Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó đợt rét đậm, rét hại kéo dài
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông.
Công điện nêu: Sáng nay (ngày 07 tháng 02 năm 2025), không khí lạnh mạnh đã ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm nay, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ. Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá; khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm; khu vực từ Quảng Bình đến Huế trời chuyển rét, có nơi rét đậm. Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể kéo dài đến ngày 10 tháng 02 năm 2025, có khả năng ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng; gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác; có khả năng xảy ra mưa dông lốc, sét và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với đợt rét đậm, rét hại kéo dài, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Thừa Thiên Huế trở ra tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống rét đậm, rét hại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 07/CĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2025 và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
a) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân các biện pháp, kỹ năng phòng, chống rét an toàn, hiệu quả.
b) Tổ chức rà soát, kịp thời hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm, cung cấp thuốc men, khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt chú ý các đối tượng người cao tuổi, trẻ em, người lang thang, vô gia cư và các đối tượng yếu thế khác. Tuyệt đối không để người dân đói, rét, đau ốm vì rét mà không tiếp cận được dịch vụ y tế.
c) Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, nhất là gia súc, gia cầm, thủy sản, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo phòng, chống thiên tai, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là gia súc, gia cầm, thủy sản; chỉ đạo kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân phù hợp, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
3. Bộ Y tế chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét an toàn, hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe cho Nhân dân; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi, dự báo, cung cấp kịp thời thông tin về tình hình thời tiết để Nhân dân biết chủ động các biện pháp ứng phó.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng cập nhật thông tin, tăng cường phổ biến, hướng dẫn người dân các biện pháp, kỹ năng phòng, chống rét đậm, rét hại.
6. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện này.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Thay đổi chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ
Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2025/NĐ-CP ngày 4/2/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
Nghị định số 72/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ có hiệu lực từ ngày 15/8/2020. Hiện các chế độ, chính sách của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP áp dụng theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng.
Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng. Do vậy Nghị định số 16/2025/NĐ-CP đã sửa đổi Nghị định 72/2020/NĐ-CP theo hướng nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ để phù hợp với mức lương cơ sở mới.
Tăng mức phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ
Theo đó, Nghị định số 16/2025/NĐ-CP sửa đổi khoản 1 Điều 7 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định về mức phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ.
Theo quy định mới, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được hưởng phụ cấp là 561.600 đồng (quy định cũ là 357.600 đồng).
Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động được hưởng phụ cấp là 514.800 đồng (quy định cũ là 327.800 đồng).
Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động được hưởng phụ cấp là 491.400 đồng (quy định cũ là 312.900 đồng).
Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực được hưởng phụ cấp là 468.000 đồng (quy định cũ là 298.000 đồng).
Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp là 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng 298.000 đồng (theo quy định cũ: Thôn đội trưởng phụ cấp 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng).
Mức phụ cấp đối với Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội là 351.000 đồng (quy định cũ 223.500 đồng).
Mức phụ cấp đối với Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực là 280.800 đồng (quy định cũ 178.800 đồng).
Mức phụ cấp đối với Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng là 234.000 đồng (quy định cũ 149.000 đồng).
Tăng phụ cấp đối với Thôn đội trưởng, dân quân biển...
Nghị định số 16/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 quy định về chế độ phụ cấp đối với Thôn đội trưởng. Theo đó, đối với Thôn đội trưởng, mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng (trước quy định không thấp hơn 745.000 đồng).
Đồng thời, Nghị định số 16/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a, b mục 1 khoản 1 Điều 11 quy định mức trợ cấp và tiền ăn đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế. Theo đó, mức trợ cấp ngày công lao động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 327.600 đồng (trước không thấp hơn 119.200 đồng); trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng (trước quy định không thấp hơn 59.600 đồng).
Trường hợp dân quân thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn; phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở khu vực nguy cơ lây nhiễm cao; cứu sập, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố thảm họa ở khu vực nguy hiểm đến tính mạng theo quyết định của Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp huyện trở lên, mức trợ cấp ngày công lao động tăng thêm không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng.
