Chế độ ăn uống giúp kiểm soát tình trạng đạm niệu

Chế độ ăn uống giúp kiểm soát tình trạng đạm niệu
7 giờ trướcBài gốc
Nội dung
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị đạm niệu
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bị đạm niệu
3. Những thực phẩm người bị đạm niệu nên hạn chế
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị đạm niệu
Theo các chuyên gia y tế, đạm niệu do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong một số trường hợp, nồng độ protein cao trong nước tiểu có thể báo hiệu tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh thận. Phương pháp điều trị cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh kết hợp các biện pháp làm giảm đạm niệu bằng chế độ sinh hoạt, ăn uống.
BS. Minh Vũ
Cách tốt nhất để làm giảm đạm trong nước tiểu là bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp kèm theo như: Xây dựng chế độ ăn ít chất đạm; Hạn chế muối; Ăn nhiều chất xơ; Tiêu thụ chất béo lành mạnh; Tập thể dục và vận động đều đặn; Ngưng hút thuốc lá...
Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với các trường hợp bị đạm niệu vì nó giúp giảm gánh nặng cho thận; Kiểm soát huyết áp;: Cân bằng chất điện giải như kali, natri giúp duy trì chức năng thận ổn định. Đồng thời làm chậm tiến triển của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Người bị đạm niệu cần lưu ý hạn chế protein. Khi hạn chế lượng protein nạp vào, thận sẽ ít phải làm việc hơn để lọc chất thải, giúp giảm thiểu tổn thương.
Chế độ ăn nên giảm muối để kiểm soát huyết áp và giảm phù nề, giảm áp lực lên thận. Hạn chế chất béo, nên chọn các loại dầu thực vật tốt cho tim mạch như dầu ô liu, dầu đậu nành. Tránh các thực phẩm chế biến sẵn vì các thực phẩm này thường chứa nhiều muối, đường và chất bảo quản, không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là thận.
Nên tăng cường chất xơ để giúp ổn định đường huyết, giảm cholesterol và cải thiện chức năng tiêu hóa. Uống đủ nước giúp loại bỏ chất thải và độc tố ra khỏi cơ thể.
Người bị đạm niệu nên tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bị đạm niệu
Carbohydrate
Carbohydrate là nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Người bệnh nên chọn các loại tinh bột phức hợp như gạo lứt, khoai lang, các loại ngũ cốc nguyên hạt.
Protein
Mặc dù cần hạn chế nhưng protein vẫn là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Chỉ nên giảm lượng protein từ động vật (thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, trứng, sữa). Cần ưu tiên protein từ thực vật như đậu nành, đậu lăng, các loại hạt và một lượng nhỏ protein từ thịt nạc, cá.
Chất béo lành mạnh
Khi thận bị tổn thương, việc tiêu thụ quá nhiều protein có thể gây thêm áp lực lên thận. Chất béo lành mạnh đóng vai trò là nguồn năng lượng thay thế, giúp giảm gánh nặng cho thận. Chất béo lành mạnh, đặc biệt là omega-3, cũng có tác dụng chống viêm, giúp giảm tổn thương ở thận và các cơ quan khác.
Người bệnh nên chọn các loại chất béo không bão hòa đơn và đa như dầu ô liu, dầu đậu nành.
Vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất giúp duy trì sức khỏe tổng thể, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ chức năng thận. Đặc biệt quan trọng là vitamin D, canxi, kali và các chất chống oxy hóa.
Các vitamin và khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ duy trì chức năng lọc máu của thận, giúp giảm bớt gánh nặng cho thận, làm giảm tổn thương tế bào thận.
Nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất bao gồm các loại rau xanh và trái cây như: Cải xoăn, rau bina, bông cải xanh…; cam, quýt, bưởi, chuối, bơ...; các loại hạt, các loại đậu…
3. Những thực phẩm người bị đạm niệu nên hạn chế
Thực phẩm chứa nhiều protein động vật
Việc tiêu thụ quá nhiều protein, đặc biệt là protein động vật sẽ tăng gánh nặng lên thận, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh nên lưu ý hạn chế các nguồn thực phẩm như:
Thịt đỏ: Thịt bò, lợn, cừu...
Hải sản: Tôm, cua, mực...
Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa bò, phô mai...
Thực phẩm chứa nhiều muối
Muối làm tăng huyết áp, gây phù nề và làm tổn thương thận. Nên hạn chế tất cả các loại muối ăn và thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, đồ ăn nhanh, xúc xích...
Chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu. Cholesterol cao có thể gây xơ vữa động mạch, hẹp các mạch máu nuôi thận, làm giảm chức năng thận. Chất béo bão hòa cũng có thể làm tăng huyết áp, gây thêm áp lực lên thận.
Những thực phẩm giàu chất béo bão hòa nên tránh bao gồm:
Thịt đỏ: Thịt bò, thịt lợn, thịt cừu (đặc biệt là phần mỡ);
Thịt chế biến: Xúc xích, thịt nguội, thịt hun khói;
Da gà, da vịt;
Bơ động vật: Bơ, mỡ lợn;
Dầu thực vật: Dầu dừa, dầu cọ;
Sữa nguyên kem, phô mai béo;
Các món chiên xào nhiều dầu mỡ…
Chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas, đặc biệt là rượu bia
Rượu bia chứa cồn, một chất kích thích mạnh. Khi vào cơ thể, cồn sẽ được gan chuyển hóa, tạo ra nhiều chất độc hại. Thận phải làm việc vất vả để lọc và đào thải những chất độc này, gây thêm áp lực lên một cơ quan vốn đã bị tổn thương.
Uống nhiều rượu bia cũng khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Điều này làm tăng nồng độ các chất thải trong máu, gây thêm gánh nặng lên thận. Rượu bia cũng làm tăng huyết áp, khiến thận phải làm việc quá sức, dễ dẫn đến suy thận.
Thu Phương
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-uong-giup-kiem-soat-tinh-trang-dam-nieu-169241116204835288.htm