Chạy đua với thời gian

Chạy đua với thời gian
một ngày trướcBài gốc
Cơ sở hạ tầng quan trọng - bao gồm cầu, đường cao tốc, sân bay và đường sắt - tại Myanmar bị hư hại nặng nề do động đất, cản trở các nỗ lực cứu hộ và viện trợ.
Thương vong tiếp tục tăng
Theo thống kê gần nhất từ chính quyền quân sự Myanmar, có khoảng 1.700 người được xác nhận là đã thiệt mạng, hơn 3.400 người bị thương và hơn 300 người mất tích. Tuy nhiên theo thông cáo báo chí được phát đi chiều 31-3 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phương tiện truyền thông địa phương đưa tin ít nhất hơn 2.600 người thiệt mạng đã được ghi nhận trên toàn quốc, trong đó 1.800 nạn nhân là ở tâm chấn Mandalay.
"Quy mô tử vong và thương tích vẫn chưa được hiểu đầy đủ, và con số này dự kiến sẽ tăng lên" - WHO thông tin và cho biết thêm rằng thiệt hại lớn nhất được ghi nhận tại các thành phố Bago, Magway, Mandalay, Naypyidaw, vùng Sagaing, trong đó nặng nề nhất là thị trấn Sagaing, phía Nam và phía Đông bang Shan.
Trước đó, mô hình của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ước tính số người thiệt mạng có thể nằm trong khoảng 1.000-10.000 người, dựa theo tính chất của cơn động đất 7,7 độ (thang Moment của Mỹ) đầu tiên, kết cấu nhà cửa và các thiệt hại do động đất trước đây tại khu vực.
Khó khăn nhân đôi
Các phái đoàn từ nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Việt Nam… đã được cử đến vùng thảm họa để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ. Mặc dù vậy, công tác này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo CNBC, các cơ sở hạ tầng quan trọng - bao gồm cầu, đường cao tốc, sân bay và đường sắt - tại quốc gia Đông Nam Á này đã bị hư hại nghiêm trọng do động đất, làm chậm các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo. Nhiều người dân và cả lực lượng cứu hộ đang làm việc tại TP Mandalay và Sagaing hôm 30-3 cho hay họ vẫn chưa nhận được viện trợ. Ngoài ra, việc thiếu máy móc hạng nặng đang khiến nhiều đội cứu hộ và người dân tham gia hỗ trợ phải cố gắng tìm kiếm và tiếp cận các nạn nhân bằng các phương tiện chạy pin, các dụng cụ đào cơ bản và cả tay không.
"Mọi người đang rất cần nơi trú ẩn, chăm sóc y tế, nước và hỗ trợ vệ sinh. Thảm họa này gây thêm áp lực cho những người vốn đã dễ bị tổn thương đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đáng báo động", Văn phòng Điều phối viện trợ của Liên hợp quốc (OCHA) viết trên X. Trước đó, xung đột kéo dài từ năm 2021 giữa chính quyền quân đội Myanmar và nhiều nhóm vũ trang khác đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước này. Liên hợp quốc ước tính có tới 3,5 triệu người phải di tản trên khắp đất nước từ trước khi xảy ra động đất.
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) tại Myanmar Michael Dunford viết trên X rằng cơ quan này đã thực hiện đợt phân phối thực phẩm khẩn cấp đầu tiên tại Naypyidaw hôm 30-3 và đang mở rộng quy mô hỗ trợ.
Lực lượng cứu hộ cứu sống một thai phụ bị vùi trong đống đổ nátẢnh: TTXVN
Thêm một số lời đề nghị hỗ trợ quốc tế đã được các quốc gia đưa ra, trong đó nổi bật nhất là lời cam kết 2 triệu USD từ Mỹ. Quốc gia này cũng đã cử một phái đoàn thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đến vùng thảm họa. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những vị nguyên thủ đầu tiên trên thế giới hứa giúp đỡ Myanmar sau khi xảy ra động đất.
Một khoản viện trợ 10 triệu RM (hơn 2,2 triệu USD) cũng được cam kết hôm 31-3 bởi Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, bên cạnh một đội hỗ trợ được gửi đi hôm 31-3. Nhiều quốc gia và khu vực khác cũng tuyên bố sẽ gửi viện trợ nhanh chóng, trong đó lớn nhất là Trung Quốc với 100 triệu nhân dân tệ (gần 13,8 triệu USD).
