Chị Nguyễn Thị Thùy Em (bên trái) báo cáo tiến độ hoạt động của chi hội và vận động hội viên mua bảo hiểm y tế hộ gia đình với Chủ tịch Hội LHPN xã.
Điển hình như chị Nguyễn Thị Thùy Em, sinh năm 1984, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ô Bắp, xã Lương Hòa A không chỉ cần cù, chịu khó, chí thú làm ăn, mà còn tích cực tham gia tốt các phong trào hành động của Hội, đặc biệt chị tích cực vận động hội viên, phụ nữ mua bảo hiểm y tế hộ gia đình đạt chỉ tiêu đề ra, góp phần cùng địa phương thực hiện hoàn thành tiêu chí về y tế.
Chị Nguyễn Thị Thùy Em cho biết: cùng là phụ nữ ấp, nên chị dễ dàng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em cần gì và mong muốn như thế nào. Do đó, mỗi kỳ sinh hoạt lệ hàng tháng chị lồng ghép tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho chị em tiếp cận vốn vay ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn kiến thức về xây dựng gia đình, nuôi dạy con em, cách làm ăn hiệu quả, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Thông qua các cuộc sinh hoạt, tuyên truyền, chị vận động hội viên phụ nữ tham gia mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện và công tác vận động, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình đối với những hộ hội viên thường xuyên xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình. Với vai trò chi hội trưởng của ấp, chị đã giúp không ít gia đình hội viên hạn chế bạo lực gia đình, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Không chỉ làm tốt vai trò trong công tác Hội, chị Thùy Em tích cực lao động sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình. Chị Thùy Em bày tỏ: khởi nghiệp cha mẹ cho 0,8ha đất trồng lúa 03 vụ/năm, nhưng làm lúa thời gian canh tác 03 tháng, thu nhập không ổn định. Vì thế, tranh thủ lúc rãnh rỗi vợ chồng đi làm thuê và tận dụng đất vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang đào ao nuôi cá lóc trên diện tích mặt nước hơn 500m². Mỗi vụ thả nuôi 5.000 con, khoảng 06 tháng thu hoạch lợi nhuận đạt 60 triệu đồng/vụ. Sau đó giá cá lóc không ổn định, chị chuyển sang nuôi cá sặc rằn cho đến nay.
Cùng với đó, chị được Hội LHPN xã hỗ trợ vốn vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi 6.000 con ếch thương phẩm trong ao nhựa (bể nhựa). Ếch nuôi 03 vụ/năm, mỗi vụ nuôi khoảng 03 tháng thu hoạch đạt 0,9 - 01 tấn, giá bán từ 35.000 - 45.000 đồng/kg, lợi nhuận 05 - 07 triệu đồng/vụ/ao. Từ mô hình nuôi ếch thương phẩm của chị Thùy Em đã thu hút các chị em học hỏi, nhân rộng. Đến nay toàn ấp có 04 hội viên phụ nữ cùng tham gia nuôi ếch phát triển kinh tế gia đình. Hướng tới, chị mở rộng mô hình nuôi ếch bằng cách đầu tư ao ương dưỡng con giống, nhằm chủ động nguồn giống, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Sau khi tích lũy vốn, chị mua thêm đất canh tác mỗi năm một ít, đến nay gia đình có 03ha đất trồng lúa 03 vụ/năm, 0,4ha dừa; đồng thời tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch nuôi thêm 02 con bò sinh sản.
Theo chị Thùy Em, với 03ha đất trồng lúa 03 vụ/năm, bình quân lợi nhuận đạt 60 triệu đồng/vụ, riêng vụ lúa hè - thu năm nay nhờ được mùa được giá lợi nhuận cao; giá bán 8.300 đồng/kg, tổng thu nhập 150 triệu đồng, trừ chi phí 80 triệu đồng, lợi nhuận 70 triệu đồng. Nhờ linh hoạt, đổi mới phương pháp làm ăn hiệu quả nên kinh tế gia đình chị Em đã ổn định. Với mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả mang lại lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN