1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng với hội chứng Zollinger-Ellison
NỘI DUNG
1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng với hội chứng Zollinger-Ellison
2. Nguyên tắc chung trong chế độ ăn cho người mắc hội chứng Zollinger-Ellison
3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Bệnh lý gan và tiêu hóa của tác giả Vệ Vũ, Khoa Sinh học Ung thư, Đại học Nam Xương, Nam Xương, Trung Quốc: Hội chứng Zollinger-Ellison (ZES) là một rối loạn hiếm gặp và mạn tính đặc trưng bởi sự phát triển của các khối u tiết gastrin được gọi là gastrinomas, thường được tìm thấy trong tuyến tụy hoặc tá tràng.
Những khối u này gây ra sản xuất quá mức gastrin, một loại hormone chịu trách nhiệm kích thích tiết acid trong dạ dày. Do đó, những người mắc ZES bị loét dạ dày tá tràng nghiêm trọng và tái phát, dẫn đến các biến chứng như chảy máu, thủng và tắc nghẽn đường tiêu hóa.
Việc kiểm soát ZES là một thách thức suốt đời đối với những người bị ảnh hưởng, vì nó đòi hỏi một phương pháp tiếp cận toàn diện bao gồm các can thiệp y tế, chế độ ăn uống và đôi khi là phẫu thuật.
Hội chứng Zollinger-Ellison là một tình trạng hiếm gặp. Nguồn ảnh: medindia.net
Tác giả Vệ Vũ cho biết những thách thức trong hội chứng Zollinger-Ellison bao gồm:
Tăng tiết acid dạ dày mạn tính: Một trong những đặc điểm đặc trưng của ZES là tình trạng tiết acid dạ dày không kiểm soát và quá mức do sản xuất quá nhiều gastrin. Sự tiết acid liên tục này dẫn đến sự phát triển của nhiều vết loét dạ dày tá tràng, thường không thể chữa khỏi, gây ra đau bụng dai dẳng, ợ nóng và buồn nôn. Bệnh nhân có thể thấy khó duy trì lối sống ổn định và thoải mái do các triệu chứng tái phát này.
Biến chứng của loét dạ dày tá tràng: Sự hình thành liên tục của loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau, bao gồm chảy máu và thủng dạ dày hoặc ruột. Những biến chứng này có thể đe dọa tính mạng, có thể cần được chăm sóc y tế khẩn cấp và can thiệp phẫu thuật.
Thách thức về dinh dưỡng: Những người mắc bệnh ZES có thể bị kém hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất béo và vitamin tan trong chất béo, do ảnh hưởng của tình trạng tăng acid mạn tính lên hệ tiêu hóa. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu hụt, làm tăng thêm gánh nặng chung của bệnh.
Tác động về mặt tâm lý: Sống chung với một tình trạng bệnh hiếm gặp và mạn tính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của một cá nhân. Đối phó với sự không chắc chắn của căn bệnh, việc khám bệnh thường xuyên và sự phức tạp trong điều trị có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống nói chung.
2. Nguyên tắc chung trong chế độ ăn cho người mắc hội chứng Zollinger-Ellison
Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày: Thay vì 3 bữa lớn, hãy chia thành 5-6 bữa nhỏ để giúp trung hòa acid dạ dày liên tục.
Ăn chậm, nhai kỹ: Điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Uống đủ nước: Nước giúp làm loãng acid dạ dày. Nên uống nước giữa các bữa ăn thay vì uống quá nhiều trong bữa ăn.
Tránh các thực phẩm và đồ uống kích thích sản xuất acid dạ dày: Đây là yếu tố then chốt trong việc kiểm soát triệu chứng.
3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh
Người bệnh nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa.
3.1. Những thực phẩm nên ăn
Thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa:
Cơm, cháo, súp.
Bánh mì trắng, bánh quy nhạt.
Khoai tây nghiền, các loại rau củ mềm luộc hoặc hấp (cà rốt, bí đỏ, su su...).
Thịt nạc trắng (gà, cá) luộc, hấp hoặc nướng.
Trứng luộc hoặc ốp la.
Sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo (sữa chua, phô mai tươi) với lượng vừa phải nếu dung nạp tốt.
Thực phẩm có tính kiềm nhẹ: Một số loại rau xanh có thể giúp trung hòa acid nhẹ nhàng.
Đồ uống: Nước lọc, nước khoáng không gas, trà thảo dược không chứa caffeine như trà hoa cúc, trà gừng...).
3.2. Những thực phẩm và đồ uống nên kiêng
Thực phẩm kích thích tăng tiết acid dạ dày:
Đồ uống có cồn (bia, rượu, cocktail...).
Đồ uống chứa caffeine (cà phê, trà đặc, nước tăng lực, soda...).
Nước ép trái cây có vị chua (cam, chanh, bưởi...).
Sữa nguyên kem và các sản phẩm từ sữa béo.
Thịt đỏ (bò, cừu, lợn) và các loại thịt chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng...).
Đồ ăn cay nóng (ớt, tiêu, sa tế...).
Đồ ăn nhiều dầu mỡ (chiên, xào...).
Các loại gia vị mạnh (hành, tỏi sống...).
Sô cô la và các sản phẩm chứa ca cao.
Bạc hà.
Thực phẩm có tính acid cao:
Cà chua và các sản phẩm từ cà chua.
Dấm và các thực phẩm chứa dấm (salad trộn).
Trái cây có vị chua (chanh, quất...).
Thực phẩm gây đầy hơi, khó tiêu:
Các loại đậu và đỗ.
Bắp cải, súp lơ trắng.
Hành tây.
Nước ngọt có gas.
Chế độ ăn uống cần cá nhân hóa vì phản ứng của mỗi người với các loại thực phẩm có thể khác nhau. Người bệnh nên theo dõi cẩn thận những thực phẩm nào gây khó chịu hoặc làm tăng triệu chứng để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Lưu ý, bài viết mang tính chất tham khảo, không thay thế chỉ định điều trị và hướng dẫn của bác sĩ. Việc xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, hiệu quả cho hội chứng Zollinger-Ellison cần có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng. Bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn cũng nên được thảo luận với bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Thùy Vân