Năm 2025, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu cao cho đầu tư công với tổng kế hoạch vốn lên tới gần 900 nghìn tỷ đồng, kỳ vọng tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, báo cáo từ Bộ Tài chính công bố kết thúc quý 1, tỷ lệ giải ngân ước tính mới chỉ đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Bộ Tài chính đã chỉ ra những "nút thắt" chính đang cản trở dòng vốn quan trọng này đồng thời kiến nghị các giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% trong năm nay.
Tạo nguồn lực lớn cho phát triển
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước được Quốc hội và Chính phủ ưu tiên bố trí ở mức cao.
Theo Nghị quyết số 160/2024/QH15 ngày 13/11/2024, Quốc hội đã quyết nghị tổng số vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 là 829.365 tỷ đồng (không bao gồm một số khoản chi đầu tư đặc thù). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 353.638 tỷ đồng (vốn trong nước 329.038 tỷ đồng, vốn nước ngoài 24.600 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương là 475.727 tỷ đồng, riêng vốn dành cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia 25.405 tỷ đồng.
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 cho các bộ, ngành, địa phương là 825.922 tỷ đồng, thấp hơn so với tổng số Quốc hội quyết nghị do còn 3.443 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao chi tiết. Trong số vốn ngân sách Trung ương được giao (350.195 tỷ đồng), có một phần đáng kể (132.323 tỷ đồng) được ưu tiên bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, ven biển và dự án trọng điểm khác.
Bên cạnh kế hoạch được Thủ tướng giao, các địa phương còn giao tăng thêm 50.716 tỷ đồng từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương. Cộng thêm 11.449,7 tỷ đồng vốn các năm trước được phép kéo dài sang năm 2025 (ngân sách Trung ương: 8.518,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 2.931 tỷ đồng ), như vậy tổng nguồn vốn đầu tư công dự kiến triển khai trong năm 2025 lên tới 888.087 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn và thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc sử dụng đầu tư công làm một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhưng đến nay, Bộ Tài chính cho biết tình hình phân bổ vốn thực hiện nhanh nhưng chưa hoàn tất. Cụ thể, tính đến hết ngày 15/3, tổng số vốn đã được các đơn vị phân bổ chi tiết là 814.623 tỷ đồng, đạt 98,63% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Con số này bao gồm cả phần vốn ngân sách địa phương các địa phương giao tăng (nếu chỉ tính trên kế hoạch Thủ tướng giao, tỷ lệ phân bổ đạt 92,5%).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý là vẫn còn 62.015,2 tỷ đồng (chiếm 7,51% kế hoạch Thủ tướng giao) chưa được phân bổ chi tiết. Tình trạng này xảy ra ở 21/47 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương. Trong đó, số vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ là 25.454,8 tỷ đồng và vốn cân đối ngân sách địa phương là 36.560,4 tỷ đồng.
Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Vướng mắc từ thủ tục đến thực thi
Bộ Tài chính nhấn mạnh mặc dù Chính phủ đã yêu cầu tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8/3 về việc các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn năm 2025 chậm nhất vào ngày 15/3/2025, nhưng thực tế vẫn còn một lượng vốn đáng kể chưa được "chốt" địa chỉ cụ thể.
Các nguyên nhân chính được Bộ Tài chính chỉ ra: Nhiều dự án khởi công mới chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; Chờ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn; Chưa được phép kéo dài thời gian bố trí vốn; Dự án ODA chưa ký kết hoặc chờ gia hạn hiệp định vay; Dự án không khả thi, đề xuất lùi thời gian thực hiện; Phải điều chỉnh dự án do sắp xếp, tinh gọn bộ máy; Một số đơn vị đề nghị trả lại vốn do không có nhu cầu.
Bên cạnh đó, những vướng mắc về phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là: Chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; Một số địa phương không còn nhu cầu sử dụng; Đang rà soát lại đối tượng, nội dung hỗ trợ trước khi phân bổ tiếp. Nguồn vốn ngân sách địa phương chưa phân bổ 36.560 tỷ đồng chủ yếu do 16 địa phương giữ lại để phân bổ sau hoặc do dự án chưa hoàn thiện thủ tục, chưa thu được tiền sử dụng đất theo dự toán.
Theo Bộ Tài chính, việc chậm phân bổ này dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng kế hoạch,nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân ngay từ những tháng đầu năm, đặc biệt là đối với các dự án mới cần vốn để khởi động.
Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong quý đầu năm 2025 chưa thực sự khả quan như kỳ vọng. Cụ thể, lũy kế giải ngân đến hết tháng Hai đạt 45.008,6 tỷ đồng, tương đương 5,07% tổng kế hoạch vốn (bao gồm cả vốn kéo dài và vốn địa phương giao tăng). Bên cạnh đó, con số ước tính đến hết ngày 31/3 có mức vốn giải ngân đạt 79.395,3 tỷ đồng, bằng 8,94% tổng kế hoạch.
