Với chủ đề “Áp lực che giấu bản thân và bức bối giới”, talkshow thuộc chuỗi chương trình nâng cao nhận thức và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên, trong khuôn khổ dự án “Người trẻ và giới”, do Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam - Chi nhánh tại TP. HCM cùng Liên chi Hội Sinh viên khoa Văn hóa học tổ chức. Chương trình thu hút gần 300 sinh viên tham dự.
Che giấu bản thân chưa hẳn là xấu
Theo khảo sát của Ban Tổ chức, ngày nay, nhiều bạn trẻ buộc phải che giấu bản thân bởi những nỗi niềm không thể giãi bày.
Những ánh mắt phán xét, những lời chỉ trích, đặc biệt là những định kiến xã hội về ngoại hình, mái tóc, về tính cách, thậm chí là về giới khiến họ phải sống khép kín, không dám là chính mình.
Về vấn đề này, nhà sáng tạo nội dung Trần Huy Hoàng khẳng định: “Che giấu bản thân chưa hẳn là xấu. Đó chỉ là một hành trình hiểu hơn về bản thân, là chuỗi ngày xem xét, nhìn nhận bản thân cần gì, muốn gì”. Huy Hoàng cho rằng, đừng quá áp lực khi chưa thể hiện bản thân, hãy chờ đến khi chúng ta thật sẵn sàng.
Nhà sáng tạo nội dung Trần Huy Hoàng (giữa) khẳng định: “Che giấu bản thân chưa hẳn là xấu”.
Còn anh Huỳnh Minh Thảo (ngoài cùng, bên trái) cho rằng, việc che giấu bản thân xuất phát từ body shaming, khi không được thừa nhận một mặt nào đó về ngoại hình từ vóc dáng, chiều cao, cân nặng… hay từ những định kiến về giới. Điều này làm cho con người trở nên ngột ngạt, bức bối.
Cũng theo anh Thảo, nếu như body shaming xuất phát từ bên ngoài thì bức bối giới lại nảy sinh từ bên trong, do áp lực từ định kiến giới gây nên. Việc muốn sống thật với chính bản thân mình nhưng không được thể hiện đã gây ra sự bức bối về giới.
Những lời đùa cợt, tấn công về ngoại hình, thái độ đã vô tình gây nên định kiến giới, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của người bị miệt thị. “Những khuôn mẫu, hình mẫu bên ngoài xã hội đã vô tình ăn sâu, xâm chiếm suy nghĩ con người khiến họ có những hành động, hành vi làm tổn thương người khác”, anh Minh Thảo lý giải.
Yêu thương mình hơn
Huy Hoàng không đồng ý việc truyền thông, mạng xã hội thường “tung hô” những lời chê bai để làm động lực. Chị khẳng định: “Một lời chê bai không xứng đáng để làm động lực trong khi lời khen và sự ủng hộ mới thực sự là động lực bền vững”.
Huy Hoàng cho rằng, mỗi người đều có quyền lựa chọn và không cần quan tâm đến những lời chê bai. “Điều cần làm là chứng minh với những người ủng hộ, thay vì chứng minh với những người không ủng hộ”, chị nói.
Với anh Minh Thảo, khi nghe những lời công kích không hay về bản thân, bạn trẻ có quyền bỏ ngoài tai và chọn lắng nghe những điều tích cực. Điều này giúp giảm gánh nặng, áp lực.
Để vượt qua những áp lực về bức bối giới, theo nhà sáng tạo nội dung Trần Huy Hoàng, phải hiểu và yêu bản thân mình trước, tập trung phát triển đời sống cá nhân. Điều quan trọng là tự nhìn nhận lại mình, hiểu mình muốn gì, cần gì. Đồng thời, xây dựng và phát triển các mối quan hệ lành mạnh với gia đình, bạn bè. “Trước hết, cần tập trung vào bản thân nhiều hơn để biết mình muốn gì. Tập trung vào chất lượng các mối quan hệ xung quanh… Khi sự quan tâm đủ vững, không có bất kỳ điều gì có thể làm tổn thương được chúng ta”, Trần Huy Hoàng chia sẻ.
Đồng quan điểm với Huy Hoàng, anh Minh Thảo khẳng định: “Không ai có thể làm tổn thương chúng ta, nếu chúng ta không cho phép”. Anh cho rằng, cần tạo một tinh thần sẵn sàng, thoải mái khi đối mặt với những lời nói khiếm nhã, chê bai.
Nhà hoạt động xã hội Huỳnh Minh Thảo cho rằng, cần bắt đầu từ những bước nhỏ nhất để vượt qua định kiến và bức bối giới.
Theo anh Thảo, để vượt qua những định kiến, bức bối về giới cần bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. Đồng thời, phải thay đổi bản thân một cách toàn diện, từ trong ra ngoài. Anh cho biết: “Điều quan trọng là phải tự học những điều đúng đắn, nâng cấp bản thân về không chỉ về kiến thức mà cần phải duy trì, kết nối với những mối quan hệ bên ngoài, với những người có cùng lý tưởng, tần số”.
Với Huy Hoàng, chị coi trọng quá trình hơn kết quả. Bởi kết quả rồi cũng sẽ qua và những mục tiêu mới lại được đặt ra. Điều quan trọng là từng bước đi nhỏ, học cách tận hưởng mỗi ngày.
Giới trẻ đã cởi mở hơn
Cuối chương trình, các bạn trẻ đã cùng nhau viết những lời động viên gửi đến những người xung quanh. Bên cạnh đó, nhiều bạn cũng chia sẻ, tâm sự những vấn đề đang mắc phải với hai diễn giả.
Bạn trẻ viết những lời chia sẻ, động viên gửi đến những người xung quanh.
Tham dự chương trình, Yến Trang (khoa Văn hóa học) ấn tượng với khoảnh khắc trao gửi những lời động viên, bởi Trang được truyền năng lượng tích cực đến mọi người và làm quen được nhiều bạn mới. Trang nói: “Mình thấy mình hiểu hơn về định kiến giới và bức bối giới. Từ chia sẻ của các diễn giả, mình nghĩ mình cần tập trung phát triển bản thân, lắng nghe những đóng góp để hoàn thiện”.
Chương trình giúp sinh viên hiểu hơn về định kiến và bức bối giới, nhiều bạn trẻ đã dần cởi mở, chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này.
Chia sẻ về dự án “Người trẻ và giới”, bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng Chi nhánh NXB Phụ nữ Việt Nam tại TP. HCM cho biết, thông qua chuỗi sự kiện “Người trẻ và giới”, nhiều bạn đã cởi mở hơn, đã giải tỏa, chia sẻ ít nhiều những nỗi niềm mà bản thân che giấu bấy lâu. “Nhiều bạn đã nói lên câu chuyện của mình. Thông qua đó, giới trẻ có thể “quay lại” với bản thân mình, yêu thương mình hơn, không còn những định kiến, kỳ thị”, bà nói.
Bên lề chương trình, nhà sáng tạo nội dung Trần Huy Hoàng cho biết: “Tôi không mong các bạn sẽ ứng dụng được quá nhiều nhưng tôi hy vọng mình sẽ đồng hành cùng các bạn. Cũng là một người trẻ, tôi hy vọng các bạn sẽ tìm thấy một người đồng hành, bên cạnh mình, cùng nhau phấn đấu, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong hành trình là chính mình”.
Minh Châu - Mỹ Linh - Hương Giang