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích trong các tòa nhà đổ nát Ảnh: TÂN HOA XÃ
3 thảm họa thứ cấp chực chờ
Myanmar vẫn tiếp tục rung chuyển bởi các dư chấn. Cục Khí tượng và Thủy văn Myanmar hôm 30-3 đã báo cáo 34 dư chấn, trong đó nhiều dư chấn mạnh. Các chuyên gia từ đội cứu hộ do Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cử đến vùng thảm họa cũng xác nhận với hãng tin TASS rằng nguy cơ xảy ra một trận động đất khác ở Mandalay vẫn còn hiện hữu và họ phải "sẵn sàng cho mọi tình huống".
Theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, sự tàn phá đã lan rộng và nhu cầu nhân đạo đang tăng lên từng giờ. Trong vài tuần nữa, thay đổi bất lợi của kiểu thời tiết gió mùa - bao gồm nhiệt độ tăng cao - có thể khiến tình hình trầm trọng hơn, do đó cần phải cấp bách ổn định các cộng đồng bị ảnh hưởng trước khi các cuộc khủng hoảng thứ cấp xuất hiện.
Bên cạnh đó, nỗi lo về khủng hoảng y tế nghiêm trọng vẫn bao trùm. Báo cáo hôm 31-3 của WHO cho hay có 3 bệnh viện đã bị sập hoàn toàn tại vùng thảm họa và 22 bệnh viện khác bị sập một phần. Theo WHO, các bệnh viện đều đang quá tải với nhu cầu rất lớn về chăm sóc chấn thương và phẫu thuật, vật tư truyền máu, thuốc, nước sạch, vệ sinh, hỗ trợ tâm lý... Gần 3 tấn vật tư y tế đã và đang được WHO vận chuyển đến 2 thành phố chịu thiệt hại nặng nhất là Mandalay và Naypyidaw, bao gồm các bộ dụng cụ cứu thương, lều đa năng… Nhiều đội phản ứng nhanh của WHO cũng đã có mặt. Dự kiến một lô hàng vật tư y tế lớn khác sẽ được chuẩn bị vào ngày 1-4. Trước đó hôm 30-3, WHO cũng kêu gọi tài trợ khẩn cấp 8 triệu USD nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc chấn thương, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát và khôi phục các dịch vụ thiết yếu đã bị tàn phá bởi trận động đất.
Thái Lan điều tra vụ sập cao ốc đang xây dựng
Theo Bangkok Post, Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnviraku hôm 30-3 đã đặt ra thời hạn 7 ngày cho cuộc điều tra vụ sập tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Thái Lan do Trung Quốc xây dựng tại quận Chatuchak, thủ đô Bangkok. Hôm 28-3, các chấn động lan tỏa từ vụ động đất kép ở Myanmar đã khiến tòa cao ốc 30 tầng đang xây dựng này đổ sập, chôn vùi hàng chục người.
Một ủy ban liên ngành đã được Thái Lan thành lập cho cuộc điều tra này. "Thái Lan sẽ nhanh chóng tìm ra lý do tại sao tòa nhà sụp đổ. Nó vừa mới được xây dựng và phải được thiết kế để chịu được động đất" - ông Anutin nói.
Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Thái Lan đã ký hợp đồng với một liên doanh gồm Italian - Thai Development Plc và China Railway No.10 Engineering Group để xây dựng tòa nhà trị giá 2,1 tỉ baht.
Đại sứ Trung Quốc tại Bangkok Hàn Chí Cường đã đưa một chuyên gia Trung Quốc về sập đường hầm và động đất từ Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc đến gặp ông Anutin vào cùng ngày. Chuyên gia này cũng đã kiểm tra hiện trường vụ sập nhà.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan, 95% các tòa nhà đã chịu được các chấn động hôm 28-3. Trong số các tòa nhà bị hư hại, chỉ có tòa cao ốc nói trên là bị sập hoàn toàn dù mới xây.
Ông Mana Nimitmongkol, Chủ tịch Tổ chức Chống tham nhũng Thái Lan, tiết lộ rằng chính phủ Thái Lan đã đề nghị hủy bỏ dự án vào đầu năm nay vì sự chậm trễ. Tòa cao ốc ban đầu được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2026 nhưng đã chậm tiến độ, chỉ mới hoàn thành 30% trước khi sụp đổ.
Hôm 31-3, lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực sục sạo đống đổ nát để giải cứu 76 người được cho là vẫn còn mắc kẹt. Trong khi đó Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt đã yêu cầu chủ sở hữu các tòa nhà lớn, nhà hát, khách sạn, biển quảng cáo và nhà máy kiểm tra độ bền và an toàn của công trình trong vòng 2 tuần.
ANH THƯ
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/chay-dua-voi-thoi-gian-196250331205029789.htm