Chi hơn nửa triệu đồng để vuốt ve, chụp ảnh capybara ở TP.HCM dịp Tết

Chi hơn nửa triệu đồng để vuốt ve, chụp ảnh capybara ở TP.HCM dịp Tết
20 phút trướcBài gốc
Nhân dịp các con được nghỉ Tết Nguyên đán, chị Ngọc Ánh (quận Tân Bình, TP.HCM) đưa 3 con đến quán cà phê ở quận 10 để được nhìn thấy capybara (chuột lang nước) ngoài đời. Loài vật này rất thân thiện, còn được gọi vui là “bộ trưởng ngoại giao”.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Ánh cho biết bản thân chi hơn nửa triệu đồng cho trải nghiệm này.
“Giá là 400.000 đồng cho 4 người, cộng thêm nước uống và tiền cỏ cho capybara ăn là hơn nửa triệu đồng. Tôi thấy đây là trải nghiệm đáng tiền và thú vị. Các con tôi rất thích thú khi được vuốt ve và chơi đùa với loài vật này”, chị nói.
Với giá vé 100.000 đồng/người, không bắt buộc khách gọi nước uống, quán cà phê thú cưng ở quận 10 nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ 2 chú capybara được nhập về từ Nam Mỹ vào tháng 6/2024. Đại diện quán cho biết lượng khách đến đây tăng gấp đôi nhờ “bộ trưởng ngoại giao”.
Các con chị Ngọc Ánh được mẹ đưa đến quán chụp ảnh cùng capybara nhân kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Đức An.
Mở cửa xuyên Tết
"Trước đây, quán chỉ đón khoảng 100-200 khách mỗi ngày. Hiện tại, con số này đã tăng lên 300-400 khách, đặc biệt cuối tuần có thể lên đến 500 người. Khi quá đông, chúng tôi phải giới hạn thời gian tương tác với capybara khoảng 15 phút/người", anh Lê Minh Khoa, đại diện quán cà phê có capybara, cho biết.
Shanks gần một năm tuổi, nặng 22 kg và Henry nhỏ hơn, chỉ 6 tháng tuổi, đang sống trong khu vực sân thượng của quán. Đây là không gian được thiết kế đặc biệt với hồ nước và cây xanh, tái hiện môi trường sống tự nhiên của loài chuột lang nước.
Nhân viên quán cho biết Shanks khá “trầm” và ít tương tác với khách, trong khi Henry thân thiện và thích được vuốt ve. Khách đến thăm có thể mua cỏ với giá 20.000 đồng/bó để cho capybara ăn đồng thời chụp ảnh những khoảnh khắc chúng nhai cỏ hay nằm nghỉ.
Ngoài hai chú capybara, quán còn có gần 40 chú chó, mèo thuộc nhiều giống khác nhau như Chow Chow, Samoyed, Golden Retriever và Shiba Inu. Vé vào cửa khu vực chó, mèo là 70.000 đồng/người, còn vé để chơi với capybara là 100.000 đồng/người, chưa bao gồm nước uống.
Đại diện quán cho biết hai chú capybara được nhập về từ tháng 6/2024, giúp quán hút khách gấp đôi so với trước đây. Ảnh: Đức An.
"Trước đây, muốn chơi với Capybara, khách phải đến tận Đà Lạt. Chúng tôi quyết định nhập chúng về TP.HCM với đầy đủ giấy tờ pháp lý và đảm bảo tiêu chuẩn thú y", anh Khoa nói.
Việc chăm sóc capybara không quá phức tạp, thậm chí còn dễ chăm hơn cả chó, mèo.
"Chúng chủ yếu ăn cỏ, bắp và trái cây. Chi phí chăm sóc mỗi tháng khoảng 10-15 triệu đồng. Chúng tôi cũng có bác sĩ thú y túc trực để đảm bảo sức khỏe cho các bé", chủ quán chia sẻ.
Khách đến tham quan được nhân viên quán hướng dẫn cụ thể để đảm bảo an toàn và thoải mái cho capybara. Theo đó, quán khuyến cáo khách không bồng bế hay tác động mạnh lên hai chú chuột lang. Nhân viên luôn túc trực để hỗ trợ và nhắc nhở khách hàng tuân thủ quy định.
