Cuối cùng thì sau tất cả, chiếc cúp vàng Đông Nam Á đã thuộc về đội tuyển Việt Nam. Vinh quang đó càng trở nên giá trị khi chúng ta đã trải qua hành trình chung kết đầy gian khó. Hành động thiếu fair-play của Supachok đội Thái Lan đã bị thế giới bóng đá lên án mạnh mẽ, nó khiến cầu thủ đang thi đấu ở Giải VĐQG Nhật Bản phải khóa trang Facebook cá nhân.
Trên các nền tảng mạng xã hội và báo chí, bóng đá Thái Lan đã “lãnh đủ” những gì mà họ đáng bị như thế. Phê phán hành động xấu xí trong bóng đá là cần thiết để bóng đá ngày càng đẹp hơn nhưng nếu cứ mãi bỉ bôi, xách mé, chì chiết đối thủ không thể làm cho chúng ta đẹp hơn. Như cách ví von của một doanh nhân – người hâm mộ thì “thắng rồi hãy biết bao dung. Lải nhải về việc đối thủ không fair-play cũng là hành động thiếu fair-play”. Đôi khi ứng xử của người chiến thắng một cách tinh tế, mã thượng càng khiến đối thủ tâm phục, khẩu phục hơn, càng khiến vinh quang trên chiếc cúp Vàng chói lóa hơn.
Chỉ trích Supachok và cầu thủ Thái Lan như thế đủ rồi!
Giờ là lúc, bóng đá Việt Nam quay trở về với V-league, với các giải quốc gia, với thực tại nền bóng đá của chúng ta. Đó mới là cách để tạo chân đế vững chắc cho đội tuyển quốc gia mạnh hơn, khát khao chinh phục những đỉnh cao mới.
Chúng ta thắng Thái Lan ở 2 trận chung kết, thắng ở một giải đấu nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, nền bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể… thắng Thái Lan. “Lẩu Thái” vẫn còn rất cay chứ không ngọt như vị “Phở Việt”. Nên nhớ đội tuyển Thái Lan đang có 7 lần vô địch Đông Nam Á, nhiều hơn đội tuyển Việt Nam tới 4 lần.
Nếu xét ở tiêu chí này, Việt Nam (3 lần vô địch) vẫn còn xếp sau Singapore khi đội bóng quốc đảo sư tử lên ngôi vô địch 4 lần. Chưa kể, V-league còn cách Thai-League một khoảng cách khá xa cả về chất lượng chuyên môn, tính chuyên nghiệp, sức hấp dẫn, giá trị thương mại…
Làm sao để những hình ảnh như thế này truyền cảm hứng, tạo động lực để bóng đá được quan tam đầu tư nhiều hơn. Ảnh: VFF
Hãy nhìn về các CLB ở V-League để thấy, bóng đá Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm nếu muốn đứng trên đỉnh Đông Nam Á chứ chưa nói đến vươn tầm châu lục.
Đó là những sân bóng thiếu vắng khán giả, là những đội bóng phụ thuộc hoàn toàn vào túi tiền và đam mê của ông “bầu”, là công tác đào tạo trẻ chưa được coi trọng đúng mức. Rồi sân bãi không đạt chuẩn cho các đội dự giải châu Á, khán giả ngồi ghế bê tông giữa trời nắng…
Bởi thế, làm sao để niềm vui, niềm tự hào về chức vô địch Đông Nam Á phải trở thành động lực, niềm cảm hứng mới, lan tỏa tình yêu bóng đá trên khắp dải đất hình chữ S, qua đó huy động được nhiều hơn các nguồn lực đầu tư, quan tâm, chăm chút cho bóng đá, nhất là bóng đá trẻ để xây dựng lực lượng kế cận mới là đích đến bền vững.
Quang Duy