Công điện của Thủ tướng về triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (đợt 2) Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Công điện số 108/CĐ-TTg ngày 16/7/2025 về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (đợt 2).
Công điện gửi Bộ trưởng các bộ: Công an, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tòa án nhân dân tối cao; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ: Ngày 04/7/2025, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn số 94/HD-HĐTVĐX về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1244/2025/QĐ-CTN ngày 03/7/2025 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2025 (đợt 2).
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đặc xá năm 2025.
Để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đặc xá năm 2025 (đợt 2), thực hiện tốt chủ trương, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội và góp phần thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm đạt kết quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Công an làm tốt chức năng chủ trì tham mưu cho Chính phủ và nhiệm vụ Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá; có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam do Bộ Công an quản lý; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chặt chẽ việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng quản lý.
Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp chủ trì việc xét đề nghị đặc xá cho người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin đầy đủ nội dung các văn bản về đặc xá năm 2025 (đợt 2) để mọi người dân và các phạm nhân hiểu rõ điều kiện, quy trình, thủ tục xét đặc xá... để họ có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tự đối chiếu, giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng, tránh nhầm lẫn, sai sót; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân xóa bỏ mặc cảm đối với người được đặc xá và quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.
Các Bộ, ngành, cơ quan đã nêu trong Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công; tổ chức phổ biến, quán triệt, bảo đảm công tác đặc xá thực hiện thống nhất, an toàn, công khai, minh bạch, theo quy trình chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng điều kiện quy định pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai sót.
Giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về hòa nhập cộng đồng
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1244/2025/QĐCTN ngày 03/7/2025 về đặc xá năm 2025 (đợt 2) của Chủ tịch nước và Hướng dẫn số 94/HD-HĐTVĐX ngày 04/7/2025 của Hội đồng tư vấn đặc xá. Cụ thể:
- Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan báo chí ở địa phương tuyên truyền sâu rộng về công tác đặc xá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Chỉ đạo các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, giấy chứng nhận, xác nhận và các tài liệu cần thiết khác liên quan đến người được đề nghị đặc xá.
- Chỉ đạo chính quyền cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức kinh tế, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
- Chỉ đạo Giám đốc Công an cấp tỉnh phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người đặc xá; nắm chắc tình hình, diễn biến của số người được đặc xá về cư trú tại địa phương, không để họ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, xử lý kịp thời, nghiêm minh những người có hành vi tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá) có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn đặc xá.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 367/TB-VPCP ngày 16/7/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được hơn 264.000 căn
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/8/2025
Thông báo nêu: Ngay sau Phiên họp thứ năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao để quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31 tháng 8 năm 2025, trong đó ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng hoàn thành trước ngày 27 tháng 7 năm 2025.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương trên phần mềm cập nhật đến hết ngày 08 tháng 7 năm 2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được hơn 264.000 căn (khánh thành gần 230.000 căn và khởi công, xây dựng khoảng hơn 34.000 căn); 19/34 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả 03 đối tượng người có công, hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Chương trình phát động.
Thủ tướng hoan nghênh tinh thần tích cực, chủ động của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, cùng các Bộ, cơ quan, địa phương, lực lượng vũ trang đã bám sát tình hình, kịp thời đề xuất các phương án, triển khai quyết liệt, hiệu quả rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Biểu dương và đánh giá cao tinh thần vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã chủ động tham gia và cam kết đi đôi với hành động, thể hiện trách nhiệm cao cả và tính nhân văn sâu sắc của dân tộc ta với tinh thần "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 24/7/2025
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với Nhân dân và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ này, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31 tháng 8 năm 2025; trong đó hỗ trợ nhà ở cho người có công, gia đình liệt sĩ hoàn thành trước ngày 24 tháng 7 năm 2025 nhằm thiết thực kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, phát động mạnh mẽ Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trên tinh thần "ai có gì giúp nấy; ai có công giúp công; ai có của giúp của; ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít"; mỗi căn nhà là "một món quà, một mái ấm, một tình thương", thể hiện "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" tốt đẹp của dân tộc ta.
