Trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), rất nhiều trường học trên cả nước tổ chức chương trình thi văn nghệ chào mừng ngày truyền thống vô cùng ý nghĩa này. Để có thành tích cao, nhiều lớp không ngại chi ra khoản tiền không nhỏ để thuê biên đạo, dàn dựng, trang phục, hay đồ ăn, nước uống phục vụ cho các em học sinh tập văn nghệ.
Dư luận đã nổ ra các cuộc tranh luận. Nhiều người cho rằng, việc tri ân thầy cô là điều không thể thiếu, nhưng nếu phải chi quá nhiều tiền để đổi lấy một tiết mục văn nghệ không phải là điều cần thiết.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thực tế phải nhìn nhận việc "ưa" hình thức và thành tích vẫn còn tồn tại rất nhiều trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, ngoài mục đích tìm kiếm tài năng thì nhiều nơi vẫn thường tổ chức các cuộc thi với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, không ít những cuộc thi khiến người chơi phải tốn kém về cả thời gian, tiền bạc và công sức.
Học sinh tập văn nghệ để chuẩn bị cho ngày 20/11. Ảnh minh họa.
TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng, vào dịp 20/11, các em học sinh nên thể hiện tấm lòng biết ơn của mình dành cho các thầy cô giáo và cần có một ngày hội nhỏ để học sinh và thầy cô có thể tận hưởng niềm vui và ý nghĩa của ngày lễ này. Tuy nhiên, việc tổ chức thi văn nghệ là điều không thực sự cần thiết, nhà trường nên tổ chức theo hình thức biểu diễn văn nghệ thay vì một cuộc thi.
"Ở góc độ một cuộc thi thì sẽ có sự "tranh giành" giữa các lớp, bởi đã tham gia thi ai cũng muốn có giải, các lớp sẽ phải dồn công sức và tài chính vào nhiều hơn. Điều này cũng ảnh đến thời gian học tập, vui chơi của các em, bởi việc tập luyện văn nghệ thường rơi vào buổi chiều muộn, buổi tối, cuối tuần…", TS. Vũ Thu Hương nói.
TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng, việc thi văn nghệ, thi kéo co, nhảy bao bố… vào những dịp 20/11 dường như đã là truyền thống tại nhiều trường học. Nếu năm nào cũng chỉ diễn ra những hoạt động như vậy thì sẽ rất nhàm chán. Thay vào đó nhà trường có thể triển khai các hoạt động, cuộc thi khác cho các em học sinh.
"Ví dụ như hoạt động cho học sinh thi giảng bài. Thầy cô có thể chọn một vài bạn tiếp thu chậm trong lớp với một số bài giảng để các em "tập" làm thầy cô giáo giảng bài cho các bạn học sinh ở lớp. Hoạt động này sẽ rất hay khi thầy cô chọn một bài học mà học sinh đó chưa hiểu kỹ.
Lúc này các em sẽ phải đầu tư thời gian, công sức để học và hiểu bài kỹ hơn, để sau đó có thể giảng cho các bạn. Điều này sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, lại có thể giúp các em thấu hiểu được sự vất vả của thầy cô, khi giảng mãi mà các bạn không hiểu, hay các bạn mất trật tự, làm việc riêng, quấy phá trong giờ học. Từ đó, học sinh có thể sẽ ý thức lại việc học và cách hành xử, thái độ của mình", TS. Vũ Thu Hương hướng dẫn.
TS. Vũ Thu Hương cũng gợi ý, ngoài hoạt động thi giảng nêu trên, thầy cô cũng có thể tổ chức thêm hoạt động cho học sinh chấm bài. Các em sẽ thay phiên chấm bài cho nhau. Hoạt động này cũng sẽ giúp học sinh củng cố thêm được kiến thức cũng như thêm thấu hiểu công việc của các thầy cô.
Ngoài ra, để ngày 20/11 thêm phần ý nghĩa, các em học sinh cũng có thể tự tay làm nên những món quà để tặng cho thầy cô, như vẽ tranh, tự làm hoa, tự tay viết những lời chúc, trang trí lại lớp học... Kinh phí cho những món quà handmade này sẽ đến từ hoạt động bán giấy vụn của học sinh.
"Chắc chắn những hoạt động này sẽ khiến cảm xúc của các em học sinh được dâng lên. Ngoài niềm vui, trau dồi thêm kiến thức một cách rất tự nhiên, các em cũng sẽ thêm thấu hiểu sự vất vả của thầy cô giáo. Còn với những cuộc thi văn nghệ phải đầu tư quá tốn kém, thì nhà trường, phụ huynh nên hạn chế lại. Có thể thay thế bằng việc chỉ tổ chức các chương trình văn nghệ, không phải dưới hình thức thi đua", TS. Vũ Thu Hương nói thêm.
Quỳnh Mai