Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/01/2025 (2)

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/01/2025 (2)
3 giờ trướcBài gốc
Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nghĩa Hưng, tỉnh Bắc Giang
Quy mô diện tích của dự án 148,68 ha - Ảnh minh họa
Ngày 21/01/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 201/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nghĩa Hưng, tỉnh Bắc Giang (Dự án).
Theo Quyết định, nhà đầu tư của Dự án là Công ty cổ phần khu công nghiệp Gilimex Bắc Giang. Mục tiêu dự án nhằm đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Quy mô diện tích của dự án 148,68 ha. Vốn đầu tư của dự án 2.200 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 330 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án được thực hiện tại xã Đào Mỹ và xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Tiến độ thực hiện dự án không quá 30 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang hướng dẫn Nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và các điều kiện áp dụng thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án
Quyết định nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện Dự án
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; xem xét, xử lý kiến nghị của Nhà đầu tư về tên gọi Dự án và tên gọi của khu công nghiệp theo thẩm quyền quy định tại pháp luật về đầu tư và Điều 12 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP; tiếp thu ý kiến của các Bộ.
Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện Dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện Dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện Dự án; bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 182 Luật Đất đai.
Chỉ giao phần diện tích đất có tuyến ống xăng dầu cho nhà đầu tư khi đã hoàn tất việc điều chỉnh hướng tuyến hiện hữu sang vị trí mới như thỏa thuận với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng.
Yêu cầu Nhà đầu tư: (i) trong quá trình triển khai dự án nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản; (ii) tuân thủ quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo việc thực hiện dự án không ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi và khả năng canh tác của người dân xung quanh; xây dựng phương án hoàn trả kênh mương, đảm bảo việc thực hiện Dự án không ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi và khả năng canh tác của người dân trong khu vực, không gây ngập úng khu vực lân cận Dự án.
Nhà đầu tư ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án
Công ty Cổ phần khu công nghiệp Gilimex Bắc Giang (nhà đầu tư): Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án theo quy hoạch, chủ trương đầu tư được phê duyệt; thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nghĩa Hưng và hoàn trả kênh mương trong khu vực thực hiện Dự án theo quy hoạch phân khu xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai.
Có trách nhiệm nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 182 Luật Đất đai và Điều 12 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa.
Thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường; Ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án; Thực hiện các nghĩa vụ khác của nhà đầu tư đối với dự án theo quy định của pháp luật.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trình Chính phủ trong ngày 25/01/2025.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 24/TB-VPCP ngày 21/01/2025 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về xây
dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc chuẩn bị nội dung báo cáo về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết).
Theo Chương trình, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào ngày 12 tháng 02 năm 2025. Tiến độ thực hiện là rất gấp, do vậy để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Phó Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp về việc báo cáo Quốc hội cho phép xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 01 kỳ họp.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, khẩn trương rà soát các cơ chế chính sách đã có trong Luật Thủ đô, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023, Nghị quyết số 172/2024/QH15 và cập nhật các nội dung đã được quy định tại các Luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV để bổ sung đầy đủ các chính sách nhằm phát huy hiệu quả trong quá trình đầu tư, khai thác các tuyến đường sắt đô thị (phân cấp, phân quyền cho 2 thành phố chủ động tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; rút ngắn trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp; phát triển không gian ngầm, khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh ga, huy động nguồn vốn, phát triển theo mô hình TOD…); gửi Bộ Giao thông vận tải chậm nhất trong ngày 21 tháng 01 năm 2025.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết và đồng thời rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết (Bộ Giao thông vận tải thành lập Tổ công tác để xây dựng dự thảo Nghị quyết, thành phần gồm Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và mời các cơ quan của Quốc hội; chia thành 03 nhóm, gồm: nhóm rà soát các cơ chế chính sách chung; nhóm rà soát cơ chế chính sách áp dụng riêng cho thành phố Hà Nội và nhóm rà soát chính sách áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh).
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm đánh giá thẩm định về tính khả thi, hiệu quả đối với từng chính sách; cử người tham gia Tổ công tác; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết (kịp thời gửi ý kiến theo đúng thời hạn mà Bộ Giao thông vận tải đề nghị để Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện).
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải về trình tự, thủ tục, hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết theo thủ tục rút gọn và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; chủ trì thẩm định các Hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình Quốc hội xem xét bổ sung
Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 01 kỳ họp (kỳ hợp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội).
Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ trong ngày 25/01/2025
Về tiến độ trình, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trong ngày 21 tháng 01 năm 2025 có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký nội dung trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vào kỳ họp bất thường lần thứ 9 (đầu tháng 2 năm 2025); chịu trách nhiệm xây dựng cụ thể Kế hoạch, tiến độ trình các Hồ sơ bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội (trong đó, chịu trách nhiệm hoàn thiện Hồ sơ theo quy định gửi Bộ Tư pháp trong ngày 23 tháng 01 năm 2025); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình trình Hồ sơ, tiếp thu, giải trình nội dung thẩm tra và trình Quốc hội.
Bộ Tư pháp hoàn thành công tác thẩm định các Hồ sơ theo quy định trong ngày 24 tháng 01 năm 2025; trình Quốc hội xem xét bổ sung xây dựng dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình 01 kỳ họp (trước ngày 03 tháng 02 năm 2025).
Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ trong ngày 25 tháng 01 năm 2025.
Chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân
Mục tiêu xây dựng mới Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân tiếp nhận tàu trọng tải đến 60.000 DWT.Quy mô đầu tư Dự án gồm 08 bến - Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 21/01/2025 chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân (Dự án).
Tổng vốn đầu tư của Dự án khoảng 5.733 tỷ đồng
Theo Quyết định, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân (tên trước đây là Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines) của Công ty cổ phần Cảng quốc Tế QTM (tên trước đây là Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines).
Mục tiêu của Dự án là xây dựng mới Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân tiếp nhận tàu trọng tải đến 60.000 DWT.
Quy mô đầu tư Dự án gồm 08 bến, trong đó: Hạ lưu cầu Phước An gồm 02 tuyến bến, tổng chiều dài tuyến bến là 840m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 60.000 DWT; thượng lưu cầu Phước An gồm 02 tuyến bến xa bờ, tổng chiều dài tuyến bến là 1.055m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 DWT.
Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2025 đến năm 2030. Diện tích đất sử dụng khoảng 71,23 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 5.733 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm toàn diện về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất
Quyết định nêu rõ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất, thu hồi đất, theo dõi, giám sát và xử lý các vấn đề liên quan đến Dự án (gồm sự phù hợp của Dự án với quy hoạch có liên quan) thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định hồ sơ Dự án tại các văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu căn cứ nội dung Dự án đã được quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, thực hiện các thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án theo thẩm quyền; đối với ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và các nội dung khác của Dự án thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành; tiếp thu các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến các cơ quan liên quan tại Báo cáo thẩm định số 10783/BC-BKHĐT ngày 27 tháng 12 năm 2024, hướng dẫn, giám sát Công ty cổ phần Cảng quốc tế QTM triển khai, thực hiện Dự án bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện giao vùng nước trước bến, hướng dẫn Công ty cổ phần Cảng quốc tế QTM tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của Công ty cổ phần Cảng quốc tế QTM theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như ý kiến của các cơ quan liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, việc huy động vốn của Công ty cổ phần Cảng quốc tế QTM theo tiến độ thực hiện Dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin tổng hợp ý kiến thẩm định của các cơ quan có liên quan và ý kiến thẩm định trong Báo cáo kết quả thẩm định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn Công ty cổ phần Cảng quốc tế QTM tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về hàng hải và các quy hoạch liên quan.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với Dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư theo quy định pháp luật.
Công ty cổ phần Cảng quốc tế QTM huy động đầy đủ nguồn vốn, triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định
Công ty cổ phần Cảng quốc tế QTM chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án, hồ sơ giải trình bổ sung, hiệu quả đầu tư Dự án và các nội dung cam kết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tiếp thu các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến các cơ quan liên quan tại Báo cáo thẩm định trong quá trình thực hiện dự án. Chịu trách nhiệm huy động đầy đủ nguồn vốn, tổ chức, triển khai thực hiện và quản lý Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng quy định của pháp luật.
Phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040
Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg ngày 21/01/2025 phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040.
Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thủ Đức với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.156,9 ha.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.
Có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với các khu vực trong Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trọng điểm trong vùng Đông Nam Bộ bằng các phương thức đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa; phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng; phát triển hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại I và loại đặc biệt, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng số, hạ tầng đô thị thông minh.
Thành phố Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; trung tâm phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
Thành phố Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số củaThành phố, vùng Đông Nam Bộ và vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự kiến đến năm 2030, đất xây dựng toàn đô thị Thành phố Thủ Đức khoảng 16.200 - 16.500 ha (trung bình khoảng 89 - 90 m2/người); trong đó, đất dân dụng khoảng 12.000 - 12.200 ha (trung bình khoảng 66 - 67 m2/người); quy mô dân số khoảng 1.500.000 người - 1.825.000 người.