Thủ tướng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, tăng cường các tuyến tin, bài, tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa mạnh mẽ phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, chung tay ủng hộ, chia sẻ, hỗ trợ Chương trình với tinh thần nêu trên, góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, cập nhật số liệu nhà tạm, nhà dột nát, bảo đảm chính xác, thống nhất số liệu giữa trung ương và địa phương; trên cơ sở đó có biện pháp cụ thể để hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tập trung thực hiện, bảo đảm đạt mục tiêu đề ra.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục huy động lực lượng đóng quân trên địa bàn để hỗ trợ công sức, vật chất cho các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tiếp tục tham gia hỗ trợ chính quyền địa phương và các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình chính sách để gấp rút khởi công và hoàn thành các công trình bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Địa phương chủ động sử dụng nguồn tài chính tạm thời nhàn rỗi để hỗ trợ khởi công mới, sửa chữa nhà ở cho người có công
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: chủ động sử dụng các nguồn tài chính tạm thời nhàn rỗi của địa phương để hỗ trợ khởi công mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 84/CĐ-TTg ngày 08/6/2025; kịp thời rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, không để công tác chỉ đạo, điều hành bị gián đoạn; hằng ngày cập nhật kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn vào phần mềm thống kê đã hướng dẫn; gửi danh sách cán bộ đầu mối theo dõi công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát về Bộ Dân tộc và Tôn giáo để phối hợp trong quá trình thực hiện.
Các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp của 15 tỉnh còn nhà tạm, nhà dột nát (Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Cà Mau) trực tiếp vào cuộc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy một cách quyết liệt, tập trung triển khai thực hiện và bảo đảm hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; chủ động, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về kinh phí, đất đai, nguồn lực để hoàn thành toàn bộ mục tiêu đã đề ra.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp rà soát nội dung, công tác chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 365/TB-VPCP ngày 16/7/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp rà soát nội dung, công tác chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 - Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Thông báo nêu, kết quả triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19 tháng 6 năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, tiến độ, chất lượng thực hiện giữa các cơ quan chưa đồng đều, vẫn còn 33 nhiệm vụ quá hạn, chậm tiến độ, trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất liên ngành, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ; Tổ trưởng các Tổ công tác nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung đôn đốc tổ chức triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ.
Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân, tập thể, đặc biệt là đề cao vai trò của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan địa phương liên quan tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, huy động nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách theo đúng tiến độ đề ra; rà soát kỹ, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2025 để đạt được mục tiêu đề ra, báo cáo tại Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo của Chính phủ (ngày 20 tháng 7 năm 2025).
Khẩn trương hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ trọng tâm đang chậm tiến độ
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiêm túc rà soát, khẩn trương hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ trọng tâm đang chậm tiến độ, quá hạn. Phó Thủ tướng đã đưa ra thời gian cụ thể yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện. Cụ thể:
Trước ngày 31 tháng 7 năm 2025:
Các bộ, ngành, địa phương bảo đảm mục tiêu tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tiến độ tại Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19 tháng 6 năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Quảng Trị, Tuyên Quang, Đồng Tháp hoàn thành việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch hành động triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, bao gồm Đề án phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược.
Các bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính hoàn thành việc xây dựng, ban hành chương trình đẩy mạnh sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, logistics, du lịch.
Bộ Tài chính nghiên cứu, khẩn trương hỗ trợ hoàn tất các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập doanh nghiệp và cấp phép triển khai dịch vụ viễn thông vệ tinh quỹ đạo thấp (SpaceX); báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ thực hiện trong tháng 7 năm 2025.
Các bộ, cơ quan: Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế, Dân tộc và Tôn giáo, Thanh tra Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ rà soát các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu xu thế chung, kinh nghiệm của một số quốc gia về đất hiếm để nhận định đánh giá cụ thể và định hướng phát triển của Việt Nam; đánh giá trữ lượng, tiềm năng đất hiếm và có kế hoạch bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, nhất là đất hiếm để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành Đề án chuyển các cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Các bộ, cơ quan: Công Thương, Dân tộc và Tôn giáo, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Nội vụ, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: An Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, không duy trì Cổng dịch vụ công cấp bộ theo lộ trình.
Các bộ, cơ quan: Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Dân tộc và Tôn giáo, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương đăng ký nhu cầu kinh phí triển khai các nền tảng số quốc gia, nền tảng số dùng chung theo Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để rà soát, tổng hợp.
Trước ngày 31 tháng 8 năm 2025:
Bộ Y tế hoàn thành các nhiệm vụ sau:
- Triển khai giải pháp giám sát các cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại, kết quả xét nghiệm; cho phép khai thác thông tin trên VNeID trực tiếp từ phần mềm của cơ sở khám chữa bệnh.
- Triển khai giải pháp bệnh án điện tử tập trung bảo đảm 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến xã thuộc danh sách hỗ trợ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tập trung được cài đặt phần mềm, tập huấn và hướng dẫn sử dụng đầy đủ; 100% bệnh viện thực hiện ký xác nhận hồ sơ khám, chữa bệnh bằng chữ ký số thông qua ứng dụng VNeID.
- Báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và phương án kỹ thuật xây dựng Hệ thống điều phối dữ liệu ngành y tế phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2025 - 2030.
Bộ Y tế, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa hoàn thành nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển hệ thống trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tập trung cho công nghệ chiến lược và có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức triển khai hoạt động này.
Trước ngày 31 tháng 10 năm 2025:
Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XV.
Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành nhiệm vụ tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách, hạ tầng, nhân lực chất lượng cao cho phát triển khu công nghệ cao tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung"
Về việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan phối hợp với Bộ Công an rà soát toàn diện, đánh giá hiện trạng 11 Cơ sở dữ liệu tại Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương, 116 cơ sở dữ liệu tại Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm hoàn thành theo đúng tiến độ, chất lượng theo nguyên tắc "đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung".
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thống nhất nội dung Kế hoạch triển khai xây dựng các Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm Kế hoạch được ban hành trước ngày 18 tháng 7 năm 2025.
Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện các quy định tại Nghị định số 180/2025/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2025 trong quá trình xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ nêu trên; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 364/TB-VPCP ngày 16/7/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Theo Thông báo, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, xung đột quân sự gia tăng tại một số quốc gia, khu vực. Chính sách thuế quan của Hoa Kỳ tạo ra tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm, cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực; tăng trưởng GDP cả nước 06 tháng đầu năm 2025 ước đạt 7,3%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Hội đồng, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương hoạt động đều đặn, trách nhiệm, hiệu quả, kịp thời, khách quan, đúng quy định, phát huy vai trò, tích cực triển khai các hoạt động và hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra. Tích cực, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao ngay từ đầu năm.
Nhiều phong trào thi đua có tính lan tỏa cao
Công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, một số phong trào thi đua được phát động hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ khó, trọng tâm, cấp bách. Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" nhằm phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, trí thức và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tổ chức tổng kết phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2025 trong toàn quốc. Phong trào Cả nước chung tay "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025,Phong trào "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển thời gian qua của hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước. Đến nay, cả nước đã hỗ trợ được gần 263.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, đạt 94,7%; có 19 dự án/dự án thành phần các công trình, dự án quan trọng quốc gia đã được đưa vào khai thác, trong đó hoàn thành đưa vào khai thác nâng tổng số đường bộ cao tốc của cả nước từ 1.327 km lên 2.268 km, nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đang triển khai thi công 52 dự án/dự án thành phần cơ bản bám sát tiến độ đề ra…
Các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức phát động, triển khai có hiệu quả nhiều phong trào thi đua có tính lan tỏa cao chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Công tác tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng được tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời. Bộ Nội vụ đã tổ chức sơ kết đánh giá hơn một năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2025/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2025 quy định về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng để phù hợp với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật và nghị định thi hành.
Công tác tôn vinh điển hình tiên tiến, công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã có trên 960 quyết định khen thưởng cho trên 38.000 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc...
Thay mặt Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng biểu dương và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và đóng góp tích cực của các đồng chí thành viên Hội đồng; các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể đã hưởng ứng, phát động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua; đánh giá cao những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng đã đạt được thời gian qua, đóng góp quan trọng vào triển khai thành công các nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn một số hạn chế: (1) Phong trào thi đua của một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa mang lại hiệu quả thiết thực, chưa trở thành động lực thúc đẩy tập thể, cá nhân nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và các chương trình trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị; (2) Công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến còn chậm, hiệu quả chưa cao; việc tổ chức thi đua cùng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm hoặc còn mang tính hình thức; (3) Công tác khen thưởng theo thẩm quyền còn hạn chế, chưa kịp thời động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua; công tác xét tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang còn hạn chế.
5 bài học kinh nghiệm
Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian vừa qua, chúng ta cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất" nhằm huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực.
Hai là, các phong trào thi đua cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.
Ba là, công tác triển khai phong trào thi đua phải sống động, thực chất, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải mang lại kết quả cụ thể, có thể cân đo, đong đếm được; các chỉ tiêu, mục tiêu của phong trào luôn gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân với tinh thần "đã nỗ lực thực hiện rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, đã quyết liệt rồi thì quyết liệt hơn nữa, đã có kết quả rồi thì phấn đấu đạt kết quả cao hơn nữa và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa". Trong tổ chức thực hiện phải theo tinh thần 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả, đồng thời cần linh hoạt, sáng tạo, luôn luôn đổi mới, bám sát thực tiễn.
Bốn là, thường xuyên nắm sát tình hình, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao tính linh hoạt, chủ động và gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác thi đua, khen thưởng.
