Cháy chùa, hỏng tượng, trách nhiệm thuộc về ai? - Bài 1: Trách nhiệm vẫn mơ hồ

Cháy chùa, hỏng tượng, trách nhiệm thuộc về ai? - Bài 1: Trách nhiệm vẫn mơ hồ
7 giờ trướcBài gốc
Tổn thất nặng nề
Ngày 10/2/2025, chùa Vẽ, di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại phường Thọ Xương, TP Bắc Giang, bất ngờ bùng phát hỏa hoạn. Ngọn lửa khởi phát từ gian chính điện rồi nhanh chóng lan rộng, thiêu rụi toàn bộ chùa với 5 gian, 4 mái cùng nhiều tượng Phật và hoành phi có tuổi đời hàng trăm năm. Chùa Vẽ được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng vào thế kỷ XVII, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1994, là nơi lưu giữ nhiều giá trị tín ngưỡng quan trọng. Nhưng sau đám cháy, những gì còn lại chỉ là đống tro tàn và những bức tượng cháy sém không thể phục hồi.
Chùa Vẽ (Bắc Giang) chìm trong biển lửa.
Không lâu trước đó, sáng 23/10/2024, chùa Phổ Quang ở Phú Thọ cũng chìm trong biển lửa. Ngọn lửa bùng lên từ bên trong chùa, thiêu rụi hoàn toàn kiến trúc bằng gỗ quý và nhiều hiện vật cổ. Trong số di vật bị hư hại có bàn thờ Phật bằng đá từ thời Trần - một bảo vật quốc gia vô giá. Chùa Phổ Quang được xây dựng từ thế kỷ XIV, là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng của vùng trung du Bắc bộ. Vậy mà chỉ trong vài giờ, công trình lịch sử này đã bị hủy hoại hoàn toàn.
Năm 2022, di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn tại Huế cũng không thoát khỏi thảm kịch. Đám cháy bắt đầu từ khu nhà tự học, nơi trưng bày các hiện vật lịch sử về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp. Ngọn lửa đã khiến một phần mái khu nhà bị sụp đổ, gây hư hỏng nghiêm trọng cho một trong những biểu tượng giáo dục hàng đầu dưới thời Nguyễn. Quốc Tử Giám vốn là trung tâm đào tạo nhân tài của triều đình phong kiến Việt Nam, nơi lưu giữ những dấu ấn về khoa bảng và truyền thống học thuật của dân tộc. Việc di tích này bị cháy khiến nhiều hiện vật quý giá không thể phục hồi, kéo theo sự tiếc nuối vô hạn của các nhà nghiên cứu văn hóa.
Sau mỗi vụ cháy, câu hỏi về trách nhiệm lại được đặt ra nhưng chưa bao giờ có một câu trả lời rõ ràng. Thông thường, các ngôi chùa và di tích được giao cho ban quản lý di tích hoặc chính quyền địa phương bảo vệ. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, mọi thứ lại rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Những câu trả lời kiểu “chúng tôi đã cố gắng nhưng bất khả kháng” hay “di tích có từ lâu đời nên khó kiểm soát hỏa hoạn” xuất hiện nhiều hơn là những biện pháp khắc phục cụ thể.
Ngọn lửa đã khiến một phần mái khu nhà tự học thuộc di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn tại Huế bị sụp đổ.
“Chúng ta đang mất dần những công trình văn hóa vô giá mà không ai thực sự chịu trách nhiệm”, kiến trúc sư Lê Văn Minh (Trung tâm Bảo tồn di tích và di sản kiến trúc) nhận định.
Nên xử lý nghiêm để làm gương
“Dù nguyên nhân ban đầu của các vụ cháy chùa thường được cho là chập điện hoặc sơ suất trong thắp hương, đốt vàng mã, nhưng thực tế cho thấy, công tác bảo vệ di tích vẫn còn nhiều lỗ hổng nghiêm trọng. Hệ thống báo cháy tại nhiều ngôi chùa hầu như không hoạt động, phương tiện chữa cháy thô sơ, trong khi đội ngũ trông coi lại thiếu kỹ năng xử lý sự cố. Khi hỏa hoạn xảy ra, lực lượng chữa cháy nhiều khi không thể tiếp cận kịp thời do di tích nằm sâu trong các khu vực khó tiếp cận, hoặc không có nguồn nước gần đó để dập lửa”, ông Minh nói.
