Chỉ dẫn kích hoạt siêu dự án của Vietnam Airlines

Chỉ dẫn kích hoạt siêu dự án của Vietnam Airlines
2 ngày trướcBài gốc
Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines đã được cấp có thẩm quyền chỉ dẫn cụ thể
Đủ cơ sở chính trị, pháp lý
Sau khá nhiều thời gian chờ đợi, vào cuối tuần trước, Bộ Tài chính có Công văn số 3820/BTC gửi Vietnam Airlines để hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines.
Trước đó, trong Công văn số 888/VPCP - CN ngày 6/2/2025, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng dẫn Vietnam Airlines hai nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục và thẩm quyền triển khai Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
Một là, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp cần được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, hay Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, hay Nghị định số 101/2011/NĐ-CP về quản lý hoạt động thuê, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư tàu bay.
Hai là, trường hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì cần hướng dẫn rõ trình tự, thủ tục, hồ sơ và cơ quan thẩm định/tham mưu cho người đứng đầu Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự kiến đến năm 2025, nhu cầu đội tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines là 31 tàu, cơ bản nằm trong giới hạn số tàu bay đã thuê mua; đội thân hẹp là 54 tàu; đội tàu bay ATR72 là 5 tàu.
Nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển mạng đường bay, thị phần và đảm bảo khả năng cạnh tranh của Vietnam Airlines, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu đội tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines là 37 tàu; đội thân hẹp là 95 tàu; đội tàu bay ATR72 là 5 tàu.
Dự kiến đến năm 2035, tổng nhu cầu đội bay của Vietnam Airlines đạt 169 tàu, trong đó có 52 tàu thân rộng, 112 tàu thân hẹp và 5 tàu ATR72. Số lượng tàu bay sẽ được Hãng liên tục rà soát, điều chỉnh linh hoạt theo tình hình phát triển thực tế của thị trường, nhóm đường bay liên quan và có báo cáo cập nhật.
Thời hạn hoàn thành công việc cho ý kiến đối với Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp nói trên được lãnh đạo Chính phủ ấn định là trước ngày 15/2/2025.
Sở dĩ quá trình hướng dẫn triển khai Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines kéo dài hơn thường lệ bởi đây không chỉ là việc chưa có tiền lệ, mà còn do các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa thật sự rõ ràng không chỉ đối với doanh nghiệp, mà cả một số cơ quan quản lý nhà nước.
Tại Công văn số 3820, Bộ Tài chính cho rằng, ngày 19/11/2024, Ban Cán sự đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có Tờ trình số 224-TTr-BCSĐ và Báo cáo số 225-BC/BCSĐ, trình Bộ Chính trị về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cho Vietnam Airlines theo Đề án Tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, để Hãng hàng không Quốc gia sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Ban Cán sự đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất Vietnam Airlines cần được cấp có thẩm quyền hỗ trợ, thông qua giải pháp phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 22.000 tỷ đồng.
Cơ sở xây dựng quy mô gói giải pháp xuất phát từ nhu cầu vốn để phục hồi năng lực tài chính, tạo tiền đề triển khai các dự án đầu tư trọng điểm (dự án Long Thành, dự án tàu bay) và khắc phục các hậu quả của Covid-19…
Tại Văn bản số 12296-CV/VPTW ngày 23/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng, thông báo kết luận của Bộ Chính trị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững, Bộ Chính trị đã cơ bản thống nhất với Tờ trình, báo cáo của Ban Cán sự đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Chính phủ có Tờ trình số 51/TTr-CP ngày 22/11/2024 gửi Quốc hội về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines theo Đề án Tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tại điểm a, mục 2, phần VI của Tờ trình số 51, Chính phủ đã đề xuất giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines theo hướng: “Gói hỗ trợ tài chính lần 2 được xây dựng trên cơ sở nhu cầu tài chính để Vietnam Airlines xử lý dứt điểm các khoản nợ phát sinh do Covid-19 và nhu cầu vốn để phục hồi năng lực tài chính, tạo tiền đề triển khai các dự án đầu tư trọng điểm (dự án Long Thành, dự án tàu bay)…”.
Ngày 30/11/2024, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã có Nghị quyết số 174/2024/QH15, trong đó, Quốc hội đã quyết nghị thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững.
“Như vậy, Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines đã đảm bảo cơ sở chính trị, pháp lý”, Công văn số 3820 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung ký nêu rõ.
Trước đó, trong đề xuất gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 11/2024, Vietnam Airlines cho biết, Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp có vai trò quan trọng, giúp đơn vị này đảm bảo đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã đặt ra với vai trò là Hãng hàng không quốc gia trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.
