Nội dung
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh hen suyễn
2. Các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh hen suyễn
3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh cho người bệnh hen suyễn
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, hen phế quản (hen suyễn) là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp gây nên tăng tiết dịch nhầy, phù nề và co thắt đường thở dẫn tới hiện tượng khó thở, khò khè.
Viêm đường thở dẫn đến tăng tiết đờm nhiều, co thắt phế quản lại làm bệnh nhân ngột ngạt khó thở, thở rít từng cơn. Bằng cách lựa chọn thực phẩm thông minh, người bệnh có thể cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh hen suyễn
Chế độ ăn có thể tác động đến cả tần suất, mức độ, triệu chứng cơn hen.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh hen suyễn. Chế độ ăn cân bằng và khoa học không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể mà còn hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng hen suyễn một cách hiệu quả.
Giảm viêm: Viêm là một yếu tố then chốt trong bệnh hen suyễn. Một số loại thực phẩm có đặc tính chống viêm mạnh, giúp giảm viêm đường thở và từ đó giảm các triệu chứng như khó thở, ho, khò khè.
Tăng cường hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng, một trong những yếu tố có thể kích hoạt cơn hen.
Cải thiện chức năng hô hấp: Một số chất dinh dưỡng có thể giúp thư giãn cơ trơn phế quản, giúp không khí lưu thông dễ dàng hơn.
Giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn hen: Bằng cách kiểm soát viêm, tăng cường miễn dịch và cải thiện chức năng hô hấp, chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp giảm số lần lên cơn hen và mức độ nghiêm trọng của các cơn hen.
Tránh các yếu tố kích thích: Một số thực phẩm hoặc chất phụ gia có thể kích thích cơn hen ở một số người. Việc nhận biết và tránh các yếu tố này là rất quan trọng.
Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng gánh nặng cho phổi và làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen. Chế độ ăn cân bằng kết hợp với vận động hợp lý giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Hỗ trợ điều trị bằng thuốc: Chế độ ăn uống lành mạnh không thay thế cho thuốc điều trị hen suyễn nhưng nó có thể hỗ trợ thuốc hoạt động hiệu quả hơn và giảm nhu cầu sử dụng thuốc.
2. Các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh hen suyễn
Có một số chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kiểm soát bệnh hen suyễn. Chúng giúp giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chức năng hô hấp. Dưới đây là các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh hen suyễn:
Vitamin C: Chất chống oxy hóa mạnh, giúp giảm viêm đường thở và tăng cường hệ miễn dịch. Nguồn thực phẩm: Cam, chanh, bưởi, quýt, kiwi, dâu tây, ớt chuông, bông cải xanh, cà chua...
Vitamin D: Hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp (một yếu tố kích hoạt cơn hen) và cải thiện chức năng phổi. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin D có thể giúp giảm số lần nhập viện ở bệnh nhân hen nặng. Nguồn thực phẩm: Cá hồi, cá thu, cá trích, trứng, sữa, nấm (đặc biệt là nấm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời).
Vitamin E: Chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do và giảm các triệu chứng hen như ho và thở khò khè. Nguồn thực phẩm: Các loại hạt (hạnh nhân, hạt hướng dương), dầu thực vật (dầu hướng dương, dầu ô liu), rau xanh.
Magie: Giúp thư giãn cơ trơn phế quản, giúp không khí lưu thông dễ dàng hơn và giảm viêm. Nguồn thực phẩm: Hạt bí ngô, rau chân vịt, hạt điều, cá hồi, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại ngũ cốc nguyên hạt.
Omega-3: Acid béo omega-3 có tác dụng chống viêm, giúp giảm viêm đường thở và cải thiện chức năng phổi. Nguồn thực phẩm: Cá hồi, cá thu, cá trích, dầu cá, hạt lanh, hạt chia.
Chất chống oxy hóa: Bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do, giúp giảm viêm và tăng cường hệ miễn dịch. Nguồn thực phẩm: Trái cây và rau củ nhiều màu sắc (đặc biệt là các loại quả mọng), trà xanh, sô cô la đen.
