Chưa đến 1 điểm/môn vẫn đỗ công lập
Năm học 2025-2026, một số trường THPT công lập tại các tỉnh như Nghệ An, Đắk Lắk công bố điểm chuẩn lớp 10 ở mức rất thấp, chỉ từ 2,5 đến 4 điểm cho tổng ba môn thi.
Tại Nghệ An, Trường THPT Nam Đàn 2 tuyển bổ sung nguyện vọng 2 với mức điểm chuẩn chỉ 2,5 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên và khuyến khích). Như vậy, trung bình mỗi môn thí sinh chỉ cần đạt chưa đến 1 điểm đã có thể trúng tuyển.
Ảnh minh họa
Tại Đắk Lắk, nhiều trường THPT như Hai Bà Trưng, Krông Bông, Lắk… có điểm chuẩn giao động từ 2,5 đến dưới 5 điểm, trong đó một số trường lấy 2,5 điểm cho tổng 3 môn.
Điểm xét tuyển vào lớp 10 tại các trường trên được tính dựa trên tổng điểm ba môn thi gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, không có ngưỡng điểm sàn bắt buộc cho từng môn riêng lẻ.
Theo thông tin từ các sở giáo dục địa phương, mức điểm chuẩn thấp là do số lượng thí sinh đăng ký không đủ so với chỉ tiêu tuyển sinh, dẫn đến việc các trường hạ điểm để xét tuyển đủ số lượng học sinh theo quy định.
Vì sao lại thấp đến vậy?
Lý giải hiện tượng điểm chuẩn thấp kỷ lục, các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương cho biết: phần lớn các trường lấy điểm thấp thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn, nơi số lượng học sinh dự thi ít hơn đáng kể so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo hình thức xét tuyển “từ trên xuống”, khi không đủ số lượng hồ sơ đạt chuẩn cao, các trường bắt buộc hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu không, trường sẽ thiếu lớp, thiếu học sinh và khó duy trì hoạt động giảng dạy ổn định.
Bên cạnh đó, tâm lý “chọn trường, chọn thành phố lớn” cũng khiến một bộ phận học sinh khá giỏi không chọn học tại các trường THPT địa phương, tạo ra sự lệch pha lớn giữa cung - cầu tuyển sinh.
Trong khi các trường công lập ở các địa phương nói trên "khát" học sinh, thì tại Hà Nội, TP.HCM có tỷ lệ “chọi” rất cao, khiến hàng chục nghìn học sinh trượt lớp 10 mỗi năm.
Việc điểm chuẩn lớp 10 công lập xuống thấp đến mức "chưa đến 1 điểm/môn vẫn đỗ" là thực tế hiếm thấy và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất cân đối trong tuyển sinh đầu cấp.
Trong khi ở đô thị, áp lực học hành khiến học sinh phải chạy đua căng thẳng, thì tại nhiều nơi, ghế trường công lại bỏ trống vì thiếu người học.
Yến Nguyễn