Cháy nổ do điện: Cảnh báo từ sau công tơ

Cháy nổ do điện: Cảnh báo từ sau công tơ
7 giờ trướcBài gốc
Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời gồm: Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - PCCC&CNCH (Bộ Công an); ông Trịnh Văn Thuận - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương); ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố Hà Nội; Thượng tá, Tiến sĩ Lương Anh Tuấn - Giảng viên Trường Đại học PCCC (Bộ Công an); ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI).
Toàn cảnh Tọa đàm
Hơn 14.000 vụ cháy trong 5 năm: Lỗi do đâu?
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Phạm Khải-Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân nhấn mạnh: Tọa đàm là diễn đàn để các chuyên gia, cơ quan quản lý, ngành điện và lực lượng chức năng cùng phân tích nguyên nhân, đánh giá nguy cơ và đề xuất các giải pháp kỹ thuật – truyền thông nhằm giảm thiểu sự cố. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng môi trường sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương: Giai đoạn 2020 - 2024, cả nước xảy ra hơn 14.000 vụ cháy, trong đó khoảng 63% có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, đã có trên 900 vụ cháy, với hơn 74% do sự cố hệ thống điện.
Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP. Hà Nội - chia sẻ tại tọa đàm.
Theo ông Khương, qua tổng kết thực tiễn, nguyên nhân các vụ cháy liên quan đến thiết bị điện chủ yếu do quá tải hệ thống điện và chập mạch. Tình trạng sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc trên một đường dây không phù hợp tiết diện, mối nối kém hoặc dây cách điện xuống cấp là nguyên nhân chính.
Tuy nhiên, phần lớn các vụ cháy có nguyên nhân bắt nguồn từ sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người sử dụng điện sau công tơ, đặc biệt trong hộ gia đình và cơ sở sản xuất nhỏ.
Trong thời gian qua, Hà Nội được biết đến là địa phương xảy ra nhiều vụ cháy. Đại tá Phạm Trung Hiếu cho biết, riêng năm 2024, Hà Nội chứng kiến khoảng 1.600 vụ cháy cần tới cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, khoảng 70% nguyên nhân các vụ cháy là do sử dụng điện và có những tháng lên đến 90%.
"Các vụ cháy xảy ra liên quan tới điện chủ yếu do vấn đề về dây dẫn hay thiết bị tiêu thụ. Giai đoạn 2023 - 2024, Hà Nội đã xảy ra hai vụ cháy rất lớn, gây nhiều thương vong và nguyên nhân chủ yếu là do chập cháy khi sạc các phương tiện cơ giới như xe đạp điện, xe máy điện"- Đại tá Phạm Trung Hiếu thông tin.
Người dùng điện phải chịu trách nhiệm từ công tơ vào nhà
Trả lời câu hỏi quy định hiện hành về an toàn điện trong sinh hoạt hiện nay, ông Trịnh Văn Thuận chia sẻ, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (năm 2024), Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật Phòng cháy, chữa cháy (sửa đổi) đã được thông qua. Đây là bước tiến lớn nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn điện, quy định rõ ràng trách nhiệm của tất cả các bên liên quan: Từ đơn vị bán điện, người sử dụng điện, đơn vị cung cấp thiết bị điện đến cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trịnh Văn Thuận - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - phát biểu tại tọa đàm
Đáng chú ý, Điều 74 của Luật Điện lực 2024 đã nêu cụ thể trách nhiệm của người sử dụng điện trong việc thiết kế, lắp đặt hệ thống điện đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về an toàn, trong đó bao gồm cả tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy. Người sử dụng cũng có trách nhiệm đầu tư, duy trì chất lượng hệ thống điện từ công tơ đến thiết bị sử dụng và thực hiện kiểm tra định kỳ trong suốt quá trình vận hành.
Ông Trịnh Văn Thuận cũng nhấn mạnh vai trò của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 12:2014/BXD về hệ thống điện trong nhà ở quy định rõ các yêu cầu về thiết kế, lắp đặt điện trong không gian dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người dân và chủ đầu tư vẫn chưa thực sự quan tâm và áp dụng đúng quy chuẩn này.
