Trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), rất nhiều các trường học trên phạm vi cả nước tổ chức các chương trình văn nghệ chào mừng. Nhiều trường còn tổ chức thi văn nghệ giữa các lớp, các khối. Để đạt giải cao, nhiều phụ huynh của các lớp đã không tiếc tiền, chi mạnh tay cho các tiết mục văn nghệ, từ việc thuê người dàn dựng, thuê trang phục, đạo cụ biểu diễn….
Chị Hoàng Thị Thu (34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đã làm công việc dàn dựng chương trình nghệ thuật nhiều năm trở lại đây. Là 1 giáo viên âm nhạc tại 1 trường tiểu học ở Hà Nội, nhưng nguồn thu nhập chính của chị lại đến từ việc biên đạo, dàn dựng các tiết mục văn nghệ.
Năm nào cũng vậy, cứ đến "mùa" 20/11, chị lại bận "sấp mặt", hết dàn dựng các tiết mục văn nghệ cho các lớp ở trường học, lại đến các tiết mục văn nghệ của quận, huyện… Bởi những tiết mục được chị biên đạo, dàn dựng thường giành được giải thưởng cao.
Chị Hoàng Thị Thu (tóc ngắn, đứng giữa hàng trên) cùng các học sinh chụp ảnh sau khi nhận giải thưởng văn nghệ. Ảnh: NVCC.
Theo chị Thu, từ 1 tháng trở lại đây, chị đã kín lịch dàn dựng cả trưa, chiều và tối các ngày trong tuần. Có quá nhiều nơi mời đi dàn dựng khiến chị "ôm" không xuể, nên còn nhận mối cho các "đàn em" cùng nghề.
Giá dàn dựng, biên đạo cho mỗi tiết mục văn nghệ sẽ vào khoảng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng (chưa tính tiền thuê trang phục, đạo cụ), tùy vào độ khó của mỗi tiết mục.
"Nhiều khi tôi thấy mình quá bận rộn không có thời gian lo cho gia đình, con cái nên cũng muốn bỏ bớt, không nhận thêm, nhưng lại nghĩ 1 năm cũng chỉ có vài đợt phải dàn dựng liên tục như thế này. Dịp 20/11 cũng là khoảng thời gian nhiều trường, nhiều lớp cần đến mình, mà đây cũng là một trong những nguồn thu nhập chính nên tôi phải cố gắng sắp xếp", chị Thu chia sẻ.
Giống với chị Thu, chị Thúy Hà (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng "tối mắt, tối mũi" trong những ngày gần đây. Ngoài công việc làm giờ hành chính, buổi chiều chị Hà tranh thủ đi dàn dựng các tiết mục văn nghệ cho các khối lớp của trường học.
"Sắp đến 20/11, các lớp, các trường đều có nhu cầu thuê biên đạo dàn dựng các tiết mục văn nghệ vì hầu như trường nào cũng tổ chức chương trình chào mừng ngày lễ này. Các lớp, các khối thi văn nghệ với nhau, lớp nào muốn có tiết mục hay, đoạt giải là chắc chắn sẽ phải thuê biên đạo. Đợt này tôi cũng nhận 3 tiết mục, mỗi tiết mục có giá từ 5-10 triệu đồng tùy theo yêu cầu của các lớp", chị Hà nói.
Bất đắc dĩ quay lại nghề vì lớp con gái không thuê được biên đạo múa
Chị Mai (33 tuổi, Hà Nội) cho biết, 2 tuần trở lại đây chị phải bất đắc dĩ quay lại nghề cũ vì lớp con gái chị theo học không thuê được biên đạo múa. Dù bận công việc tại cơ quan, bận con nhỏ nhưng chị vẫn phải dành khoảng 2 giờ mỗi ngày vào các buổi chiều tối để đến trường dàn dựng tiết mục văn nghệ cho lớp con gái chị.
Chị Mai cùng một số phụ huynh tập văn nghệ cho các con chuẩn bị thi vào dịp 20/11. Ảnh: NVCC.
Từng là giáo viên dạy môn âm nhạc cấp THCS, nên việc dàn dựng các tiết mục văn nghệ với chị Mai là việc thường xuyên phải làm. Thời điểm đó chị Mai cũng giúp trường của chị giành được giải thưởng cấp quận. Tuy nhiên, chị đã bỏ nghề và theo nghề truyền thông được gần chục năm nay, nên không nghĩ sẽ phải quay lại nghề theo cách bất đắc dĩ này.
"Con gái tôi bắt đầu học tiểu học từ tháng 8 vừa qua. Dịp 20/11, trường con gái tổ chức thi văn nghệ giữa các khối lớp. Ban phụ huynh của lớp đã thống nhất thuê biên đạo, dàn dựng với giá 5 triệu đồng/tiết mục, nhưng mới tập được 1 buổi thì cô giáo bị ốm. Thời gian gấp gáp, lớp không thể tìm được người khác nên tôi đành phải đứng ra nhận dàn dựng giúp cho lớp", chị Mai cho hay.
"Các con mới học lớp 1 nên khả năng tập trung và làm theo không thể nhanh bằng các bạn lớn. Cũng may sau 2 tuần, tiết mục của các con đã thành hình. Nhìn các con múa hát, tôi cũng thấy vui", chị Mai tâm sự.
Theo tìm hiểu của PV, trước thềm 20/11, nhiều cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn cũng được dịp "ăn nên làm ra". Nhiều chủ cửa hàng cho biết, khách thuê trang phục cứ liên tục tìm đến hoặc gọi điện trong những ngày gần đây. Nhiều khi lượng khách quá tải, chồng chéo khiến chủ cửa hàng đành phải khất, hẹn khách vào năm sau.
Quỳnh Mai