Chế độ cho giáo viên cốt cán ở một số địa phương đang thực hiện ra sao?

Chế độ cho giáo viên cốt cán ở một số địa phương đang thực hiện ra sao?
7 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, các chế độ, quyền lợi dành cho đội ngũ giáo viên cốt cán thuộc các cấp học phổ thông chưa được chú trọng nên ở một số địa phương mặc dù đang duy trì hoạt động của hội đồng bộ môn (tên gọi trước đây) và hội đồng cốt cán (hiện nay) nhưng những thành viên chẳng hề có một chế độ ưu đãi nào.
Trong khi, công việc của hội đồng cốt cán hiện nay tương đối nhiều và gần như tháng nào cũng đều phải tham gia một số buổi cho công việc chung. Từ tập huấn chuyên môn; tập huấn lại cho giáo viên trên địa bàn; xây dựng tiết thao giảng chuyên đề; dự giờ tư vấn; tập hợp đề kiểm tra; triển khai công tác chuyên môn hằng tháng…
Không chỉ hiện nay quyền lợi, chế độ đang bị để ngỏ mà ngay cả trong Dự thảo Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lấy ý kiến từ ngày 19/6/2024 đến ngày 19/8/2024, người viết cũng không thấy đề cập đến quyền lợi, chế độ của giáo viên cốt cán ở các nhà trường.
Giáo viên cốt cán ở các địa phương tham gia một cuộc bồi dưỡng, tập huấn (ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Quy trình lựa chọn và nhiệm vụ của giáo viên cốt cán được quy định ra sao?
Theo hướng dẫn tại Điều 12, Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 10/10/2018, quy trình lựa chọn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được thực hiện như sau:
Cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn và đề xuất giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên; Trưởng phòng giáo dục và đào tạo lựa chọn và phê duyệt giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán theo thẩm quyền; báo cáo sở giáo dục và đào tạo;
Giám đốc sở giáo dục và đào tạo lựa chọn và phê duyệt danh sách giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán theo thẩm quyền; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu.
Cũng tại Điều 12, Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT, nhiệm vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được quy định như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, phù hợp với điều kiện nhà trường, địa phương;
Thứ hai, hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn vấn đề liên quan đến đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục cho học sinh; tham gia biên soạn tài liệu chuyên đề môn học, tài liệu hướng dẫn cho giáo viên, học sinh; tổ chức hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh.
Thứ ba, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn về hoạt động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, giảng dạy môn học; về việc thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng Internet; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong trường hoặc các trường trên địa bàn; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu hằng năm của ngành.
Thứ tư, tham mưu, tư vấn cho cấp quản lý trực tiếp về công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm bảo đảm mục tiêu, chất lượng dạy học, giáo dục và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; tham gia báo cáo chuyên môn, nghiệp vụ tại các hội nghị chuyên đề, buổi sinh hoạt chuyên môn của trường hoặc các trường trên địa bàn.
Thứ năm, thực hiện kết nối, hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học giáo dục và khoa học sư phạm ứng dụng.
Với quy trình lựa chọn và trách nhiệm của giáo viên cốt cán được quy định Điều 12, Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT như vậy cho thấy người được lựa chọn tham gia thành viên cốt cán được lựa chọn rất kĩ vì thông thường mỗi môn học ở cấp tiểu học và trung học cơ sở chỉ có 2 thành viên/ môn/huyện (thị, thành). Cấp trung học phổ thông số lượng cũng tương đối ít và thường phân chia theo cụm.
Song, trách nhiệm của giáo viên cốt cán khá nhiều và thực tế họ đang tham gia rất nhiều hoạt động chuyên môn thuộc địa bàn mình công tác. Chỉ tiếc, quyền lợi hiện hành cho giáo viên cốt cán ở một số địa phương không có gì, tất cả làm việc trên tinh thần tự nguyện để chung tay với phòng, sở giáo dục phát triển bộ môn.
