Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 8.7, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì.
Theo đó, với những giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng, đến đầu tháng 4.2025, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát trong biên độ phù hợp, còn khoảng 3-5 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 5-7%); có thời điểm chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 1-2%) vào đầu năm 2025.
Cùng với các giải pháp quản lý thị trường vàng, để phù hợp với bối cảnh mới, NHNN đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 17,2 triệu tỉ đồng
Tại họp báo, Phó thống đốc cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngày 30.12.2024 NHNN đã thông báo công khai thông báo nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai.
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Nhờ việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tính đến ngày 30.6.2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ 2023 đến nay.
Phó thống đốc Phạm Thanh Hà tại buổi họp báo sáng 8.7 - Ảnh: SBV
Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Một số lĩnh vực có tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng khá, góp phần thúc đẩy kinh tế.
Ngoài ra, trong thời gian qua, các TCTD đã tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã nâng quy mô từ 15.000 tỉ đồng lên 100.000 tỉ đồng; Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, với doanh số lũy kế cho vay đến cuối tháng 6 đạt khoảng 5.200 tỉ đồng.
Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội; cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, các chương trình tín dụng chính sách... cũng được các TCTD tích cực triển khai.
Trong nửa cuối năm, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Giá trị giao dịch không tiền mặt gấp 25 lần GDP
Phó thống đốc Phạm Thanh Hà nêu thời gian qua, NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và phát triển ngân hàng số. Nỗ lực này nhằm thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, tạo môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới, bảo đảm an toàn – bảo mật trong các giao dịch tài chính hiện đại.
Hạ tầng số của ngành ngân hàng được tập trung đầu tư và nâng cấp mạnh mẽ, góp phần giúp TTKDTM và ngân hàng số phát triển rõ nét. Hiện nay, phần lớn dịch vụ ngân hàng truyền thống đã được số hóa và tích hợp trên các nền tảng điện tử. Nhiều ngân hàng cho biết hơn 95% giao dịch được thực hiện qua kênh số thay vì tại quầy.
Hệ sinh thái ngân hàng số ngày càng hoàn thiện, cung cấp đầy đủ tiện ích cho khách hàng như: chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, tiết kiệm online, vay vốn trực tuyến... chỉ với một thiết bị di động. Một số nghiệp vụ đã được số hóa hoàn toàn như mở tài khoản, mở thẻ, chuyển tiền, gửi tiết kiệm có kỳ hạn, vay tiêu dùng…
Tỉ lệ người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng tại Việt Nam hiện đạt gần 87%. Giá trị giao dịch TTKDTM gấp 25 lần GDP. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong triển khai kết nối thanh toán QR xuyên biên giới với Thái Lan, Campuchia và Lào - nền tảng quan trọng để mở rộng hợp tác trong khu vực.
Ngành ngân hàng hiện cũng đi đầu về cải cách hành chính, với 7 năm liên tiếp dẫn đầu trong số các bộ, ngành trung ương.
Tính đến 13.6.2025, hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được xác thực sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc VNeID, chiếm gần 100% số tài khoản giao dịch số. Hơn 927.000 hồ sơ khách hàng tổ chức cũng đã hoàn tất xác thực sinh trắc học, đạt trên 70%.
Ngoài ra, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đã phối hợp Bộ Công an đối chiếu, làm sạch dữ liệu gần 57 triệu hồ sơ khách hàng. Nhiều TCTD đã tích cực triển khai ứng dụng CCCD gắn chip tại quầy, trên app ngân hàng cũng như tích hợp VNeID vào dịch vụ ngân hàng số.
Theo đó, 63 TCTD đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy; 57 TCTD và 39 tổ chức TGTT đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua ứng dụng Mobile app; 32 TCTD và 15 tổ chức TGTT đang triển khai ứng dụng VNeID.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên (đến cuối tháng 5.2025):
- Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5,31% so với cuối năm 2024 và chiếm 23,16% dư nợ nền tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 2,57% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 11,27% so với cuối năm 2023). Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 4,07% so với cuối năm 2024, chiếm 0,64% dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Tín dụng đối với DNNVV tăng 5,71% so với cuối năm 2024, chiếm 17,51% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 giảm 0,15% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 10,69% so với cuối năm 2023).
- Tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 2,91% so với cuối năm 2024, chiếm 2,06% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 giảm 0,89% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 8,42% so với cuối năm 2023).
- Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 15,69% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 3,24% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 9,67% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 24,72% so với cuối năm 2023).
- Tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 17,59% so với cuối năm 2024, chiếm 0,43% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 18,16% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 34,2% so với cuối năm 2023).
Khánh Phong