Nếu xét riêng theo kế hoạch vốn năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính nhấn mạnh vốn giải ngân đến 31/3 đạt 78.712 tỷ đồng, tương đương 9,53% là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 12,27% kế hoạch ).
Bộ Tài chính cho biết tình hình giải ngân có sự phân hóa rõ rệt, cụ thể là 13/47 bộ, cơ quan trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước. Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất tốt (trên 20%) là Đài tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (23,73%), Phú Thọ (35,04), Bắc Kạn (28,85%), Tuyên Quang (28,14%), Hà Nam (25,58%)… Song song với đó, 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân và 16 bộ, cơ quan trung ương cùng 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp dưới 5%. Điển hình là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Phước, Quảng Ninh…
Hiện còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân và 16 bộ, cơ quan trung ương cùng 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp dưới 5%. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ
Tại họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ Tài chính ngày 3/4, ông Lê Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, đã chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong những tháng đầu năm.
Thứ nhất là hạn chế, tồn tại trong cơ chế, chính sách. Ông Dũng nhấn mạnh về các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước. Cụ thể là quy định về lập dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư chưa rõ ràng; Khó khăn trong xác định chi phí quản lý, tư vấn cho dự án không có cấu phần xây dựng (y tế, giáo dục...); Thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn hằng năm (trước 15/11) thiếu linh hoạt; Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công 2024 và Luật sửa đổi Luật Ngân sách chưa ban hành kịp thời. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực, các hướng dẫn về bồi thường, tái định cư còn mới, chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, đã chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong những tháng đầu năm. (Ảnh: Vietnam+)
Theo đó, ông Dũng cho biết Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát, trình cơ quan thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai thực tế.
Thứ hai là vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể, ông Dũng đề cập trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, rà soát lại, có những dự án dù đã hoàn tất bước chuẩn bị, nhưng kiểm tra phát hiện không còn hiệu quả, buộc phải dừng triển khai. Ngoài ra, các khó khăn khác bao gồm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy (theo Nghị quyết 18) làm tạm dừng khởi công mới, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian thẩm định, gián đoạn thanh quyết toán. Công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn (thỏa thuận với dân, xác định nguồn gốc đất). Nguồn cung và giá nguyên vật liệu biến động (đất, cát khan hiếm, giá tăng đột biến) và vướng mắc do chồng lấn quy hoạch khoáng sản mới (Quyết định 866).
Thứ ba là khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương. Theo ông Dũng là một số địa phương vẫn chưa phân bổ được nguồn thu ngân sách. Đặc biệt, nguồn thu từ sử dụng đất ở nhiều nơi chưa đảm bảo dự toán, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bố trí vốn và tiến độ các dự án sử dụng nguồn này.
Ngoài ra, các Chương trình mục tiêu quốc gia còn có những khó khăn riêng, như Thủ tướng chưa phê duyệt điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia Dân tộc thiểu số. Hướng dẫn từ các Bộ, ngành Trung ương chậm, chưa rõ. Bên cạnh đó, tâm lý sợ sai ở địa phương; hạn chế về quỹ đất và định mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thấp so với thực tế.
Trước thực trạng giải ngân chậm, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao độ trong việc tháo gỡ khó khăn. Ông Lê Tiến Dũng thông tin đầu tháng Ba, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 Tổ công tác do 7 Phó thủ tướng làm tổ trưởng với nhiệm vụ trực tiếp làm việc với địa phương, bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc phát sinh. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các khó khăn, báo cáo tới các tổ công tác trong thời gian tới.
Làm rõ thêm định hướng giải pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh muốn đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân cần tiếp tục rà soát Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước cũng như cơ chế kiểm soát, thanh toán, quyết toán nhằm đảm bảo sự thông thoáng, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, hậu kiểm. Theo đó, ông khẳng định quyết tâm của Chính phủ: “Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 Tổ công tác, giao các Phó thủ tướng làm tổ trưởng để trực tiếp tháo gỡ các vấn đề của các dự án đầu tư công, hướng đến mục tiêu năm nay giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất 100%."
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh muốn đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân cần tiếp tục rà soát Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp trọng tâm:
- Tiếp tục thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Công điện 16, Quyết định 523) để thúc đẩy giải ngân số vốn đã phân bổ.
- Thu hồi số vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ sau ngày 15/3/2025 để bố trí cho các dự án cần vốn, đúng theo Nghị quyết 46/NQ-CP.
- Rút kinh nghiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, đặc biệt với các dự án lớn, phức tạp.
- Khẩn trương triển khai thủ tục nhập dự toán Tabmis, thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán nhanh chóng sau khi có khối lượng.
- Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết, rà soát, điều chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án có khả năng hấp thụ tốt.
- Đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách địa phương, nhất là thu tiền sử dụng đất./.
(Vietnam+)