Tổ chức các trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại
Theo Quy hoạch, phát triển trung tâm tài chính quốc gia, có vai trò quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm; bảo đảm việc tổ chức không gian đô thị, cung ứng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các dịch vụ tài chính cho nền kinh tế quốc gia. Tiếp tục đầu tư và bổ sung xây dựng mới khu trung tâm dịch vụ thươngmại, hội chợ, triển lãm gắn với 11 trọng điểm phát triển của thành phố, các khu vực đầu mối giao thông công cộng và tại các khu đô thị.
Bên cạnh đó, tổ chức không gian sản xuất công nghiệp, công nghệ cao: Tiếp tục nâng cấp, phát triển Khu công nghệ cao hiện hữu, quy mô khoảng 913 ha, theo hướng kết nối hoạt động sản xuất, tập trung nghiên cứu - phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái sáng tạo để dẫn dắt trình độ công nghệ của khu vực và quốc gia; xây dựng khu Công viên Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Long Phước với quy mô diện tích khoảng 194,8 ha. Các khu công nghệ cao phát triển theo hướng nghiên cứu - phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, kết hợp với dịch vụ phục vụ cho hoạt động của khu công nghệ cao để nâng cao sức hấp dẫn đối với người lao động trình độ cao. Tạo lập hệ sinh thái sáng tạo, kết nôíhoạt động sản xuất, dịch vụ và tổ chức khu lưu trú phù hợp với mô hình sảnxuất mới.
Đối với 04 khu công nghiệp - chế xuất hiện hữu tại các phường Linh Trung, Bình Chiểu và Thạnh Mỹ Lợi, có quy mô diện tích khoảng 280 - 290 ha, khuyến khích chuyển đổi không gian phù hợp với mô hình sản xuất theo hướngứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giảm thiểu tác động tiêu cực tơímôi trường đô thị.
Phát triển 4 trung tâm logistics tích hợp chức năng cảng cạn tại các khu vực cảng hàng hóa, khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp, chế xuất với quy mô khoảng 400 - 450 ha, bao gồm: trung tâm Logistics Long Bình, trung tâm Logistics Cát Lái, trung tâm Logistics Linh Trung, trung tâm Logistics Khu Công nghệ cao; khuyến khích nghiên cứu phát triển chức năng logistics tại Khu Công viên Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, khu đầu mối giao thông, theo nhu cầu phát triển. Quy hoạch hệ thống bến xe ô tô hàng và bến hàng hóa để hỗ trợ cho dịch vụ logistics và sản xuất, kinh doanh, trên địa bàn thành phố Thủ Đức, với quy mô khoảng 120 - 130 ha; tổ chức giao thông vận tải tại các trung tâm logistics, cảng cạn và bến hàng hóa được phân tách với giao thông đô thị và bảo đảm kết nối vận tải đường thủy quốc gia và quốc tế...
Không gian thành phố Thủ Đức được chia thành 09 khu vực phát triển
Quyết định nêu rõ, không gian thành phố Thủ Đức được chia thành 09 khu vực phát triển, cụ thể như sau:
Phân vùng số 1: Thuộc các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Thảo Điền và một phần các phường An Khánh, An Phú; được giới hạn bởi các tuyến: đường Mai Chí Thọ và sông Sài Gòn, Rạch Chiếc. Quy mô diện tích khoảng 1.808 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.500 - 1.550 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 347.000 người.
Tính chất: Là trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực và có vị thế quốc tế; khu đô thị hỗn hợp gắn với cảnh quan sinh thái ngập nước ven sông Sài Gòn; có vai trò không gian kết nối thành phố Thủ Đức với khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh.
Phân vùng số 2: Thuộc phường Hiệp Bình Chánh và một phần các phường Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Tam Bình; được giới hạn bởi các tuyến: đường Võ Nguyên Giáp, Vành đai 2, quốc lộ 1 và sông Sài Gòn. Quy mô diện tích khoảng 2.043 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.760 - 1.810 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 270.000 người.
Tính chất: Là khu trung tâm mới của thành phố gắn với trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại; có vai trò cửa ngõ của thành phố Thủ Đức gắn với bến thủy du lịch tại Trường Thọ và đầu mối quản lý, điều tiết thoát nước mưa.
Phân vùng số 3: Thuộc các phường Linh Tây, Linh Chiểu, Bình Thọ, Linh Trung, Bình Chiểu, Linh Xuân và một phần các phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước; được giới hạn bởi các tuyến: đường Võ Nguyên Giáp - Xa lộ Hà Nội, đường Vành đai 2, quốc lộ 1 và ranh giới hành chính giữa tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Quy mô diện tích khoảng 2.739 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 2.700 - 2.730 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 460.000 người.
Tính chất: Là khu đô thị đô thị hiện hữu gắn với đào tạo và trung tâm sản xuất, dịch vụ trung chuyển.
