Anh Triệu Văn Dần (thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) nuối tiếc khi phải chặt bỏ những cây na chết. Ảnh: N.Q.
Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) được nhiều người biết đến là “thủ phủ” của cây na với tổng diện tích trên 2.600 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng trên 2.000 ha, sản lượng năm 2024 đạt khoảng 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ). Cây na đem lại thu nhập ổn định cho khoảng 3.500 hộ dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Vùng đất Chi Lăng được ưu ái bởi có cánh cung Bắc Sơn, dãy núi Cai Kinh với đất trên đá vôi, khí hậu rất phù hợp, giúp cây na phát triển tốt. Quả na nơi đây vì thế rất khác so với các vùng trồng na khác, bao giờ cũng có vị ngọt sắc hơn.
Thế nhưng, thời gian gần đây người trồng na trên núi ở huyện Chi Lăng hết sức lo lắng khi chứng kiến vườn na cứ chết dần.
Chị Hà Hồng Ngọc ở khu Pha Lác, thị trấn Chi Lăng (huyện Chi Lăng) có vườn na gần 2.000 cây trồng trên núi, đến thời điểm giữa tháng 2/2025, số cây na bị chết vào khoảng trên 100 cây, hầu hết là cây na 5-6 năm tuổi.
“Cây na chết lác đác từ đợt cuối năm, sang đến tháng Giêng thì chết hàng loạt. Nhìn vườn na chết khô như cháy rừng, chúng tôi đau xót lắm mà không biết làm cách nào” - chị Ngọc nói.
Cùng cảnh với chị Ngọc, anh Triệu Văn Dần có 3 vườn na ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) cho biết: Gia đình tôi có 600 cây na. Do ảnh hưởng hạn hán kéo dài từ giữa tháng 9/2024 đến nay, đã có khoảng 20% số cây bị chết. Trong đó số cây na bị chết chủ yếu tập trung ở các sườn núi cao, không chủ động được nguồn nước.
Ông Phùng Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, cho biết: Khoảng 5 tháng trở lại đây, tình trạng khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là tình trạng cây na được trồng trên các sườn núi cao bị chết do hạn hán.
Ngay khi nắm được thực trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn nắm bắt tình hình diễn biến cụ thể để kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang đề nghị các xã, thị trấn có thống kê diện tích cây na bị thiệt hại.
Ngoài khô hạn, theo ông Lâm Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, nguyên nhân là năm 2024, gió bão mạnh khiến cho cây na trồng ở sườn núi cao bị nghiêng đổ ảnh hưởng đến rễ cây. Đồng thời khoảng gần 5 tháng nay không có mưa khiến cho những vườn na này càng yếu và chết dần.
Mặc dù chưa có số liệu cụ thể, song theo ghi nhận ban đầu từ các xã, thị trấn, diện tích na chết chủ yếu nằm ở vị trí núi cao của 8 xã, thị trấn. Hiện địa phương khuyến cáo người trồng na ở vị trí thấp, thuận lợi cần triển khai biện pháp bổ sung nước tưới. Đối với diện tích na trên núi cao bị chết, người dân cần chuẩn bị cây giống, phân bón để khi có mưa sẽ trồng bổ sung.
Theo ông Lương Thành Chung - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, bên cạnh những khuyến cáo, giải pháp trước mắt, về lâu dài, các cơ quan chuyên môn cũng như người trồng na trên địa bàn, đặc biệt là trồng ở các khu vực núi cao của huyện cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để cây na thích ứng tốt hơn với điều kiện tự nhiên, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây na.
Nguyễn Quý