Năm là, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải hiệp đồng chặt chẽ, tăng cường công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả.
Phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2025
Thủ tướng khẳng định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, công tác thi đua, khen thưởng trong các tháng cuối năm tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1- Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát động đợt thi đua cao điểm, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước, của dân tộc. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, kịp thời, công khai, minh bạch, phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại, ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của các bộ, ban, ngành địa phương trong năm 2025.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức các hoạt động gặp mặt, tri ân, tôn vinh các nhân chứng lịch sử, người có công với nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.
Sau dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, với tinh thần kế thừa và phát huy các phong trào thi đua đã được triển khai, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tổ chức phát động phong trào thi đua mới nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, tạo ra phong trào, khí thế phát triển doanh nghiệp góp phần tạo ra đội ngũ doanh nhân giỏi của quốc gia và toàn cầu.
2- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới; các bộ, ban, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung thông tư, quy chế, quy định về thi đua, khen thưởng để kịp thời ban hành, thực hiện thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 152/2025/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2025 của Chính phủ quy định về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
3- Tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XIchào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với trách nhiệm cao nhất, quyết tâm, nỗ lực lớn nhất, tinh thần là vì nhân dân phục vụ để tạo khí thế, động lực mới, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu Ban Tổ chức Đại hội thực hiện tốt Đề án tổ chức Đại hội đã được phê duyệt.
Các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực tổ chức Đại hội thi đua các cấp bảo đảm đúng tiến độ, thiết thực, hiệu quả, tạo không khí thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI và đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
4- Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào thanh niên tình nguyện chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào chỉnh trang, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo "sáng-xanh-sạch-đẹp": mỗi nghĩa trang liệt sĩ là một vườn hoa để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân.
5- Tổ chức tổng kết phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025, Đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".
Bộ Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức tổng kết thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, hoàn thành trước 31 tháng 8 năm 2025.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức tổng kết thực hiện Đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", hoàn thành trước 19 tháng 12 năm 2025.
6- Các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục hưởng ứng, phát động, triển khai tích cực các phong trào thi đua; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các cơ quan, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp, sáp nhập và tổ chức Đại hội thi đua yêu nước cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ theo kế hoạch, hướng dẫn tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ XI của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
7- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các nhà hoạt động nghệ thuật để bàn về việc phát động phong trào thi đua khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị cao về những điển hình tiên tiến, những "nhân chứng" của lịch sử cách mạng... góp phần triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí… nhằm thúc đẩy khí thế thi đua sôi nổi và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Quyết định số 1532/QĐ-TTg ngày 15/7/2025 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch.
Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó Trưởng Ban là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo bao gồm: ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ủy viên thường trực); ông Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao; ông Đỗ Ngọc Huỳnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương; bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ủy viên, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo.
Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch
Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành trong hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển du lịch.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc các chương trình quốc gia, trọng điểm về phát triển du lịch theo đúng các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và quyết định, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng triển khai các kế hoạch, chương trình cụ thể về phát triển du lịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch vượt quá thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.
Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch.
Ban Chỉ đạo có quyền yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 335/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 09/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi thành viên tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2025/QĐ-TTg ngày 16/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thay đổi thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu
Khoản 7 Điều 7 Quyết định 12/2021/QĐ-TTg về xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp quy định: đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hoặc cơ quan chủ quản thẩm định, phê duyệt theo quy định. Kế hoạch được thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp thực hiện.
Nhằm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, Quyết định số 24/2025/QĐ-TTg sửa đổi quy định trên theo hướng chuyển trách nhiệm của UBND cấp huyện sang UBND cấp xã.
Cụ thể, đối với các cơ sở, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm định và phê duyệt; đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc sở hữu hoặc quản lý bởi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hoặc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam thì do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hoặc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam thẩm định, phê duyệt, Kế hoạch sau khi được Tập đoàn phê duyệt, thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp tỉnh để phối hợp triển khai, thực hiện.
Rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu
Điểm c khoản 3 Điều 8 Quyết định 12/2021/QĐ-TTg quy định: "Đối với kế hoạch do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trong thời hạn 15 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu".
Thời hạn trên được Quyết định số 24/2025/QĐ-TTg rút ngắn xuống còn 7 ngày. Quyết định nêu rõ: đối với kế hoạch do Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.
Quyết định số 24/2025/QĐ-TTg quy định, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu. Bộ Quốc phòng là cơ quan Thường trực giúp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai, thực hiện.
Hằng năm hoặc đột xuất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức rà soát kế hoạch, theo dõi, đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước; Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các bộ, ngành và địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện, gửi về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Chính phủ./.