Chiều 23/1 (24 tháng Chạp), hơn 50 người, đa số là gia đình có con nhỏ và các bạn trẻ, tới quán cà phê chơi với capybara dịp Tết. Chị Lan Anh, phụ huynh đưa con gái Anh Thư đến đây trải nghiệm, chia sẻ: "Hai mẹ con biết đến quán qua mạng xã hội nhưng khi gặp trực tiếp thì capybara còn ngộ nghĩnh hơn trong ảnh. Con gái tôi rất thích thú khi tự tay cho chúng ăn, đây là trải nghiệm con bé chưa từng thử".
Anh Khoa cho biết quán mở cửa xuyên Tết, khách có thể đến trực tiếp mà không cần đặt vé trước.
Động vật dễ thương giúp nhiều nơi hút khách
Ngoài TP.HCM, Hà Nội và Đà Lạt cũng có quán cà phê capybara và thu hút hàng trăm lượt khách/ngày. Ở Đà Lạt, capybara được thả tự do trong khuôn viên trang trại với hồ nước và vườn cây tự nhiên.
Tháng 1, bộ tứ capybara Phú - Quý - Cát - Tường xuất hiện tại Thảo Cầm Viên TP.HCM cũng giúp nơi này hút khách nhanh chóng. Lượt người tham quan nơi này tăng thêm vài trăm khách/ngày, trong đó nhiều bạn trẻ háo hức đến chỉ để chụp ảnh cùng “bộ trưởng ngoại giao”.
Nhiều bạn trẻ đến Thảo Cầm Viên TP.HCM chỉ để vuốt ve, chụp ảnh cùng "bộ trưởng ngoại giao". Ảnh: Linh Huỳnh.
Tháng 7/2024, vườn thú mở Khao Kheow ở Thái Lan nổi tiếng khắp thế giới nhờ chú hà mã con Moo Deng, nghĩa là “lợn nhảy”. Với biểu cảm ngộ nghĩnh và đôi má hồng đào, chú hà mã lùn sơ sinh nhanh chóng nổi tiếng, xuất hiện trong nhiều chiến dịch truyền thông của ngành thời trang, làm đẹp.
Từ đó, lượng khách tham quan vườn thú Khao Kheow tăng lên 50% từ ngày 1/9 đến 19/9/2024. Doanh thu ở đây cũng tăng đáng kể, nổi bật là số tiền quyên góp 5 triệu baht (150.000 USD) từ doanh nhân Dubai và gần 36.000 baht (1.000 USD) từ nhà đầu tư tiền điện tử trên ETH.
Lý giải về hiện tượng con người bị thu hút bởi hà mã Moo Deng hay “bộ trưởng ngoại giao” capybara, Daniel Kruger - nhà nghiên cứu tâm lý học tiến hóa tại Đại học Michigan (Mỹ) - cho biết đây là bản năng sinh tồn của con người.
“Bản năng làm cha mẹ là một trong những yếu tố phát triển mạnh mẽ dựa trên xu hướng tiến hóa của loài người. Quy luật tự nhiên yêu cầu ta phải bảo vệ con non để duy trì nòi giống”, ông phân tích.
Hà mã Moo Deng giúp vườn thú mở Khao Kheow ở Thái Lan tăng 50% khách tham quan từ ngày 1/9 đến 19/9/2024. Ảnh: Bangkok Post.
Kruger nhắc đến “giản đồ em bé” bao gồm danh sách những đặc điểm kích thích bản năng làm cha mẹ của người trưởng thành. Ví dụ như mắt to, trán rộng, má phúng phính và cơ thể mũm mĩm.
“Bản năng này không giới hạn trong một loài, chúng ta vẫn yêu thích những con vật dễ thương, hà mã Moo Deng hay capybara là ví dụ”, nhà nghiên cứu tâm lý học tiến hóa nói thêm.
Đức An
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/chi-hon-nua-trieu-dong-de-vuot-ve-chup-anh-capybara-o-tphcm-dip-tet-post1526931.html