Không có đường nhựa bằng phẳng, không có dải phân cách hay trạm tiếp nước cố định như ở các giải marathon quen thuộc. Thay vào đó, người chạy phải vượt qua những bờ ruộng gồ ghề, lội qua kênh rạch bất ngờ xuất hiện, băng qua những lối mòn chỉ đủ một người lách qua và cả những đoạn bùn lầy níu chân. Ðịa hình khắc nghiệt ấy không chỉ tạo ra thử thách mà còn mở lối cho hướng đi mới của thể thao phong trào Việt Nam, nơi tốc độ không còn là yếu tố duy nhất để định nghĩa chiến thắng.
Trên từng bước chạy, hơn 3 ngàn vận động viên đã băng qua ruộng cạn, nhảy cầu khỉ, lội kênh... Mỗi trải nghiệm khắc nghiệt ấy trở thành một khoảnh khắc đáng nhớ. Anh Nguyễn Hoàng Khánh, runner đến từ Cà Mau, thở dốc sau khi hoàn thành cự ly 21 km, nhưng ánh mắt vẫn ánh lên sự hào hứng: “Cảm giác như mình vừa đóng vai chính trong một bộ phim sinh tồn. Không thể chạy bằng thói quen, mà phải ứng biến liên tục. Chính điều đó mới cuốn hút”.
Băng qua ao Bà Om huyền thoại.
Cross country (chạy băng đồng) vốn là hình thức chạy địa hình đặc biệt, phổ biến ở các nước châu Âu, châu Mỹ từ lâu. Ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn lạ lẫm. Ða phần các runner mới chỉ làm quen với road run (chạy đường bằng) hay trail run (chạy địa hình đồi núi). Việc đưa cross country về vùng đồng bằng sông nước như Trà Vinh là lựa chọn táo bạo, nhưng vô cùng hợp lý.
Với chỉ 25% quãng đường được trải nhựa, còn lại là các tuyến đường dân sinh quanh làng Khmer (35%) và lối đất mòn men theo ruộng, đê, ven kênh (40%), người tham gia không chỉ phải thay đổi kỹ thuật liên tục mà còn trải qua một hành trình cảm xúc đặc biệt.
Anh Lê Minh Thắng, đến từ Câu lạc bộ Chạy bộ Cà Mau, chia sẻ: “Có đoạn tôi phải giảm tốc để giữ thăng bằng trên nền đất trơn, rồi lại tăng tốc trên mặt nhựa. Giống như đang thi đấu một cuộc thi đa môn trong cùng chặng đua vậy”.
Không chỉ độc đáo về địa hình, Aikya Cross Country Marathon còn diễn ra đúng dịp tết Chôl Chnăm Thmây, lễ mừng năm mới truyền thống của đồng bào Khmer. Trà Vinh trong những ngày này rộn ràng sắc màu: cờ hoa rực rỡ, tiếng nhạc ngũ âm vang vọng, điệu múa dân gian len lỏi trên từng nhịp chạy.
Slogan của giải là “Energy of Harmony” (năng lượng của sự hòa hợp) không chỉ nói về nhịp điệu của cuộc đua, mà còn thể hiện sự giao thoa giữa thể thao, thiên nhiên và văn hóa. Chị Thanh Vũ, nhà vô địch thế giới bộ môn 3 môn phối hợp, xúc động chia sẻ: “Tôi từng chạy ở sa mạc Sahara, Bắc Cực lạnh -30 độ, nhưng chưa nơi nào khiến tôi cảm thấy gần gũi với con người và vùng đất như ở đây. Băng qua ruộng lúa, lội qua bùn, đoạn cuối lại là một ngôi chùa Khmer cổ kính, tất cả như những thước phim tuyệt đẹp”.
Ðối với nhiều người, đường chạy không chỉ là hành trình thể chất mà còn là dịp để hồi tưởng và kết nối với ký ức tuổi thơ. Chị Cao Thị Thúy, runner đến từ Cà Mau, xúc động kể: “Lúc băng qua ruộng lúa, tôi nhớ lại tuổi thơ ở quê. Mùi bùn non, tiếng chim kêu... tất cả như sống lại”.
Cung đường men theo bờ ruộng, uốn lượn qua đồng lúa chín, nơi thể thao và thiên nhiên hòa quyện.
Khác với chạy trail ở địa hình núi đòi hỏi sức bền và leo dốc, cross country là cuộc chơi của sự thích nghi. Người chạy cần “đọc” được đường, biết giữ nhịp trong bùn sình, linh hoạt quanh các khúc cua gắt. Tốc độ không còn là ưu thế nếu thiếu chiến thuật phù hợp.
Ðường chạy của Aikya Cross Country Marathon Trà Vinh 2025 như dắt người tham gia đi qua từng lớp trầm tích văn hóa và đời sống: từ cánh đồng lúa xanh mướt, những con kênh uốn lượn, đến chùa Âng ngàn năm tuổi nằm lặng lẽ dưới tán cây cổ thụ và ao Bà Om, hồ nước linh thiêng, biểu tượng phồn vinh của người Khmer. Không lạ khi nhiều vận động viên sau cuộc đua đã khẳng định, dù đường chạy khó, họ nhất định sẽ quay lại vì ở đây không chỉ có thể thao, mà còn có tình người, có chất quê đậm đà, chân chất.
Sự thành công trong khâu tổ chức và hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ đã chứng minh tiềm năng lớn của cross country tại Việt Nam. Ðây không chỉ là một giải chạy, mà còn là mô hình phát triển thể thao gắn với du lịch sinh thái cộng đồng, mở ra cơ hội mới cho những địa phương còn ít được biết đến. Nếu Cà Mau học hỏi mô hình này, thì trong vài năm tới, cross country hoàn toàn có thể trở thành một trong những loại hình thể thao phong trào phổ biến nhất Việt Nam, vừa rèn luyện thể chất, vừa quảng bá văn hóa, phát triển du lịch và kết nối cộng đồng./.
Việt Mỹ