Chế tài mạnh để nâng cao văn hóa giao thông

Chế tài mạnh để nâng cao văn hóa giao thông
4 giờ trướcBài gốc
Bước tiến cần thiết
Những ngày qua, việc tăng mức phạt vi phạm giao thông là chủ đề làm “nóng” các diễn đàn trên mạng xã hội. Không ít người dân tỏ ra bất ngờ trước quy định mới, băn khoăn về mức phạt cao so với thu nhập. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng mức phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đã trở thành một trong những giải pháp mạnh mẽ để giảm tình trạng vi phạm và nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Điều này được thể hiện rõ rệt qua việc thay đổi mức phạt trong Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Chẳng hạn, tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168), hàng loạt hành vi vi phạm giao thông phải chịu mức xử phạt hành chính cao gấp nhiều lần, thậm chí hàng chục lần so với trước đây, đặc biệt với nhóm lỗi có tính chất cố ý và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn. Đơn cử như, với người điều khiển ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mức phạt tiền 18 - 20 triệu đồng, cao gấp 4 lần quy định cũ. Hành vi: Quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... có mức phạt cao gấp 2 - 3 lần.
Tại một số tuyến đường có mật độ phương tiện cao, dù còn ùn ứ nhưng đã chấm dứt tình trạng người dân chen lấn đi lên vỉa hè, dừng xe quá vạch và vượt đèn đỏ.
Một số hành vi như: Vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành. Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông mức phạt tăng rất mạnh đến 36 - 50 lần…
Cần khẳng định rằng, Nghị định 168/2024/NĐ-CP ra đời với mục tiêu là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông - một vấn đề nhức nhối của xã hội. Việc tăng mức phạt được kỳ vọng sẽ tạo sức răn đe lớn hơn, buộc người dân phải nghiêm túc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ.
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ được coi là một giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo cơ hội bứt phá xây dựng nền giao thông văn minh, hiện đại. Để các quy định trong Nghị định số 168 thật sự phát huy hiệu quả cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Trong đó, mỗi công dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng môi trường, văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
Từ đó, thay đổi suy nghĩ, hành vi, có ý thức tuân thủ luật lệ của người tham gia giao thông. Dễ thấy nhất là việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông triển khai trong thời gian qua. Thông qua mức phạt cao, xử lý “không có vùng cấm”, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã từng bước tạo thói quen “đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông do rượu bia.
Thực tế, theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện mật độ dân cư của Hà Nội rất lớn, bình quân 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân cư cả nước. Tốc độ tăng dân số cơ học trung bình hằng năm 1,4%/năm là rất cao. Cùng với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân cao gấp hàng chục lần chỉ số gia tăng hạ tầng làm cho mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường, nút giao thông rất lớn. Đặc biệt vào khung giờ cao điểm, dẫn đến lưu lượng phương tiện thực tế trên nhiều tuyến đường, nút giao vượt quá lưu lượng thiết kế.
Ví dụ như đường Nguyễn Trãi có lưu lượng gấp 2,5 - 3,2 lần so với thiết kế; đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển cao gấp 4,3 - 4,9 lần; đường Lê Văn Lương cao gấp 2,7 - 3,3 lần; đường Xuân Thủy - Cầu Giấy cao gấp 2,1 - 2,6 lần; đường Láng cao gấp 1,2 - 1,8 lần; đường Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng cao gấp 1,5 - 2,4 lần… Dẫn như vậy để thấy, nếu không có động thái mạnh nhằm tăng cường ý thức người tham gia giao thông, thì việc tràn lan vi phạm sẽ dẫn đến giao thông Thủ đô hỗn loạn.
Xây dựng văn hóa giao thông an toàn
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm tỷ lệ hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn chiếm hơn 29%; vi phạm tốc độ 3,8%...
Theo các chuyên gia, văn hóa giao thông được xây dựng từ ý thức chấp hành pháp luật, cách ứng xử, hành động đẹp, việc làm hay của người dân khi tham gia giao thông. Muộn còn hơn không, các cơ quan chức năng cần chú trọng xây dựng văn hóa giao thông không phải là tăng cường xử phạt, mà phải tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật, nhắc nhở khi vi phạm, làm sao để cho người tham gia giao thông cảm thấy “ngượng” khi vi phạm, chứ không chỉ thấy khó chịu khi phải “nộp phạt”.
Ở câu chuyện tăng mức phạt, có thể thấy các mức phạt vi phạm giao thông mới đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến người dân, khiến bất kỳ ai cũng phải chú tâm đến luật giao thông, tự mình chấn chỉnh các hành vi chưa đúng khi tham gia lưu thông.
Anh Lê Trung Nguyên (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết: Với mức phạt cao như vậy, chắc chắn bất cứ ai cũng phải e dè, không dám vi phạm. Những hành vi vốn trước đây được xem là thói thường, là tập quán như vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè… bây giờ ít ai còn dám. Phạt một lần sợ đến già.
Hình ảnh không đẹp của một người tham gia giao thông đã được lực lượng chức năng nhắc nhở.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lập (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Chỉ mới áp dụng chưa đến chục ngày mà tình hình giao thông êm ả hẳn. Ra đường thấy dễ chịu, an toàn hơn nhiều. Không ít người vẫn kêu ca về mức phạt cao, nhưng tôi thấy hiệu quả rõ rệt. Một thời gian nữa, khi số lượng vi phạm ngày càng ít đi, nề nếp giao thông hình thành, chính những ngươi vi phạm sẽ tự biết xấu hổ mà thay đổi”.
Rõ ràng, tăng mức phạt giao thông theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP là một bước đi cần thiết, đúng đắn để nâng cao an toàn giao thông. Việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn, tuy có thể gây ra một số bất tiện trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ góp phần hình thành văn hóa giao thông an toàn và ý thức lái xe có trách nhiệm hơn cho người dân. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, đây chỉ là một giải pháp tình thế.
Để giải quyết triệt để nạn ùn tắc giao thông, cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, người tham gia giao thông và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông công cộng đến nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Trong công tác xử lý các vi phạm cần bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như: Camera giám sát giao thông và hệ thống xử phạt tự động; phòng chống các hành vi tiêu cực của lực lượng chức năng trong khi làm nhiệm vụ…
Đinh Luyện
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/che-tai-manh-de-nang-cao-van-hoa-giao-thong-183244.html