Doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể chế tạo đầu máy, toa xe hàng, toa xe khách với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%. Ảnh: M.Q.
Cơ hội xây dựng công nghiệp đường sắt đồng bộ
Số liệu thống của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy, hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước có thể chế tạo đầu máy, toa xe hàng, toa xe khách… với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%. Điều này cho thấy công nghiệp đường sắt nước ta không thiếu tiềm năng. Hiện với hệ sinh thái cơ khí có hơn 3.100 DN, 1,2 triệu lao động, tổng doanh thu toàn ngành đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện, thiết bị và bảo trì trong lĩnh vực đường sắt, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay.
Về quy hoạch đường sắt, ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam gồm 16 tuyến (tăng 9 tuyến), dài 4.802km (tăng 2.362km); giai đoạn đến năm 2050 gồm 25 tuyến, dài 6.354km (tăng 1.552km). Nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đối với nhóm công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt cần cung cấp 28,7 triệu mét ray; 11.680 bộ ghi; 46 triệu thanh tà vẹt. Nhóm đầu máy toa xe đối với khổ đường 1.435mm, đến năm 2030 cần 250 đầu máy, 1.760 toa xe, năm 2045 cần 2.000 đầu máy, 10.144 toa xe.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, đáng chú ý, nhiều sản phẩm cơ khí trong nước đã đáp ứng được từ 15 - 40% nhu cầu linh kiện ngành ô tô, một lĩnh vực đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao cho thấy khả năng mở rộng sang lĩnh vực đường sắt là hoàn toàn khả thi nếu có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam xây dựng công nghiệp đường sắt đồng bộ, từ sản xuất đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu điện khí hóa, cho đến bảo trì, sửa chữa.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, vừa qua, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết 172/2024/QH15 (về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam); Nghị quyết 187/2025/QH15 của Quốc hội (về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) và Nghị quyết 188/2025/QH15 (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM), mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam tham gia các dự án đường sắt. Có thể thấy, đây là những dự án có quy mô và nguồn vốn đặc biệt lớn. Vì thế, cũng mở rộng thị trường đối với các DN.
“Hiện nay, trình độ, năng lực của DN Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công các hạng mục thuộc phần hạ tầng các dự án đường sắt mới; liên doanh nước ngoài tham gia với tỷ lệ nhất định ở các hệ thống điều khiển, điện; đầu máy, toa xe…” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy đánh giá.
Mở rộng cơ hội để cho doanh nghiệp nội
Nhiều DN hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí, xây lắp, viễn thông, thép, công nghiệp ô tô như Tập đoàn Hòa Phát, Thaco, Công ty Trung Chính… chia sẻ, luôn sẵn sàng nguồn lực để tham gia thị trường công nghiệp đường sắt. Tuy nhiên, các DN này cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành các giải pháp cho DN Việt Nam tham gia vào chương trình phát triển hệ thống đường sắt quốc gia như: chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi vay vốn, hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ để các DN trong nước tham gia; có gói ưu đãi trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước có nền đường sắt phát triển; ưu đãi thuế và tín dụng cho ngành công nghiệp cơ khí (đóng tàu, đóng toa xe,…) chế tạo nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước; cho phép doanh nghiệp trong nước được hưởng hỗ trợ vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế trong việc đầu tư vào các dự án đường sắt tại Việt Nam.
Ông Phạm Trường Tùng - Giám đốc cao cấp Kỹ thuật - Công nghệ (Công ty CP Công nghiệp Thaco) chia sẻ, Thaco xác định đây không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là sự đóng góp vào sự phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam. Từ đây, Thaco định hướng tham gia sản xuất toa xe và cung ứng linh kiện, thiết bị trên toa xe. Để thực hiện, Thaco sẽ đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đào tạo đội ngũ chuyên gia; hợp tác với DN quốc tế có năng lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ…
Tuy nhiên, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư. Chẳng hạn như thông qua hình thức chỉ định thầu, đặt hàng (cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra) để lựa chọn nhà đầu tư/DN Việt thực hiện dự án đầu tư - nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng và tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho dự án. Cùng đó, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong suốt thời gian thực hiện dự án; áp dụng ưu đãi đầu tư theo dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cho hay, ngành đóng tàu sẽ có nhiều cơ hội, dư địa để tham gia đóng toa xe cho các dự án đường sắt. Như SBIC có hệ thống nhà xưởng và dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại (như robot hàn tự động, máy cắt laser và dây chuyền sơn chống ăn mòn theo tiêu chuẩn châu Âu), có thể chuyển đổi để sản xuất các cấu kiện toa xe lửa… Cách đây vài năm, nhiều đơn vị ngành đóng tàu đã triển khai đóng mới các toa xe khách cho ngành đường sắt, được đánh giá cao về chất lượng và tính thẩm mỹ. Nếu có bản thiết kế về toa xe, các đơn vị của SBIC hoàn toàn có thể tự chủ đóng mới và bàn giao cho ngành đường sắt đúng tiến độ, đạt chất lượng.
Minh Quân