'Chạy đua' gỡ thẻ vàng

'Chạy đua' gỡ thẻ vàng
6 giờ trướcBài gốc
Cán bộ Hải đội 2, BĐBP Sóc Trăng cấp phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống khai thác IUU cho ngư dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Văn Long
Cục Thủy sản thông tin, hiện các tàu cá đã lắp thiết bị VMS đạt tỷ lệ 98,43%; đối với các tàu chưa lắp, các địa phương cơ bản đã quản lý. Tuy nhiên, từ đầu năm đến ngày 31/7, tàu mất kết nối VMS còn diễn ra ở các địa phương như: Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận... Trong khi việc xử lý vi phạm còn chậm, chủ yếu là cảnh cáo và nhắc nhở, việc xử phạt còn hạn chế.
Để đáp ứng năng lực quản lý và công tác chống khai thác IUU có hiệu quả và sớm tháo gỡ thẻ vàng, Cục Thủy sản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc quyết liệt để xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm; cơ sở pháp lý cơ bản đã đầy đủ thì đề nghị đưa ra xét xử, truy tố những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần bố trí vốn, nguồn lực để nâng cấp hệ thống VMS và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia nghề cá thành một hệ thống quản lý chung đồng bộ, đầy đủ các tính năng phục vụ công tác giám sát hành trình tàu cá, nhất là tại các địa phương có đội tàu cá lớn.
Theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình tàu khai thác mất kết nối dữ liệu hành trình vẫn còn nhiều. Có một thực trạng là doanh nghiệp (DN) trong một số trường hợp dù đã nỗ lực tối đa, nhưng vẫn không thể nắm chắc hay kiểm tra được nguyên liệu thu mua là hợp pháp hay không hợp pháp.
Quy định hiện hành không cho DN được kiểm tra giám sát hành trình của tàu cá hoặc dữ liệu giám sát hành chính, mà chỉ có ban quản lý cảng cá và chi cục thủy sản được cấp sử dụng. Vì vậy, DN luôn ở thế bị động. Chủ tàu cá và đại lý thu mua luôn có các đầu mối tiêu thụ khác không cần đến giấy S/C (giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác), nên các chủ thể này ở một số nơi đã không hợp tác, hỗ trợ để DN có được đủ thông tin, chứng từ phục vụ việc làm giấy S/C khi mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu sang EU.
Một bất cập khác là tàu cá trên 15 m mới phải gắn thiết bị VMS, tàu dưới 15 m không phải lắp. Hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc khai thác điện tử (eCDT) yêu cầu cập nhật thông tin của tàu có lắp đặt VMS. Do đó, khi DN mua nguyên liệu từ các tàu cá dưới 15 m thì không cập nhật được thông tin trên eCDT nên DN không thể làm thủ tục xin giấy S/C được. VASEP, kiến nghị, để hệ thống eCDT thực hiện hiệu quả và giúp ích cho cả cơ quan quản lý và DN, cần bổ sung 2 chủ thể là tàu thu mua và nậu vựa vào hệ thống eCDT.
Việc gỡ thẻ vàng IUU là nhiệm vụ quan trọng vì EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam và lấy lại hình ảnh, vị thế của thủy sản Việt Nam. Phòng chống đánh bắt IUU đã được Chính phủ xác định là cần tập trung vào 2 việc: Không để có tàu cá bị bắt ở nước ngoài; xử lý nghiêm các vi phạm vật liệu nổ trong đánh bắt hải sản. Vậy thì địa phương phải hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Việc gỡ thẻ vàng của EC mới chỉ là bước đầu, về lâu dài phải quan tâm đến vấn đề minh bạch trong khai thác thủy sản, có sinh kế bền vững cho người dân để hướng đến phát triển thủy sản bền vững. Sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch bệnh, lạm phát, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường, ước đạt 9,5 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Thanh Thảo
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/chay-dua-go-the-vang-post482334.html