Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/01/2025

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/01/2025
8 giờ trướcBài gốc
Xếp hạng 5 di tích quốc gia đặc biệt
Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Pô Nagar (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/01/2025 về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Cụ thể, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) các di tích sau:
1. Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội).
2. Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Xám (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
3. Di tích lịch sử Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).
4. Di tích lịch sử Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (quận Hải An, thành phố Hải Phòng).
5. Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Pô Nagar (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Khu vực bảo vệ dị tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 151/QĐ-TTg ngày 17/1/2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Trạng Trình
Theo Quyết định, mục tiêu dài hạn của việc quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm và giá trị các di sản văn hóa phi vật thể gắn với cụm di tích, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học và hình thành điểm du lịch lịch sử - văn hóa đặc sắc của huyện Vĩnh Bảo và thành phố Hải Phòng.
Mục tiêu ngắn hạn là tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Trạng Trình; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích...
Quy hoạch điều chỉnh quy mô khu di tích
Quy hoạch nêu rõ, điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích Khu Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm 9,992 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
Giữ nguyên diện tích của Khu vực bảo vệ I là 0,317 ha (theo hồ sơ khoa học di tích). Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
Điều chỉnh tăng khoảng 0,842 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ II lên thành 9,675 ha (so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích); cụ thể:
Bổ sung phần diện tích 0,495 ha của khu vực đền, chùa Song Mai (nơi thờ bà Minh Nguyệt - Phu nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), nằm tiếp giáp với Khu vực bảo vệ I vào khu vực quy hoạch để hình thành chỉnh thể không gian cảnh quan và kết nối đồng bộ với Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bổ sung diện tích 1,655 ha của khu vực sản xuất nông nghiệp phía sau mộ phần cụ Nguyễn Văn Định vào khu vực bảo vệ II để hình thành không gian cảnh quan xanh bảo vệ công trình di tích và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật…
Quán Trung Tân: Quy hoạch điều chỉnh diện tích là 0,258 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
Giữ nguyên diện tích của Khu vực bảo vệ I là 0,017 ha (theo hồ sơ khoa học di tích). Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
Điều chỉnh tăng khoảng 0,168 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ II lên thành 0,241 ha (so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích); cụ thể: Bổ sung phần diện tích 0,177 ha của khu vực cảnh quan và khuôn viên chùa Tăng Thịnh nằm bên cạnh điểm di tích Quán Trung Tân vào khu vực bảo vệ II để hoàn thiện chinh thể không gian cảnh quan, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; phát huy giá trị di tích cho cả Quán Trung Tân và Chùa Tăng Thịnh.
Tháp bút Kình Thiên: Quy hoạch điều chỉnh diện tích là 0,471 ha; các khu vực bảo vệ được xác định cụ thể như sau:
Giữ nguyên diện tích Khu vực bảo vệ I là 0,038 ha (theo hồ sơ khoa học di tích). Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các hạng mục công trình hiện hữu.
Bổ sung diện tích khu vực khuôn viên cảnh quan xung quanh để tăng phần diện tích Khu vực bảo vệ II lên thành 0,433 ha (bổ sung khoảng 0,368 ha so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích).
Bên cạnh đó, quy hoạch điều chỉnh phần diện tích Khu vực phát huy giá trị di tích là 9,089 ha.
Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Về thị trường khách du lịch: Tập trung thu hút thị trường khách nội tỉnh, đặc biệt từ các trường học các cấp, khách từ thủ đô Hà Nội và khách từ các tỉnh lân cận
như Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Chú trọng khách du lịch lễ hội, tín ngưỡng, tham quan học tập, về nguồn.
Sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch lễ hội, tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên gắn với những địa danh gắn liền với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm như Quán Trung Tân, Am Bạch Vân...; du lịch sự kiện văn hóa.
Hình thành các khu dịch vụ bổ trợ cung cấp các sản phẩm lưu niệm là các con giống của loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước, múa rối cạn, sản phẩm trạm khắc gỗ Bảo Hà, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, như: cá Hội Am, gạo thơm Vĩnh Bảo, bánh dày Dũng Tiên, bánh trôi Liên Am, nem chân giò và chuối nấu Vĩnh Phong, cà ra sông Hóa, thuốc lào Triền Am, các món ăn chế biến từ sản vật rươi Vĩnh Bảo (rươi kho, chả rươi, mắm rươi, xôi rươi...).
Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó: Thành phố Hải Phòng sẽ cân đối nguồn vốn đảm bảo không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương; sử dụng vốn ngân sách địa phương (ngân sách thành phố, huyện, xã); các nguồn vốn khác…
Quyết định cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Giải pháp quản lý quy hoạch; giải pháp về đầu tư; giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích; giải pháp về bộ máy quản lý và cơ chế, chính sách; giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng; giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ...
UBND thành phố Hải Phòng công bố công khai Quy hoạch
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng công bố công khai Quy hoạch; tiến hành rà soát, cắm mốc ranh giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo mốc giới xác định trong quy hoạch. Cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch thành phố Hải Phòng, Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng và Kế hoạch sử dụng đất của thành phố Hải Phòng phù hợp với từng thời kỳ.
Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động và huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện Quy hoạch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các dự án thành phần thuộc di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc nội dung quy hoạch được duyệt.
Theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện quy hoạch, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung và đúng kế hoạch được phê duyệt; tuân thủ theo trình tự, quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan.
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đình So, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045
Đưa Đình So trở thành điểm đến quan trọng trên tuyến hành trình du lịch di sản văn hóa phía Tây của thành phố Hà Nội
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đình So, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Quyết định, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội nhằm nghiên cứu, nhận diện và xác định vị trí, mối quan hệ giữa Đình So với các di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác trong khu vực.
Quy mô quy hoạch khoảng 31,34 ha, trên địa bàn xã Cộng Hòa, gồm: Toàn bộ diện tích khoanh vùng bảo vệ (khu vực I và II) của Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đình So, là 4,1 ha (Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ). Phần diện tích nghiên cứu, đề xuất quy hoạch mở rộng, bổ sung vào khu vực bảo vệ II của di tích khoảng 27,24 ha.
Phần diện tích nghiên cứu, đề xuất quy hoạch mở rộng, bổ sung vào khu vực bảo vệ II của di tích (gồm: khu vực cảnh quan nằm ngoài đê sông Đáy; khu dân cư hiện trạng phía sau và hai bên đường vào di tích và không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư bao quanh di tích), khoảng 27,24 ha; nhằm tạo lập vành đai bảo vệ và hình thành không gian cảnh quan sinh thái của di tích; xây dựng bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình phụ trợ và khu chức năng, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa di tích với cộng đồng dân cư, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích (nếu cần thiết).
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đình So đã được khoanh vùng bảo vệ; các giá trị di sản văn hóa, di sản tư liệu, tài liệu, hiện vật gắn với di tích, không gian, kiến trúc, cảnh quan văn hóa của làng So.
Hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn của Thủ đô
Quyết định nêu rõ, mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện, bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc cấu thành Di tích quốc gia đặc biệt Đình So; bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích và cộng đồng làng So.
Đồng thời hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn của Thủ đô, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác trên địa bàn huyện Quốc Oai và thành phố Hà Nội; tạo lập chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc, phong phú gắn với phát triển không gian văn hóa sáng tạo và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống của địa phương. Tạo lập mối liên kết vùng giữa di tích kiến trúc nghệ thuật Đình So với các di tích khác của làng So và khu vực phụ cận; đưa Đình So trở thành điểm đến quan trọng trên tuyến hành trình du lịch di sản văn hóa phía Tây của thành phố Hà Nội.
Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch
Theo Quyết định, khảo sát, đo đạc địa hình hiện trạng trong phạm vi lập quy hoạch; xác định cấu trúc quy hoạch, kiến trúc cảnh quan khu vực; vị trí, cấu trúc địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng.
Khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực lập quy hoạch (giao thông, nguồn nước và cấp nước, thoát nước thải và vệ sinh môi trường, cấp điện và thông tin liên lạc...).
Nghiên cứu, khảo sát, bổ sung vị trí, ranh giới khu vực dự kiến cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và đầu tư cơ sở hạ tầng (nếu có).
Xác định các chỉ tiêu, dự báo phát triển của khu vực lập quy hoạch: Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; dự báo dân số và sức ép gia tăng dân số lên khu vực di tích; về lượng khách du lịch, nhu cầu du lịch và các dịch vụ du lịch; chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật.
Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
Theo Quyết định, lập danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục di tích.
Đề xuất các giải pháp tổng quan về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; gắn kết bảo tồn di sản văn hóa và cảnh quan tự nhiên với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; biện pháp quản lý và bảo vệ đối với di vật, cổ vật, hiện vật khảo cổ, đồ thờ...;
Đề xuất các giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục công trình và các hiện vật tại di tích. Nghiên cứu giải pháp phục hồi các dãy nhà tả mạc, hữu mạc... của di tích trên cơ sở khoa học. Đề xuất khai quật khảo cổ (nếu cần thiết) để củng cố cơ sở khoa học phục hồi di tích…
Đề xuất kết nối không gian giữa Đình So với các di tích, điểm tham quan trong khu vực nghiên cứu và phụ cận (chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, chùa Trầm...).
Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Đề xuất định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững; hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn phù hợp với đặc trưng, giá trị tiêu biểu của di tích và phát huy những lợi thế của địa phương.
Khai thác hợp lý và có hiệu quả giá trị di tích; đề xuất việc bố trí hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ hợp lý, đồng bộ tại khu vực lập quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch - dịch vụ.
Thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng
Theo Quyết định, thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập Quy hoạch được duyệt (không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt dự toán, đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch).
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng có liên quan đối với phạm vi, ranh giới quy hoạch đề xuất; về trình tự, thủ tục, tính chính xác, hợp pháp của nội dung, tài liệu, số liệu, thông tin báo cáo, bản đồ tại hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch và trong quá trình tổ chức lập quy hoạch.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật./.
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-18-01-2025-102250118174600648.htm