Ngay cả trong Dự thảo Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông mà Bộ mới lấy ý kiến cũng chưa đề cập đến đối tượng giáo viên cốt cán. Mặc dù dự thảo hướng dẫn rất kĩ các đối tượng khác như tổ trưởng, tổ phó chuyên môn; giáo viên chủ nhiệm; tổng phụ trách đội; tư vấn học đường…được giảm bao nhiêu tiết; hưởng phụ cấp trách nhiệm, chức vụ bao nhiêu…
Công việc của giáo viên cốt cán hiện nay là gì?
Kể từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì trách nhiệm của các thành viên cốt cán các bộ môn tương đối nặng nề. Bởi lẽ, họ đương nhiên phải dạy đủ định mức số tiết theo quy định hiện hành và tham gia các hoạt động chuyên môn; ngoại khóa; họp hành…tại đơn vị mình công tác.
Bên cạnh đó, việc tập huấn bộ môn hiện nay được thực hiện liên miên. Lúc thì tập huấn chương trình tổng thể; chương trình môn học; phương pháp giảng dạy; đổi mới kiểm tra; bồi dưỡng học sinh giỏi…Sau khi tập huấn ở Bộ, Sở thì về địa phương sẽ tập huấn đại trà lại cho giáo viên trong huyện, trong cụm.
Mỗi khi sở, phòng giáo dục có lịch thanh, kiểm tra chuyên môn thì đương nhiên thành viên cốt cán sẽ được triệu tập tham gia và không có chế độ gì. Tham gia kiểm tra ở trường xa thì có thêm một chút tiền công tác phí, kiểm tra ở trường gần dưới 15 km thì không có gì.
Mỗi năm học, 2 thành viên hội đồng cốt cán sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công các trường thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề.
Mỗi bộ môn sẽ thực hiện từ 4-5 tiết thao giảng chuyên đề cấp huyện, hoặc có năm thực hiện chuyên đề cấp tỉnh. Tất nhiên, 2 thành viên cốt cán phải đến đơn vị thao giảng xây dựng trước, ngày tổ chức thao giảng tiếp tục đến dự giờ, chủ trì rút kinh nghiệm và triển khai một số công việc chung của bộ môn.
Một số địa phương hiện nay đang thực hiện thành lập ngân hàng đề kiểm tra, vì thế, thành viên cốt cán là nơi nhận đề từ các trường. Sau đó, sẽ đọc lại toàn bộ để khắc phục, sửa những lỗi (nếu có), sau đó mới gửi về sở giáo dục và đào tạo.
Mỗi huyện có đến hàng chục đến vài chục trường học cùng cấp; mỗi khối học của mỗi trường sẽ có 4 đề kiểm tra (2 đề giữa kỳ và 2 đề cuối kỳ) nên mỗi lần tập hợp, chỉnh sửa nội dung, hình thức, đặt lại tên file cũng mất rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, mỗi học kỳ, những thành viên cốt cán sẽ đến một số trường học dự giờ tư vấn cho một số giáo viên theo kế hoạch chuyên môn của phòng, sở giáo dục, nhằm nắm bắt tình hình thực tế.
Chính vì thế, những thầy cô tham gia hội đồng cốt cán đa phần là những thầy cô nhiệt tình, họ luôn nỗ lực để đi trước, đón đầu những việc khó nhằm trang bị kiến thức cần thiết để triển khai lại nội dung tập huấn cho giáo viên trên địa bàn; tư vấn, hỗ trợ khi giáo viên có ý kiến, thắc mắc…
Với một lượng công việc khá nhiều, mất nhiều thời gian, công sức nhưng cả năm học thực hiện công việc mà đội ngũ giáo viên cốt cán ở một số địa phương không được hưởng chế độ ưu đãi nào; không được giảm định mức tiết dạy quả là điều đáng tiếc và thiệt thòi.
Thiết nghĩ, cần quan tâm và có những chế độ mang tính tượng trưng để đội ngũ giáo viên đang tham gia hội đồng cốt cán có thêm động lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là điều cần thiết.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Lê Văn Minh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/che-do-cho-giao-vien-cot-can-o-mot-so-dia-phuong-dang-thuc-hien-ra-sao-post247926.gd