Najin (phía sau), 30 tuổi, và Fatu, 19 tuổi, hai con tê giác trắng phương bắc cái, cuối cùng còn sót lại trên hành tinh tại Khu bảo tồn Ol Pejeta ở Nanyuki, Kenya. Ảnh: Getty images
Najin và con gái Fatu là hai con tê giác trắng phương Bắc duy nhất còn lại trên Trái Đất. Thời gian đang đếm ngược trước khi chúng nối gót nhiều loài động vật khác bị con người săn bắt đến tuyệt chủng.
Tuy nhiên, một bước đột phá khoa học gần đây đã mở ra hy vọng, khi giới chuyên gia tin rằng năm nay có thể đánh dấu sự ra đời của một phôi thai tê giác trắng phương Bắc, một bước ngoặt chưa từng có đối với loài này, vốn bị tuyên bố tuyệt chủng về mặt chức năng sau cái chết của cá thể đực cuối cùng, Sudan, vào năm 2018.
Hy vọng từ công nghệ IVF
Cả Najin và Fatu đều không thể mang thai do gặp vấn đề về tử cung. Tuy nhiên, Fatu vẫn có thể sản xuất trứng khỏe mạnh, khiến nó trở thành ứng viên sáng giá cho phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã thu thập trứng của Fatu tại khu bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya, nơi hai mẹ con tê giác được bảo vệ 24/7. Sau đó, số trứng này được gửi sang châu Âu để thụ tinh trong phòng thí nghiệm bằng tinh trùng của những con tê giác trắng phương Bắc đực đã chết.
Hiện tại, 36 phôi thai đã được tạo ra và sẵn sàng để cấy ghép, theo Jan Stejskal, điều phối viên dự án BioRescue, một trong những sáng kiến lớn nhất nhằm bảo tồn loài tê giác trắng phương Bắc khỏi tuyệt chủng.
Fatu vẫn có thể sản xuất thêm khoảng 10 trứng nữa trước khi quá già. "Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được ca mang thai thành công đầu tiên với phôi thai tê giác trắng phương Bắc trong năm nay", Stejskal chia sẻ, nhưng cũng thận trọng nói thêm: "Dù vậy, tôi không thể đảm bảo điều đó".
Thử nghiệm mang thai với Tê giác trắng phương Nam
Các nhà khoa học có kế hoạch sử dụng một cá thể tê giác trắng phương Nam, loài họ hàng gần nhất, mang thai hộ.
Một năm trước, một đột phá lớn đã xảy ra khi một con tê giác trắng phương Nam cái mang thai thành công bằng phương pháp IVF. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này có hiệu quả đối với loài tê giác.
Tuy nhiên, niềm vui ấy nhanh chóng đi kèm với nỗi buồn. Khi phát hiện ra bào thai đực đã phát triển đến 6,4 cm ở ngày thứ 70, thì con tê giác mẹ mang thai hộ đã chết vì nhiễm khuẩn. Tệ hơn nữa, con tê giác đực đóng vai trò "dụ giao phối", giúp xác định thời điểm rụng trứng của con cái, cũng tử vong vì cùng loại nhiễm khuẩn, khiến nhóm nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tìm cá thể thay thế.
Dù vậy, nhóm chuyên gia vẫn quyết tâm thử lại, lần này là với phôi thai tê giác trắng phương Bắc.
Còn bao nhiêu cơ hội
Ngoài phương pháp IVF, còn nhiều hướng nghiên cứu khác nhằm cứu loài tê giác trắng phương Bắc khỏi tuyệt chủng.
Một nhóm chuyên gia Nhật Bản đang sử dụng công nghệ tế bào gốc để tạo ra trứng và tinh trùng của tê giác trắng phương Bắc. Nếu thành công, điều này có thể giúp gia tăng số lượng phôi thai và mở rộng đa dạng di truyền cho thế hệ tương lai. Dự án này hiện đã đi được một nửa chặng đường và dự kiến có thể tạo ra phôi thai trong khoảng bốn năm tới.
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford đang thử nghiệm sử dụng mô buồng trứng của những con tê giác đã chết để tạo ra trứng. Điều này đồng nghĩa rằng ngay cả khi Najin (35 tuổi) và Fatu (24 tuổi) qua đời, các nhà khoa học vẫn có thể thu thập trứng chưa trưởng thành từ buồng trứng của chúng.
Nhà nghiên cứu Suzannah Williams, người đứng đầu dự án tại Oxford, ước tính rằng họ có thể thu được vài trăm trứng từ mô buồng trứng này, dù không phải tất cả đều có thể thụ tinh thành công.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng có thể tìm ra giải pháp trước khi Najin và Fatu qua đời, để những cá thể tê giác non tương lai có thể học tập hành vi từ hai cá thể cuối cùng của loài mình.
Hiện vẫn chưa ai có thể xác định tỷ lệ thành công của phương pháp IVF đối với tê giác trắng phương Bắc.
Với tê giác trắng phương Nam, phải mất ba lần thử mới có ca mang thai thành công, nhưng con số này vẫn quá nhỏ để có thể rút ra kết luận. Ngoài ra, quá trình mang thai ở loài tê giác kéo dài tới 18 tháng, với nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Dù vậy, Stejskal vẫn lạc quan: "Chúng tôi sẽ cứu được loài này". Nhà nghiên cứu Williams cũng đồng tình, khẳng định: "Không phải là nếu, mà là khi".
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào viễn cảnh hồi sinh loài tê giác trắng phương Bắc.
Jo Shaw, Giám đốc tổ chức Save the Rhino International, cho rằng ngay cả khi những con tê giác non được sinh ra, đa dạng di truyền của chúng vẫn "quá thấp" để có thể khôi phục loài này. Thay vào đó, bà cho rằng nỗ lực bảo tồn nên tập trung vào tê giác Java và tê giác Sumatra, hai loài chỉ còn chưa đến 50 cá thể trong tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu tại BioRescue phản bác rằng những công nghệ họ đang phát triển sẽ không chỉ giúp tê giác trắng phương Bắc, mà còn có thể hỗ trợ bảo tồn các loài tê giác khác cũng như nhiều động vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Theo Stejskal, dự án của họ đã đóng góp trực tiếp vào nỗ lực cứu tê giác Sumatra.
Hy vọng cho một sự kiện ăn mừng toàn cầu
Tại khu bảo tồn Ol Pejeta, người chăm sóc chính của Najin và Fatu, Zacharia Mutai, nhấn mạnh rằng con người đã đẩy tê giác trắng phương Bắc đến bờ vực tuyệt chủng và vì vậy, chúng ta có trách nhiệm đưa chúng trở lại.
Mutai, người đã chứng kiến giây phút Sudan, cá thể đực cuối cùng, trút hơi thở cuối cùng, tin rằng sự ra đời của một con tê giác non sẽ là một sự kiện "ăn mừng trên toàn thế giới".
"Và tôi sẽ là người chăm sóc nó", anh mỉm cười nói, trong khi phía sau, Najin và Fatu vẫn điềm nhiên nhấm nháp từng ngọn cỏ xanh.
Phúc Hưng/Báo Tin tức (Theo AFP/news24)