Về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để xảy ra cháy nổ tại các di tích quốc gia, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: "Di sản của cha ông để lại không thêm, chỉ vơi đi thôi. Đánh mất là mất hẳn. Bổn phận của chúng ta là truyền các di sản hiếm hoi từ dĩ vãng sang bàn tay các thế hệ tiếp sau. Bởi thế, cần phải phân định rõ trách nhiệm trong việc bảo quản di tích".
Cùng quan điểm, ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội, nói: “Hiện các luật di sản, luật phòng cháy chữa cháy đều có quy định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra cháy nổ di tích nhưng dường như chưa từng có sự vụ nào được xử lý rốt ráo”. Ông Tiến đề xuất Nhà nước nên mạnh tay xử lý một vài vụ điển hình để làm gương, từ đó xốc lại ý thức bảo vệ di tích của các bên liên quan.
“Tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" cần phải chấm dứt. Nếu không có chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm của những đơn vị lơ là công tác bảo vệ di tích, câu chuyện cháy chùa, hỏng tượng sẽ còn tiếp diễn. Và khi đó, chúng ta không chỉ mất đi những giá trị văn hóa quý giá, mà còn đánh mất cả trách nhiệm gìn giữ ký ức của dân tộc”, ông Tiến nói.
Để ngăn chặn các vụ cháy tương tự trong tương lai, theo ông Tiến, cần đồng bộ giải pháp kiểm tra và nâng cấp hệ thống điện, đảm bảo hệ thống điện tại các di tích được lắp đặt an toàn, sử dụng thiết bị chất lượng và được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng lửa, giám sát nghiêm ngặt việc thắp hương, nến và đốt vàng mã; bố trí khu vực riêng biệt cho các hoạt động này. Trang bị và bảo dưỡng thiết bị phòng cháy chữa cháy, cung cấp đầy đủ bình chữa cháy, hệ thống báo cháy và nhất là phải đào tạo nhân viên, người trông coi di tích về kỹ năng phòng cháy chữa cháy cơ bản.
Những bài học từ thế giới
Kiến trúc sư Lê Văn Minh khẳng định: “Việc cháy nổ khiến nhiều di tích bị xóa sổ cũng từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới”. Ông Minh dẫn chứng, tháng 1/2023, các vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại Los Angeles, Mỹ, thiêu rụi nhiều di tích lịch sử quan trọng. Khu phố Palisades được xây dựng theo phong cách Phục hưng Tây Ban Nha từ năm 1924 gần như bị phá hủy hoàn toàn. Bảo tàng Lake Avenue cũng mất khoảng 46.000 hiện vật trong thảm họa này.
Năm 2018, một vụ hỏa hoạn lớn thiêu rụi Bảo tàng Quốc gia Brazil tại Rio de Janeiro, một trong những bảo tàng lâu đời nhất của quốc gia này. Vụ cháy đã phá hủy khoảng 90% trong số 20 triệu hiện vật, bao gồm nhiều tài sản văn hóa và lịch sử vô giá. Trước khi thảm kịch xảy ra, bảo tàng đã phải đối mặt tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do thiếu hụt ngân sách và thiếu sự quan tâm từ chính phủ. Phó Giám đốc Bảo tàng, ông Luiz Duarte, từng cảnh báo về nguy cơ này khi cho biết bảo tàng đã bị "lãng quên" và các khoản hỗ trợ tài chính cần thiết cho việc bảo trì, bao gồm cả hệ thống chữa cháy, đã không được thực hiện. Sau sự cố, chính phủ Brazil đối mặt sự chỉ trích mạnh mẽ từ công chúng và giới chuyên gia về việc thiếu trách nhiệm trong bảo vệ di sản quốc gia. Trước áp lực đó, các biện pháp cải thiện an toàn cháy nổ cho các di tích và bảo tàng đã được đề xuất và triển khai.
Theo ông Minh, hầu hết các quốc gia đã đầu tư lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động tại các di tích. Hệ thống phun nước tự động, hệ thống ngăn chặn khí và hệ thống bọt được sử dụng phổ biến, tùy thuộc vào đặc điểm của từng công trình. Ngoài ra, trong quá trình trùng tu và bảo dưỡng, việc sử dụng vật liệu chống cháy cho tường, trần và sàn nhà cũng giúp hạn chế sự lan rộng của lửa, bảo vệ cấu trúc và nội thất của di tích.
Hạ Đan
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/chay-chua-hong-tuong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-bai-1-trach-nhiem-van-mo-ho-post1719084.tpo