Phân vùng số 4: Bao gồm phường Long Bình và một phần các phường Tân Phú, Long Thạnh Mỹ; được giới hạn bởi ranh giới với tỉnh Bình Dương, quốc lộ 1, đường nối đường Vành đai 3 với Xa lộ Hà Nội, sông Tắc và sông Đồng Nai. Quy mô diện tích khoảng 2.945 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 2.600 - 2.650 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 300.000 người.
Tính chất: Là trung tâm văn hóa gắn với vui chơi giải trí của Thành phố Hồ Chí Minh; trung tâm công nghiệp cảng và dịch vụ hậu cần cảng gắn với sông Đồng Nai; có vai trò khu vực cửa ngõ phía Đông của thành phố, kết nối với các khu vực đô thị, công nghiệp tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Phân vùng số 5: Thuộc phường Long Phước và một phần các phường Trường Thạnh, Long Trường; được giới hạn bởi các đường Vành đai 3, đường nối Vành đai 3, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sông Tắc, sông Đồng Nai, rạch Ông Nhiêu. Quy mô diện tích khoảng 3.634 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 2.620 - 2.670 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 230.000 người.
Tính chất: Là trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao gắn với nghiên cứu, đào tạo; có vai trò là khu vực cửa ngõ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phân vùng số 6: Thuộc một phần các phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, Bình Trưng Đông, Phú Hữu; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Chí Công, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, rạch Ông Nhiêu và sông Đồng Nai. Quy mô diện tích khoảng 1.724 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.310 - 1.360 ha; đến năm 2040 dân số là 130.000 người.
Tính chất: Là trung tâm dịch vụ cảng, công nghiệp và logistics của Thành phố Hồ Chí Minh và các khu đô thị lân cận.
Phân vùng số 7: Thuộc phường Bình Trưng Tây và một phần các phường: An Khánh, An Phú, Phú Hữu, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Chí Công, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Mai Chí Thọ và sông Sài Gòn. Quy mô diện tích khoảng 1.748 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.480 - 1.530 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 300.000 người.
Tính chất: Là trung tâm thành phố Thủ Đức hiện hữu; không gian kết nối các khu vực động lực của thành phố gồm cảng và trung tâm tài chính Thủ Thiêm.
Phân vùng số 8: Thuộc các phường Phước Long A, Phước Long B, Phước Bình và một phần các phường An Phú, Tăng Nhơn Phú B, Phú Hữu; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 2. Quy mô diện tích khoảng 1.382 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 1.300 - 1.350 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 253.000 người.
Tính chất: Là trung tâm thể dục thể thao của Thành phố Hồ Chí Minh, có vai trò là khu liên hợp thể dục thể thao cấp quốc gia; trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí của thành phố Thủ Đức; khu đô thị phát triển mới đan xen với các khu hiện hữu.
Phân vùng số 9: Thuộc các phường Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B và một phần các phường Phước Long B, Tân Phú, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Long Trường, Phú Hữu; được giới hạn bởi các tuyến Vành đai 2, Xa lộ Hà Nội, đường nối Vành đai 3, Vành đai 3, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô diện tích khoảng 3.135 ha; quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 3.000 - 3.050 ha; dân số đến năm 2040 dự kiến khoảng 350.000 người.
Tính chất: Là trung tâm sản xuất công nghệ cao và các khu đô thị phụ cận.
Chương trình và dự án ưu tiên đầu tư
Phó Thủ tướng yêu cầu bố trí, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, bao gồm: Các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung và giao thông công cộng; dự án xây dựng, phát triển các khu vực trọng điểm tại các phân khu đô thị; dự án, đề án, chương trình phát triển công nghệ cao, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; dự án phát triển các khu TOD, các tổ hợp hỗn hợp với chức năng chính là nghiên cứu, đào tạo, sản xuất công nghệ cao, văn phòng, thương mại dịch vụ, nhà ở…; dự án xây dựng hệ thống công viên công cộng, công viên chuyên đề; dự án cải tạo chỉnh trang, tái phát triển các khu dân cư hiện hữu; dự án phát triển hạ tầng xã hội, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, nhà dưỡng lão, văn hóa, thể dục thể thao, nhà ở xã hội.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, chỉ đạo tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch được duyệt; lưu trữ và lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định pháp luật.
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 (gồm thuyết minh, bản vẽ và quy định quản lý theo Đồ án quy hoạch) theo đúng quy định, gửi Bộ Xây dựng xác nhận và lưu trữ, lưu giữ theo quy định.
Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch chung thành phố Thủ Đức. Tổ chức lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc; rà soát các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm thống nhất và phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 được phê duyệt.
Nguồn lực thực hiện Quy hoạch từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư./.
Theo Baochinhphu.vn
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-21-01-2025-2-5036072.html