Nghị định số 16/2025/NĐ-CP quy định mức tiền ăn cơ bản, mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn cơ bản, mức tiền ăn thêm hiện hành các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đối với dân quân biển khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển, Nghị định số 16/2025/NĐ-CP quy định mức trợ cấp ngày công lao động bằng 585.000 đồng (quy định cũ 372.500 đồng); mức tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 234.000 đồng (quy định cũ 149.000 đồng);
Đối với thuyền trưởng, máy trưởng, lái tàu, thợ máy mức hưởng phụ cấp trách nhiệm được tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển, mỗi người, mỗi ngày bằng 187.200 đồng (quy định cũ 119.200 đồng).
Ngoài ra, Nghị định số 16/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực và chế độ bảo hiểm y tế cho dân quân thường trực thực hiện theo pháp luật về bảo hiểm y tế...
Quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
Nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, quản lý, gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
Phạm vi, hình thức giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
Nghị định nêu rõ, toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho doanh nghiệp quản lý đường sắt quốc gia thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao, điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là kết quả của quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước:
- Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án và đối tượng thụ hưởng đó là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm, chủ đầu tư, chủ dự án, ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.
- Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án nhưng đối tượng thụ hưởng đó không phải là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì xử lý như sau:
Nếu đối tượng thụ hưởng là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì sau khi đối tượng thụ hưởng tiếp nhận tài sản, thực hiện việc điều chuyển tài sản từ đối tượng thụ hưởng sang Bộ Giao thông vận tải để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia; việc điều chuyển được thực hiện theo quy định (*) dưới đây.
Nếu đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thì đối tượng thụ hưởng thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp có nhu cầu điều chuyển tài sản sang Bộ Giao thông vận tải để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì thực hiện theo quy định (*) dưới đây.
- Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt không xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao cho doanh nghiệp quản lý hoặc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia về Bộ Giao thông vận tải để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được thực hiện theo quy định về xử lý tài sản là kết quả của dự án sử dụng vốn nhà nước tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định nêu rõ, đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do các đối tượng không phải là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia quản lý mà đối tượng đang quản lý có nhu cầu điều chuyển tài sản về Bộ Giao thông vận tải để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp pháp luật có liên quan chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản thì được áp dụng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định này để quyết định và thực hiện việc điều chuyển tài sản.(*)
Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
Nghị định quy định cụ thể về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Nghị định, các hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bao gồm: Thu hồi tài sản; điều chuyển tài sản; chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý; thanh lý tài sản; xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó, về thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Nghị định nêu rõ, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bị thu hồi trong các trường hợp sau: 1- Khi có sự thay đổi về quy hoạch, phân cấp quản lý; 2- Tài sản đã được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng làm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; 3- Tài sản được giao không đúng đối tượng; 4- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc phạm vi quản lý. Tài sản kết cấu hạ tàng đường sắt thu hồi được xử lý theo các hình thức sau: Điều chuyển; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định.
Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016 - Ảnh Tư liệu
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 7/2/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Thông báo nêu: Để đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho phát triển xanh, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong tình hình mới và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong kỷ nguyên mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của của trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...., Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội đã chỉ đạo tiếp tục triển khai chủ trương xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đây là dự án đặc biệt quan trọng quốc gia, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu triển khai ngay một số công việc sau:
Về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, khẩn trương rà soát, kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo, bổ sung các thành viên là đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan khác, Chủ tịch và Tổng giám đốc các Tập đoàn: Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Về việc thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo,Bộ Công Thương khẩn trương thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để hỗ trợ trong việc theo dõi, đôn đốc công việc, tổ chức các cuộc họp theo yêu cầu, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Tổ giúp việc được Bộ Công Thương bảo đảm về cơ sở vật chất, do một đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp phụ trách với các thành viên bao gồm cả các chuyên gia về điện hạt nhân, làm việc với tinh thần nghiêm túc, chuyên nghiệp, tinh gọn.
