Chế độ ăn uống hỗ trợ điều trị bệnh Barrett thực quản

Chế độ ăn uống hỗ trợ điều trị bệnh Barrett thực quản
11 giờ trướcBài gốc
NỘI DUNG
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh Barrett thực quản
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh Barrett thực quản
3. Người bệnh Barrett thực quản nên kiêng gì?
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh Barrett thực quản
Barrett thực quản là tình trạng lớp mô bình thường của thực quản trở nên giống niêm mạc ruột hơn hoặc dày hơn. Các chuyên gia nghi ngờ rằng tổn thương do trào ngược acid có thể liên quan đến tình trạng này.
Sau khi một người mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản trong nhiều năm, bệnh có thể tiến triển thành tình trạng gọi là Barrett thực quản. Các tế bào thực quản bị ngâm trong acid lâu ngày bắt đầu dày lên như một cơ chế bảo vệ để chống lại acid. Các mô bình thường lót trong thực quản bắt đầu giống với niêm mạc dạ dày hoặc ruột.
Theo GS.TS Đào Văn Long - nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai: "Barrett thực quản có liên quan đến việc tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư thực quản. Barrett đoạn dài (thường lớn 2cm) có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao hơn, Barrett đoạn ngắn thì hiếm khi có nguy cơ trở thành ung thư".
Tuy rủi ro này tương đối nhỏ nhưng bệnh nhân vẫn cần được kiểm tra thường xuyên sự xuất hiện của các tế bào tiền ung thư. Nếu các tế bào tiền ung thư được phát hiện sớm thì có thể được điều trị kịp thời để ngăn ngừa ung thư thực quản.
Barrett thực quản có liên quan đến tổn thương do trào ngược acid.
Để hạn chế nguy cơ mắc Barrett thực quản và kiểm soát bệnh thì phải hạn chế trào ngược dạ dày - thực quản. Những thay đổi trong sinh hoạt và chế độ ăn uống sẽ giúp giảm nguy cơ này.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và cải thiện bệnh Barrett thực quản, giúp giảm thiểu tình trạng trào ngược acid lên thực quản, từ đó làm giảm kích ứng và tổn thương niêm mạc thực quản.
Chế độ ăn phù hợp giúp giảm các triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ chua, đau rát thượng vị, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh, giàu chất xơ và vitamin, thực phẩm chống viêm giúp làm dịu niêm mạc thực quản bị tổn thương, giảm nguy cơ tiến triển bệnh.
Theo BSCKI. Phạm Thị Việt Anh, Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 198, Barrett thực quản nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, khi các tế bào chưa tiến triển thành ung thư, tổn thương hoàn toàn có thể được chữa khỏi.
Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh cần kết hợp các biện pháp chăm sóc tại nhà, thay đổi lối sống để hỗ trợ kiểm soát tình trạng bệnh, chẳng hạn như: Duy trì cân nặng hợp lý, không để cơ thể quá béo; Tránh ăn đồ cay nóng, các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao như đồ chiên, nướng, rượu, bia, nước uống có gas, hành, tỏi…; Bỏ hút thuốc vì có thể dẫn tới tăng lượng acid dạ dày…
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh Barrett thực quản
Bên cạnh việc tránh các thực phẩm gây trào ngược acid dạ dày và kích thích niêm mạc thực quản, người bệnh cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ quá trình hồi phục.
Nên ăn các loại thức ăn giàu chất xơ, đạm dễ hấp thụ, chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp, hạn chế chiên, xào, hạn chế sử dụng gia vị mạnh.
Chất xơ
Chế độ ăn giàu chất xơ tăng cường nhu động ruột, thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Ăn chất xơ cũng giúp giữ cho cơ thắt thực quản dưới không mở ra, giúp di chuyển thức ăn nhanh hơn để giảm áp lực và chướng bụng trong dạ dày, giảm tình trạng trào ngược.
Chất xơ được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như: rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt...
Chất đạm dễ hấp thụ
Chất đạm có vai trò bổ sung năng lượng, sửa chữa và tái tạo tế bào, tăng cường hệ miễn dịch. Nguồn cung cấp chất đạm dễ hấp thụ, tốt cho người bệnh Barrett thực quản bao gồm: Thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá, đậu phụ, trứng, sữa ít béo, sữa chua...
Vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất hỗ trợ các chức năng của cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, kẽm, canxi...
Người bệnh cần lưu ý: Chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn quá no để giảm áp lực dạ dày; Ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn dễ tiêu hóa hơn; Tránh ăn thực phẩm sống hoặc chưa chín kỹ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Uống đủ nước giúp làm loãng dịch dạ dày và tăng cường tiêu hóa nhưng không nên uống nhiều nước mỗi lần.
Không nên dùng ống hút khi uống nước, nhai kẹo cao su hoặc uống đồ uống có gas… sẽ tạo ra nhiều khí trong dạ dày; Không nằm ngay sau khi ăn, chỉ nên nằm ngủ sau khi ăn 2-3 giờ và không ăn vặt vào đêm khuya...
Người bệnh Barrett thực quản nên hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ.
3. Người bệnh Barrett thực quản nên kiêng gì?
Thực phẩm chứa nhiều chất béo
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo có thể kích hoạt triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản và làm chậm quá trình tiêu hóa. Khi thức ăn tồn đọng lại trong dạ dày càng lâu thì càng dễ bị trào ngược.
Thức ăn chiên rán
Các món như khoai tây chiên, gà rán, xúc xích, thịt rán, bánh rán và các thực phẩm chứa nhiều dầu khác rất khó tiêu hóa, làm tăng nguy cơ trào ngược acid.
Thực phẩm có tính acid, cay nóng
Thực phẩm có tính acid như trái cây họ cam quýt có thể làm tăng trào ngược acid. Vì vậy, người bệnh nên tránh ăn cam, bưởi, chanh, gia vị mạnh như ớt, tiêu, nhất khi đang có triệu chứng của bệnh.
Đồ uống có cồn
Cần tránh các đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu, bia và các loại cocktail có pha trộn chất có tính acid như nước cam, chanh...
Thu Phương
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-uong-ho-tro-dieu-tri-benh-barrett-thuc-quan-169240918162854468.htm