưa từng có. Đến nay, những vấn đề cơ bản về phân bổ trách nhiệm và cam kết ngân sách vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tương tự, trong G7 - nơi tập hợp các nền kinh tế hàng đầu thế giới - bất đồng về cách tiếp cận các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, trật tự thương mại quốc tế hay chính sách đối với Trung Quốc đã làm lu mờ vai trò điều phối chính sách toàn cầu của nhóm này. Thất bại trong việc đạt được tuyên bố chung tại một số hội nghị thượng đỉnh, như tại Canada, là biểu hiện rõ ràng của sự rạn nứt trong nội khối.
Riêng trong khuôn khổ EU, cấu trúc thể chế yêu cầu sự đồng thuận tuyệt đối trong các quyết định đối ngoại và an ninh đang trở thành điểm nghẽn nghiêm trọng. Cơ chế đồng thuận từng là biểu tượng của sự đoàn kết, nay lại trở thành rào cản trong bối cảnh lợi ích quốc gia ngày càng phân hóa. Nhiều chính phủ thành viên đang phải đối mặt với sức ép từ các lực lượng chính trị trong nước, bao gồm chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa hoài nghi EU và bảo hộ kinh tế, buộc họ phải ưu tiên lợi ích ngắn hạn hơn là gắn bó với những cam kết chiến lược dài hạn của khối.
Tình trạng này không chỉ làm chậm quá trình ra quyết định, mà còn đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả và khả năng thích ứng của các thể chế phương Tây trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn bất ổn địa chính trị kéo dài.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/chau-au-va-ukraine-khi-loi-ich-quoc-gia-lan-at-doan-ket-khu-vuc-253697.htm