Về hoàn thiện quy định pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung bố trí nguồn lực, khẩn trương hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội khóa XV xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp. Nội dung sửa đổi cần bảo đảm phù hợp tình hình mới, cái gì đã rõ, đã chín, được thực tế chứng minh là đúng thì đưa vào luật, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho.
Về cơ chế, chính sách để triển khai dự án, các Bộ, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, triển khai nhanh nhất về các vấn đề như giải phóng mặt bằng, tái định cư, ổn định đời sống người dân, cơ chế tài chính, thu xếp vốn, lựa chọn nhà thầu... để rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, gửi Bộ Công Thương trước ngày 15/02/2025. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét để đề xuất cấp thẩm quyền, trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Trước mắt, ngay trong Kỳ họp bất thường ngày 15/02/2025, Bộ Công Thương trình xin chủ trương và một số cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai ngay.
Về việc thực hiện các dự án, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan báo cáo cấp thẩm quyền để giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia thực hiện đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, phấn đấu hoàn thành công tác đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2030, chậm nhất trước ngày 31/12/2031 để chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 85 năm ngày thành lập nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đàm phán với các đối tác có công nghệ nguồn tiên tiến như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp..., ưu tiên các đối tác truyền thống nhưng vẫn bảo đảm khả năng dự phòng trong mọi tình huống. Trên cơ sở đàm phán với các đối tác, xem xét cập nhật lại quy mô công suất, tổng mức đầu tư... phù hợp với tình hình mới đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về đào tạo nguồn nhân lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương rà soát, huy động lại các nhân lực đã được đào tạo và các nguồn nhân lực có ngành nghề tương tự để có phương án sử dụng hiệu quả, tối ưu nhất, đồng thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 02/2025 xây dựng Kế hoạch đào tạo chuyên sâu bổ sung nguồn nhân lực cần thiết (số lượng, trình độ và chuyên môn) cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực, trong đó cần chú ý người tổng chỉ huy, tổng công trình sư của dự án.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo chuyên môn chung cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ phát triển các dự án điện hạt nhân.
Về vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương rà soát trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, đề xuất gửi Bộ Công Thương tổng hợp trước ngày 15/02/2025. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn cho phép nghiên cứu, xem xét sử dụng nguồn vốn dự phòng năm 2025 hiệu quả để triển khai.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận khẩn trương triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cho cả hai nhà máy điện hạt nhân để hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng của dự án trong năm 2025 cho chủ đầu tư. Đồng thời, khẩn trương kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng sân bay Ninh Thuận; hoàn thành các thủ tục trong năm 2025 theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Tài chính bố trí, cấp đủ vốn để Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận hoàn thành việc di dời và ổn định nơi ở, sinh kế cho người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ trên tinh thần vì lợi ích chung, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Về việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện bổ sung điện hạt nhân Ninh Thuận, bao gồm các đường dây đấu nối đồng bộ và các dự án điện hạt nhân dự kiến khác vào Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9600/VPCP-CN ngày 26 tháng 12 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cần được chuẩn bị kỹ, bảo đảm lợi ích tổng thể quốc gia, công bằng, tiến bộ xã hội, cân đối phù hợp giữa các địa phương, các vùng miền nhưng có ưu tiên bố trí các công trình năng lượng trọng điểm tại các địa bàn khó khăn. Trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền, bảo đảm hoàn thành trước ngày 28 tháng 02 năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu Bộ kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổ chức thẩm định hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian sớm nhất để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định ngay trong tháng 02/2025 báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của Việt Nam theo các tiêu chuẩn của IAEA. Xây dựng kế hoạch cụ thể hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đáp ứng yêu cầu của IAEA.
Về công tác tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chủ động phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tuyên truyền, làm rõ sự cần thiết đầu tư, tính khả thi, bảo đảm an toàn… để người dân hiểu, tạo đồng thuận, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch đồng bộ với tiến độ chuẩn bị đầu tư của dự án.
Theo baochinhphu.vn