Bức tranh cải tạo chung cư cũ
Trên cương vị là người đứng đầu Đảng ta và là đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ với cử tri Thủ đô tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV rằng: “Việc cải tạo chung cư cũ là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm và luôn mong muốn người dân có nơi ở mới tốt hơn”.
Khu tập thể D6 Trung Tự, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
Thực tế hiện nay, so với các cơ chế, chính sách từng được áp dụng cách đây khoảng 10 năm, Hà Nội đang có những bước tiến mang tính bứt phá, đột phá rõ nét trong công tác cải tạo chung cư cũ. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 03-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025”, chỉ tiêu về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc nhóm chỉ tiêu đang thực hiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025.
Cụ thể, triển khai Luật Nhà ở 2023, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các Nhà đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai thuộc danh mục các dự án cần rà soát. Đến nay 2 dự án đã hoàn thành gồm: chung cư 3A Quang Trung (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) và dự án cái tạo chung cư cũ L1, L2 (khu Nam Thành Công, quận Đống Đa). 9 dự án đang đôn đốc triển khai như: Nhà A&B khu tập thể Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy); tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng); tập thể X1-26 Liễu Giai (quận Ba Đình); tập thể Dịch vụ vận tải đường sắt (quận Hoàng Mai); chung cư số 148 – 150 Sơn Tây (quận Ba Đình); tập thể Viện tư liệu phim Việt Nam – The Boulevard (quận Ba Đình); dự án phá dỡ nhà nguy hiểm và xây dựng mới tại 225 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ); chung cư tại khu đất 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa); dự án 23 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm).
Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2025 tại ba quận trung tâm là Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Quận Đống Đa được bổ sung 3 dự án, trong đó có dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ) được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho một trong những khu nhà cũ xuống cấp lâu năm. Theo các chuyên gia, việc khởi động dự án cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D tại 51 Huỳnh Thúc Kháng đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn Hà Nội.
UBND quận đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tư vấn lập quy hoạch cập nhật các vấn đề thực tế, các quy hoạch quản lý chuyên ngành, các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế quy hoạch đô thị của Nhà nước, của Bộ Xây dựng và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tầm nhìn đến năm 2065 và đặc biệt là Đồ án đã nghiên cứu để tối ưu, tái cấu trúc để tăng các chỉ số, hệ số về đất giao thông công cộng, công trình hạ tầng xã hội, trường học, quảng trường, cây xanh công cộng, trục giao thông kết nối khai thác giá trị hồ Kim Liên phục vụ nhu cầu không gian sinh hoạt cho Nhân dân cao hơn. Đồng thời tái cấu trúc xây dựng trục phát triển các công trình dịch vụ thương mại, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư theo tuyến đường sắt ngầm đô thị, tuyến phố Phạm Ngọc Thạch; đồng thời có kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, các công trình cảnh quan (theo tuyến sông Lừ), tuyến nối ra Hồ Nam Đồng, đồng bộ quy hoạch của 3 khu: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn
Về công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm, theo đề án và các kế hoạch triển khai có 6 nhà/khu chung cư trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa. Đến nay, công tác di dời nhà nhà nguy hiểm chỉ có 2 nhà chung cư trên địa bàn quận Ba Đình chưa hoàn thành là nhà G6A Thành Công và nhà số 148 – 150 phố Sơn Tây.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 với những quy định đặc thù đã dần được hiện thực hóa. Theo quy định của Luật Thủ đô 2024, Hà Nội được trao quyền điều chỉnh chỉ tiêu, hệ số đền bù, điều chỉnh quy hoạch đã duyệt cho phù hợp; điều này tạo ra yếu tố rất thuận lợi trong cải tạo các khu chung cư cũ. Luật cũng đã tháo điểm nghẽn, tạo sự đồng thuận của người dân. Luật quy định rõ về bố trí các khu tái định cư và hệ số đền bù thỏa thuận giải phóng mặt bằng thì Hà Nội có đặc thù từ 1,5 - 2 lần nhà cũ.
Khẩn trương hoàn thành quy hoạch
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 03-Ctr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025”, những tồn tại, khó khăn hiện nay là việc bố trí nguồn vốn phục vụ công tác lập, phê duyệt quy hoạch và kiểm định kéo dài. Đơn cử, tháng 1/2024, UBND TP có văn bản giao nhiệm vụ phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu sử dụng nguồn chi thường xuyên thực hiện công tác kiểm định, lập quy hoạch để có cơ sở UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung này, Sở Xây dựng đã đề nghị hướng dẫn xác định thời gian được tiếp tục sử dụng nhà chung cư cũ theo Luật Nhà ở; tuy nhiên đến nay chưa được Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, UBND các quận, huyện đang tích cực tổ chức triển khai công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư thực hiện hiện dự án. Việc chậm tiến độ triển khai nguyên nhân khách quan là chủ yếu.
Thực tế thời gian qua, tại các hội nghị tiếp xúc người dân, nhiều lãnh đạo quận huyện nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của chủ trương cải tạo chung cư cũ là để chất lượng cuộc sống người dân tốt hơn. Việc kiên trì gỡ từng nút thắt để người dân có nơi ở mới tốt hơn, trong đó có việc cho phép nâng tầng trong cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ nhưng vẫn bảo đảm quy hoạch, không tăng dân số, không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng, đang là giải pháp trọng tâm được TP Hà Nội nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm mục tiêu cao nhất là hài hòa lợi ích của người dân, DN và Nhà nước.
Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, các dự án cải tạo chung cư cũ trước đây thường bị giới hạn trong phạm vi nghiên cứu hẹp, chủ yếu xoay quanh hệ số K, tăng tầng cao công trình và gặp khó khăn trong đối thoại với cư dân tầng 1, dẫn đến bế tắc kéo dài. Chính vì vậy, cách tiếp cận mới - chuyển từ tư duy "cục bộ" sang tầm nhìn mở rộng, sử dụng công cụ TOD để kết nối các quy mô và mạng lưới liên kết, chuyển mục tiêu lợi nhuận kinh doanh bất động sản sang định hướng DCC (phát triển kết nối cộng đồng) để thu hút nguồn lực từ việc kết nối tổng thể lợi thế tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội... sẽ tạo nên sức mạnh mới trong phát triển.
Trên cơ sở Nhiệm vụ quy hoạch được UBND TP phê duyệt, UBND quận sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan và đơn vị tư vấn lập quy hoạch khảo sát đầy đủ thực trạng, căn cứ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành xây dựng và định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tầm nhìn đến năm 2065, để nghiên cứu, đưa ra phương án thiết kế tối ưu, tái cấu trúc để tăng các chỉ tiêu về đất hạ tầng đô thị như giao thông công cộng, công trình hạ tầng xã hội, trường học, quảng trường, công viên cây xanh, mặt nước, trục giao thông kết nối phục vụ nhu cầu không gian sinh hoạt cho khu quy hoạch. Đồng thời tái cấu trúc xây dựng trục phát triển các công trình dịch vụ thương mại, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư theo mô hình TOD dọc theo tuyến đường sắt đô thị ngầm có trong khu vực nghiên cứu.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường
Lại Tấn