'Chị dâu' - câu chuyện gia đình Việt có đủ khóc cười

'Chị dâu' - câu chuyện gia đình Việt có đủ khóc cười
3 giờ trướcBài gốc
Nhiều nghi ngại trước khi Chị dâu khởi chiếu. Đầu tiên là việc diễn viên Khương Ngọc tiếp tục thử sức với vai trò đạo diễn. Dù trước đó anh đã có vài phim nhưng chưa thực sự thuyết phục khán giả. Chị dâu cũng không có nhiều chất liệu để chạy các chương trình quảng bá rầm rộ.
Bộ phim không đầu tư lớn về bối cảnh, đạo cụ, trang phục. Phim chỉ có 1 bối cảnh chính duy nhất là căn nhà từ đường ở vùng quê, và câu chuyện diễn ra xoay quanh cái đám giỗ. Phim không có diễn viên nam chính, toàn bộ là vai phụ. Chỉ có 5 người đàn bà trong 1 ngôi nhà. 5 diễn viên chính từ đầu phim tới cuối phim mỗi người chỉ 1, 2 bộ quần áo.
5 nữ chính trong phim và ê kíp sản xuất. Ảnh: Đoàn phim cung cấp.
Sự đơn giản trong bối cảnh, câu chuyện chính là các yếu tố rất thử thách vì đạo diễn không thể dùng các yếu tố khác để khỏa lấp sự yếu kém nếu kịch bản yếu, đường dây câu chuyện gãy và diễn xuất của diễn viên không đủ giỏi.
Vậy mà Khương Ngọc đã làm được. 90 phút phim trôi qua đầy đủ những giây phút xúc động, lắng đọng, những mâu thuẫn trong gia đình đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào và cũng nhanh chóng tạo sự thư giãn bởi những màn cười duyên dáng.
Điều đầu tiên đạo diễn Khương Ngọc đã làm được rất tốt, đó là kết nối 5 diễn viên nữ để cả 5 tung hứng ăn ý trong suốt 90 phút phim. Một cái đám giỗ ở miền Tây ồn ào ngoài đời ra sao thì lên phim sẽ có màu sắc tương tự, và khán giả hoàn toàn bị cuốn vào câu chuyện gia đình. Mỗi người một bi kịch, nỗi niềm riêng.
Trong đó Việt Hương vào vai chị dâu trong gia đình, chồng mất, để lại vai trò gìn giữ ngôi nhà từ đường, cùng 4 cô em chồng: Hồng Đào – chủ một thẩm mỹ viện có người chồng thuộc cộng đồng LGBT; Lê Khánh – không hạnh phúc vì chưa có con, chồng vô tâm, bài bạc; Ngọc Trinh – kẻ bị xã hội đen truy tìm vì 2 vợ chồng nợ nần; Đinh Y Nhung – người phụ nữ lầm lì chỉ yêu phụ nữ.
Hồng Đào trong vai cô ba. Ảnh: Đoàn phim cung cấp.
Những mảng miếng hài nhất phim đến từ Lê Khánh. Ảnh: Đoàn phim cung cấp.
Cả 5 diễn viên đều làm tốt vai trò của mình như những gì họ đã thể hiện trên sân khấu và màn ảnh từ trước đến nay. Đặc biệt, những mảng miếng hài hước khiến khán giả thoải mái, dễ chịu nhất đến từ sự duyên dáng của Lê Khánh. Sự kết nối của các diễn viên nhiều thế hệ tạo nên một nhịp phim dễ chịu, khiến khán giả tin vào câu chuyện đang diễn ra trên màn ảnh.
Khương Ngọc đã chọn một bối cảnh đám giỗ trong ngôi nhà từ đường ở làng quê, để từ đó, dường như bất kỳ người Việt Nam nào cũng thấy bóng dáng chính gia đình mình, người thân của mình xuất hiện trên màn ảnh. Sự gần gũi với cuộc sống và văn hóa Việt chuyển tải qua một cái đám giỗ, chính là thành công của Khương Ngọc.
Việt Hương trong vai chị dâu. Ảnh: Đoàn phim cung cấp.
Một nhược điểm nhiều phim Việt mắc phải đó là lời thoại thì trong Chị dâu, biên kịch đã làm rất tốt. Thoại rất đời và thật, chạm vào cảm xúc người xem. Diễn viên “chém” câu nào, khán giả đã câu đó.
Chọn phát hành vào dịp Noel để tránh đối đầu với các đối thủ lớn nặng ký trong dịp tết (như phim của Trấn Thành, Thu Trang, Nguyễn Quang Dũng), nhà sản xuất Chị dâu đã có một lựa chọn khá an toàn. Nếu doanh thu của Chị dâu tốt, đó cũng là điều rất gợi cảm hứng cho những nhà làm phim có kinh phí không cao. Tuy nhiên, cũng có một điều đáng lo ngại về doanh thu, đó là phim được đóng nhãn T16, nội dung phù hợp với người trưởng thành, có gia đình, nên sẽ hạn chế phần nào giới trẻ đến rạp xem phim dịp này.
Nhưng hãy cùng chờ đợi xem, Chị dâu của Khương Ngọc, dù có kinh phí sản xuất thấp, có làm nên chuyện vào mùa Noel năm nay?
Trâm Anh
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/chi-dau-cau-chuyen-gia-dinh-viet-co-du-khoc-cuoi-46536.html