Đội bay thân hẹp sẽ được Vietnam Airlines khai thác thị trường nội địa, các đường bay quốc tế có dung lượng thấp, tập trung chủ yếu mạng bay dưới 5 giờ bay. Đội tàu này sẽ được chia theo nhóm tàu bay tương đương A321 và tương đương A320.
Ước tính, tổng mức đầu tư Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp thuộc dòng tàu bay A320NEO hoặc B737MAX và 10 động cơ dự phòng là khoảng 3,697 tỷ USD, tương đương 92.810 tỷ đồng. Vietnam Airlines dự kiến thực hiện bán và thuê lại (Sale and Leaseback) 25 tàu đầu tiên nhận trong giai đoạn 2028 - 2030 và sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu kết hợp vay mua với tỷ lệ vay 50% giá mua tàu bay đối với 25 tàu còn lại nhận trong giai đoạn 2030 - 2031. Cấu trúc này sẽ giúp Vietnam Airlines giảm đáng kể áp lực về mặt dòng tiền.
Vừa chạy, vừa xếp hàng
Về quy định của pháp luật liên quan đến việc mua tàu bay, tại Công văn số 3820, Bộ Tài chính cho biết, hiện quy định về điều kiện, thẩm quyền quyết định và trình tự thủ tục thực hiện việc mua tàu bay đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% được thực hiện theo Nghị định số 110/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động thuê, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư tàu bay.
Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines là dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (Nhà nước đang nắm 86,34% vốn điều lệ), do đó thực hiện đầu tư dự án theo cả quy định tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 110/2011/NĐ-CP nêu trên.
Theo đó, tại khoản 2, Điều 6, Nghị định số 110/2011/NĐ-CP quy định: “Trường hợp mua tàu bay, người đứng đầu doanh nghiệp ra quyết định đầu tư sau khi có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương, chủ đầu tư (Vietnam Airlines), cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ Tài chính) và các cơ quan khác có liên quan theo thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (điểm đ, khoản 1, Điều 48); Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ; Quy chế hoạt động của người đại diện ban hành theo Quyết định số 83/QĐ-UBQLV ngày 14/3/2022 và quy định pháp luật khác có liên quan.
Cụ thể, người đại diện có nghĩa vụ báo cáo, xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính về việc Vietnam Airlines thực hiện dự án đầu tư trước khi người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông và HĐQT đối với dự án đầu tư có quy mô từ 35% tổng giá trị của Tổng công ty trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất.
Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp có tổng giá trị dự kiến khoảng 92.800 tỷ đồng (lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của Vietnam Airlines theo báo cáo tài chính quý IV/2024), thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 138, Luật Doanh nghiệp 2020.
“Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị Vietnam Airlines báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến về chủ trương thực hiện Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp để Vietnam Airlines tổ chức triển khai theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện về việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án đầu tư tàu bay, hiệu quả đầu tư dự án và bảo toàn phát triển vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật”, Công văn số 3820 của Bộ Tài chính nêu rõ.
Cần phải nói thêm rằng, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) vào cuối tháng 2/2025, Vietnam Airlines cho biết, với tầm quan trọng và tính cấp thiết, đồng thời với tình hình nguồn cung tàu bay đang khan hiếm, Vietnam Airlines đặt mục tiêu khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà cung cấp tàu bay, đàm phán ký kết hợp đồng mua tàu bay trong nửa đầu năm 2025 để có thể lấy được lịch giao tàu theo yêu cầu phát triển đội bay của Tổng công ty.
Theo đó, các bước phê duyệt, ra quyết định đầu tư sẽ phải được báo cáo thông qua Đại hội đồng cổ đông sau khi có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện thủ tục lựa chọn nhà cung cấp tàu bay, đàm phán ký kết hợp đồng sẽ được triển khai ngay sau khi có quyết định đầu tư.
“Để đảm bảo tiến độ, Vietnam Airlines kiến nghị Thủ tướng cho phép vừa xây dựng Dự án Đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, vừa đàm phán với 2 nhà sản xuất tàu bay là Airbus và Boeing theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 110/NĐ-CP và được tiến hành đặt cọc (có hoàn trả) để giữ lịch tàu bay và các ưu đãi khác trước khi lập dự án hoặc ký kết hợp đồng mua tàu bay theo quy định của Điều 16, Nghị định số 110/NĐ-CP”, đại diện Vietnam Airlines đề xuất.
Anh Minh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/chi-dan-kich-hoat-sieu-du-an-cua-vietnam-airlines-d260604.html