Nhân viên Công ty TNHH MTV OCEANLINE (huyện Cao Lộc) dán tem mác cho sản phẩm dầu sở xứ Lạng
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung như: vùngthông ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc; vùng trồng hồi ở Văn Quan, Bình Gia, Tràng Định; vùng trồng sở tại Văn Quan, Cao Lộc; vùng trồng quế tại Tràng Định, Bình Gia… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ông Hoàng Cao Thượng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, phòng đã tham mưu Sở Công Thương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN phát triển công nghiệp chế biến sâu như: hỗ trợ DN tiếp cận với gói tín dụng ưu đãi; khuyến khích DN đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến; hỗ trợ DN quảng bá, xúc xiến tiêu thụ sản phẩm… Tuy nhiên, hiện nay số DN hoạt động chế biến sâu trên địa bàn tỉnh còn ít và hoạt động với quy mô sản xuất nhỏ, công suất chế biến còn thấp do điều kiện, hạ tầng giao thông của tỉnh còn hạn chế; thiếu mặt bằng sản xuất công nghiệp tập trung để thu hút DN, tập đoàn lớn đầu tư xây dựng nhà máy…
Đình Lập là huyện có vùng trồng thông lớn nhất tỉnh với diện tích gần 50.000 ha; sản lượng nhựa thông khai thác hằng năm đạt trên 17.000 tấn. Bà Đàm Thị Yên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đình Lập cho biết: Từ nhiều năm nay, nhựa thông sau thu hoạch chủ yếu được người dân trên địa bàn huyện bán cho tiểu thương để xuất bán thô sang thị trường Trung Quốc, điều này dẫn tới giá cả không ổn định. Từ tháng 8/2024 đến nay, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Rosin Industries Việt Nam hoàn thiện dây chuyên chế biến và thu mua nhựa thông của người dân. Tuy nhiên, sản lượng nhựa thông được thu mua chế biến sâu mới chỉ chiếm khoảng 50-60% tổng sản lượng nhựa thông khai thác hằng năm trên địa bàn huyện.
Chi Lăng cũng là huyện có nhiều diện tích hồi. Toàn huyện hiện có khoảng 2.000 ha hồi, sản lượng khai thác đạt 500 đến 800 tấn hồi khô/năm. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn (xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng) thu mua hoa hồi của người dân.
Bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, công ty thu mua hoa hồi của người dân để xuất khẩu dạng thô và chế biến tinh dầu hồi. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất trên 1 tấn tinh dầu hồi. Sản lượng chế biến còn thấp do hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh dầu hồi chỉ ở trong nước, chủ yếu được các cơ quan, đơn vị đặt làm quà tặng. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, ngành chức năng tỉnh quan tâm hỗ trợ đơn vị đưa sản phẩm tinh dầu hồi trưng bày, quảng bá tại các hội chợ trong nước và quốc tế để công ty tìm kiếm, liên kết đối tác xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Có như vậy mới phát triển bền vững và nâng cao được giá trị hoa hồi Lạng Sơn.
Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 180 cơ sở, DN sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp, trong đó số cơ sở sản xuất, chế biến sâu chỉ có 10 cơ sở. Các cơ sở, DN này chủ yếu chế biến sâu sản phẩm từ hồi, thông, sở, quế, thạch đen… Sau chế biến sâu, các sản phẩm được DN xuất khẩu sang thị trường một số nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore…
Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút các DN có kinh nghiệm, thế mạnh về công nghiệp chế biến sâu đến đầu tư tại tỉnh; đồng thời tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh đến các DN, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, tập trung thu hút các DN trong và ngoài nước có nhiều tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường, trình độ quản lý tiên tiến, hiện đại đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến với quy mô lớn, dây chuyền chế biến hiện đại. Đồng thời, sở quan tâm, tạo điều kiện để DN và người dân phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu có chất lượng cao, làm tiền đề thu hút các DN đầu tư.
Có thể thấy, tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến sâu của tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến sâu của tỉnh chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Mong rằng với sự quan tâm của tỉnh, trong thời gian tới, công nghiệp chế biến sâu sẽ từng bước phát triển tương xứng với tiềm năng, góp phần quan trọng nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp của tỉnh.
LIỄU CHAN - KIM CHI