Chế độ ăn thân thiện với chu kỳ kinh nguyệt, chị em nên biết

Chế độ ăn thân thiện với chu kỳ kinh nguyệt, chị em nên biết
5 giờ trướcBài gốc
NỘI DUNG
1. Tham khảo thực phẩm nên bổ sung theo từng giai đoạn
2. Những điều cần tránh để có một chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh
3. Vận động, giấc ngủ và quản lý căng thẳng có lợi cho chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt không chỉ là hiện tượng sinh lý tự nhiên mà còn là một hoạt động phức tạp của các hormone, ảnh hưởng sâu sắc đến thể chất và tinh thần của người phụ nữ. Trong suốt vòng tuần hoàn kéo dài thông thường khoảng 28 ngày này, nồng độ estrogen và progesterone dao động, kéo theo những thay đổi về năng lượng, tâm trạng, khẩu vị và thậm chí cả giấc ngủ.
Thay vì thụ động chấp nhận những biến động này, phụ nữ hoàn toàn có thể chủ động hỗ trợ cơ thể bằng một chế độ ăn uống "thân thiện với chu kỳ" - một phương pháp tiếp cận dinh dưỡng thông minh, tập trung vào việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết vào đúng thời điểm, giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu và tối ưu hóa sức khỏe tổng thể.
Theo ThS.BS Trần Thị Thanh Thảo, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chế độ dinh dưỡng lành mạnh được chứng minh giúp giảm bớt cơn đau bụng kinh cũng như các triệu chứng khó chịu khác trong thời gian hành kinh.
BS. Trần Thị Thanh Thảo cho biết, thực tế không có loại thực phẩm nào được chứng minh có tác dụng làm chấm dứt hoàn toàn cơn đau bụng kinh. Tuy nhiên, việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết sẽ giúp làm giảm sự khó chịu của đau bụng kinh và các triệu chứng khác trong kỳ kinh nguyệt.
1. Tham khảo thực phẩm nên bổ sung theo từng giai đoạn
Tham khảo những nhóm thực phẩm và dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe phụ nữ qua các giai đoạn khác nhau:
Giai đoạn hành kinh: Bổ sung sắt và năng lượng
Khi lớp niêm mạc tử cung bong tróc, cơ thể mất đi một lượng máu nhất định, kéo theo sự hao hụt sắt - một khoáng chất thiết yếu cho việc vận chuyển oxy. Thiếu sắt có thể dẫn đến mệt mỏi, suy nhược và làm trầm trọng thêm các triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
Do đó, trong giai đoạn này, việc bổ sung sắt là vô cùng quan trọng. Các nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ (thăn bò, thịt cừu), gia cầm (thịt gà, vịt), cá (cá hồi, cá ngừ), hàu, trứng, các loại đậu (đậu lăng, đậu đen), ngũ cốc nguyên hạt và các loại ngũ cốc tăng cường sắt.
Ngoài ra, cơ thể cũng cần được cung cấp đủ năng lượng để đối phó với sự thay đổi nội tiết tố và cảm giác khó chịu. Carbohydrate phức hợp là nguồn năng lượng bền vững, giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định và ngăn ngừa tình trạng thèm ăn đột ngột. Gạo lứt, yến mạch, quinoa, khoai lang và các loại rau củ là những lựa chọn tuyệt vời.
Phụ nữ nên thực hiện chế độ ăn uống thân thiện với chu kỳ kinh nguyệt - một phương pháp tiếp cận dinh dưỡng thông minh.
Giai đoạn nang trứng: Tăng cường omega-3 và vitamin
Sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen bắt đầu tăng lên, chuẩn bị cho quá trình rụng trứng. Đây là thời điểm cơ thể cảm thấy tràn đầy năng lượng và tinh thần phấn chấn hơn. Để hỗ trợ quá trình này và giảm nguy cơ viêm nhiễm, việc bổ sung acid béo omega-3 là rất quan trọng. Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, cũng như hạt lanh, hạt chia, quả óc chó và dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu cải) là nguồn cung cấp omega-3 dồi dào.
Bên cạnh đó, các loại vitamin và khoáng chất khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng hormone và hỗ trợ chức năng tế bào. Rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt cung cấp vitamin A, C, E và các chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do.