Vitamin A: Nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, vitamin A có thể giúp chống lại stress oxy hóa và hỗ trợ miễn dịch khỏe mạnh. Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống nhiều thực phẩm giàu vitamin A như cà chua, cà rốt và các loại rau lá có thể cải thiện chức năng phổi và giảm các cơn hen suyễn ở người lớn. Nguồn thực phẩm: Cà rốt, khoai lang, rau bina, cải xoăn, gan động vật.
3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh cho người bệnh hen suyễn
3.1. Thực phẩm nên ăn
Rau xanh, trái cây giàu khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho người bệnh hen suyễn.
Rau quả tươi: Đặc biệt là các loại rau xanh đậm, cà rốt, ớt chuông, các loại quả mọng (dâu tây, việt quất,...) chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm viêm.
Trái cây: Táo, cam, quýt, lê... chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ phát triển hen suyễn và giảm các triệu chứng như thở khò khè.
Thực phẩm giàu vitamin E: Sữa, nấm, cá hồi, trứng... tăng cường hệ miễn dịch và có thể giúp giảm số lần nhập viện ở bệnh nhân hen nặng.Các loại hạt (hạt điều, hạnh nhân, ngô…), dầu thực vật, rau xanh (rau bina, bông cải xanh, măng tây, cải xoăn…) có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giúp giảm các triệu chứng hen như ho và thở khò khè.
Thực phẩm giàu magie: Hạt bí ngô, rau chân vịt, hạt điều, cá hồi, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại ngũ cốc… giúp giảm viêm và thư giãn cơ phế quản, giúp không khí lưu thông dễ dàng hơn.
Các loại cá giàu omega-3: Cá hồi, cá thu, cá trích, dầu cá có tác dụng chống viêm, hỗ trợ cải thiện chức năng phổi và kiểm soát các triệu chứng của bệnh hen suyễn.
Ngũ cốc nguyên hạt: Bánh mì nguyên cám, lúa mạch, cháo bột yến mạch, gạo lứt… cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng quan trọng. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 cho thấy, những người ăn một chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể giàu ngũ cốc nguyên hạt có ít triệu chứng và kiểm soát bệnh hen suyễn tốt hơn.
Uống đủ nước: Giúp loãng dịch nhầy trong phổi, giúp dễ thở hơn.
3.2. Thực phẩm nên tránh
Một số người bị hen suyễn có thể bị dị ứng với hải sản gây ra cơn hen, do đó cần thận trọng và theo dõi phản ứng của cơ thể.
Trái cây khô: Chất sulfite khi bảo quản trái cây khô có thể là yếu tố khiến bệnh tồi tệ hơn ở một số bệnh nhân.
Đậu: Đậu sinh ra nhiều hơi khi sử dụng, dễ gây đầy bụng và khiến người bị suyễn khó thở hơn. Thậm chí có thể kích hoạt cơn khó thở do hen suyễn.
Cà phê: Salicylat là một hóa chất tự nhiên có trong cà phê, trà, thảo mộc, một số gia vị và thậm chí trong các thuốc kháng viêm (như aspirin). Mặc dù đa số chúng ta không phản ứng với salicylate nhưng bản thân chất này có thể khiến người bệnh hen suyễn khó thở.
Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh: Các thực phẩm đóng hộp, xúc xích, thịt xông khói, giò chả, các món chiên rán, mì ăn liền, các loại nước ngọt có gas, nước ép đóng chai, bánh quy, bánh kem, bánh ngọt, kẹo… chứa nhiều chất bảo quản, chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, chất phụ gia, muối, đường… có thể kích thích cơn hen, không tốt cho sức khỏe tổng thể và làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen.
Hải sản: Tôm, cua, ghẹ, một số loại cá… vì một số người bị hen suyễn có thể bị dị ứng với hải sản, gây ra cơn hen. Cần thận trọng và theo dõi phản ứng của cơ thể.
Rượu, bia: Có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh hen suyễn. Việc hạn chế hoặc tốt nhất là tránh hoàn toàn rượu bia là rất quan trọng để kiểm soát bệnh tình và duy trì sức khỏe tốt.
Thực phẩm gây dị ứng: Sữa bò, đậu phộng, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt điều...), một số loại hải sản ( tôm, cua, ghẹ, sò, ốc, cá…)… Nếu biết mình bị dị ứng với thực phẩm nào, hãy tránh hoàn toàn.
Bảo Hưng