Tiến sỹ Lương Anh Tuấn - cho biết: Theo thống kê, hàng năm, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của người dân Việt Nam chúng ta tăng lên rõ rệt. Năm 2024 là 3.000 kWh/người - nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Song song với đó, chỉ một phút sơ sẩy, bất cẩn, nguy cơ cháy nổ liên quan tới điện cũng rất lớn.
Tiến sỹ Lương Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy
"Các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đều có những điểm tương đồng với nhau về nguyên nhân cháy nổ liên quan tới điện đều xuất phát từ hệ thống điện chưa đồng bộ, bao gồm các dây dẫn, thiết bị bảo vệ chưa đồng bộ, do chất lượng các thiệt bị điện trong các hộ dân và ý thức của người dân trong vấn đề sử dụng điện - gây nên những hậu quả hết sức to lớn"- Tiến sỹ Lương Anh Tuấn cho hay.
Cần thực thi nghiêm quy chuẩn điện dân dụng
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Hà Nội hiện nay có khoảng 2,9 triệu khách hàng sau đó các khách hàng sử dụng điện và thấy rằng hiện nay có 3 vấn đề về an toàn diện: Trước hết là hệ thống điện, thiết bị điện, người sử dụng điện.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc EVNHANOI
"Hiểu đúng nguyên lý hoạt động và giới hạn kỹ thuật của thiết bị sẽ giúp người dân nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn"- ông Dũng cho hay
Còn Đại tá Phạm Trung Hiếu cho biết, qua kiểm tra thực tế, nhiều hộ dân vẫn còn chủ quan trong sử dụng điện, đặc biệt là các hộ kết hợp sinh hoạt và kinh doanh. Dù đã ký hợp đồng điện với thông số cụ thể, nhưng nhiều người vẫn tự ý tăng công suất mà không nâng cấp hệ thống dây dẫn, aptomat… dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao... Đồng thời, các biển quảng cáo trên đường phố cũng tiềm ẩn rủi ro mất an toàn điện do chịu tác động trực tiếp từ thời tiết.
Ngoài ra, thiết bị công suất lớn tại các sự kiện đông người cũng cần được giám sát kỹ lưỡng – những chương trình không đảm bảo an toàn sẽ bị kiến nghị tạm dừng tổ chức.
"Tới đây, Công an TP. Hà Nội sẽ phối hợp với EVNHANOI xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng điện an toàn dưới dạng QR- Code để tuyên truyền rộng rãi đến người dân"- ông Hiếu nhấn mạnh.
Tăng cường đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng
Theo ông Trịnh Văn Thuận, Thông tư 02/2025 của Bộ Công Thương đã hướng dẫn chi tiết về an toàn điện trong sản xuất, sinh hoạt và dịch vụ, là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn PCCC.
Ông Trịnh Văn Thuận- Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
"Trước đây, việc kiểm tra chủ yếu tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chưa chú trọng đến hộ dân sử dụng điện sinh hoạt. Thời gian tới, cần hoàn thiện thêm chính sách để tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý an toàn điện cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền"- ông Thuận nhấn mạnh.
Báo Công an Nhân dân tặng hoa cho các diễn giả, khách mời.
Đại tá Nguyễn Minh Khương đã đưa ra ba nhóm giải pháp đó là:
Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua phối hợp giữa cơ quan quản lý, truyền thông và chính quyền địa phương nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong sử dụng điện an toàn.
Kiểm soát thiết bị điện trên thị trường thông qua tăng cường phối hợp liên ngành để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, từ đó xử lý tận gốc nguy cơ gây mất an toàn điện.
Cuối cùng các cơ quan chức năng cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật về PCCC và an toàn điện, đảm bảo hiệu lực giám sát trên thực tế.
Bài và ảnh: Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/chay-no-do-dien-canh-bao-tu-sau-cong-to-384516.html