Giai đoạn rụng trứng: Duy trì sự ổn định
Chế độ ăn uống trong giai đoạn này nên tập trung vào việc duy trì sự ổn định và cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể. Tiếp tục bổ sung protein từ các nguồn lành mạnh như thịt nạc, cá, trứng và các loại đậu để hỗ trợ quá trình này.
Giai đoạn hoàng thể: Chú trọng canxi và carbohydrate phức hợp
Sau khi rụng trứng, nồng độ progesterone tăng lên, chuẩn bị cho khả năng thụ thai. Đây cũng là giai đoạn mà nhiều phụ nữ trải qua các triệu chứng PMS như thay đổi tâm trạng, căng tức ngực, đầy hơi và chuột rút. Việc bổ sung canxi có thể giúp giảm nhẹ những triệu chứng này. Sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo (sữa chua, phô mai), cá hồi, rau lá xanh đậm và các loại thực phẩm tăng cường canxi là những lựa chọn tốt.
Carbohydrate phức hợp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng đường trong máu ổn định và giảm cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt. Các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt nên được ưu tiên trong giai đoạn này.
2. Những điều cần tránh để có một chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh
Bên cạnh việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết, việc hạn chế hoặc tránh một số loại thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt:
Muối: Thực phẩm giàu natri như thịt hộp, đồ ăn chế biến sẵn có thể gây giữ nước, dẫn đến đầy hơi, đau ngực và sưng tấy.
Caffeine và rượu: Uống caffeine và rượu, đặc biệt là trong vài giờ trước khi đi ngủ, có thể gây rối loạn giấc ngủ, làm trầm trọng thêm tình trạng mệt mỏi và thay đổi tâm trạng.
Đường tinh luyện và thực phẩm chế biến: Những thực phẩm này có thể gây ra sự dao động lớn về lượng đường trong máu, dẫn đến thay đổi tâm trạng và cảm giác thèm ăn không kiểm soát.
3. Vận động, giấc ngủ và quản lý căng thẳng có lợi cho chu kỳ kinh nguyệt
Chế độ ăn uống chỉ là một phần trong bức tranh toàn diện về sức khỏe phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Duy trì một lối sống năng động với các bài tập thể dục phù hợp, ngủ đủ giấc và học cách quản lý căng thẳng cũng đóng vai trò quan trọng.
Mức năng lượng của phụ nữ có thể thay đổi đáng kể trong suốt chu kỳ. Lắng nghe cơ thể và điều chỉnh cường độ tập luyện cho phù hợp là điều cần thiết. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc bơi lội có thể giúp giảm chuột rút và cải thiện tâm trạng trong những ngày "đèn đỏ". Vào những ngày có nhiều năng lượng hơn, bạn có thể tăng cường độ tập luyện.
Giấc ngủ đủ và chất lượng là nền tảng cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ ngon có thể cải thiện tâm trạng trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Để có giấc ngủ tốt, hãy tránh caffeine và rượu trước khi đi ngủ, tạo một không gian ngủ thoải mái và thực hiện các hoạt động thư giãn như đọc sách hoặc tắm nước ấm.
Cuối cùng, căng thẳng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến chu kỳ kinh nguyệt bằng cách làm rối loạn quá trình sản xuất hormone. Áp dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, hít thở sâu, yoga hoặc dành thời gian cho những sở thích cá nhân có thể giúp duy trì sự cân bằng nội tiết tố và một chu kỳ khỏe mạnh hơn.
Việc áp dụng những nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng cân bằng, ưu tiên thực phẩm nguyên chất và điều chỉnh chế độ ăn uống theo từng giai đoạn của chu kỳ có thể mang lại những lợi ích đáng kể trong việc giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, cải thiện năng lượng và tối ưu hóa sức khỏe tổng thể. Lắng nghe cơ thể, thử nghiệm và tìm ra những gì phù hợp nhất với bạn chính là chìa khóa để sống khỏe mạnh và hài hòa trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.
Bất ngờ mang thai ở tuổi 50 dù tưởng đã mãn kinh.
Hoàng Nam
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-than-thien-voi-chu-ky-kinh-nguyet-chi-em-nen-biet-169250502223327594.htm