Chỉ sau vài ngày bị sốt, người đàn ông 35 tuổi rơi vào nguy kịch do căn bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ

Chỉ sau vài ngày bị sốt, người đàn ông 35 tuổi rơi vào nguy kịch do căn bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ
10 giờ trướcBài gốc
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ tại Viện Y học Nhiệt đới của bệnh viện đang tích cực điều trị cho hai bệnh nhân nguy kịch vì mắc sởi.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam, 35 tuổi, (quê ở Thái Bình cũ, nay là Hưng Yên) nhập viện với triệu chứng sốt phát ban và suy hô hấp. Chỉ sau vài ngày, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch và được chẩn đoán: Sởi biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, viêm cơ tim, suy tim cấp, viêm gan B mạn tính.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Hiện bệnh nhân đang thở máy, an thần sâu, điều trị tích cực với kháng sinh mạnh và miễn dịch tĩnh mạch (IVIG). Đáng nói, bệnh nhân bị viêm cơ tim, một biến chứng hiếm gặp của sởi. Điều này khiến quá trình điều trị càng trở nên phức tạp, tiên lượng hạn chế.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 45 tuổi được đưa đến viện trong tình trạng suy hô hấp. Bệnh nhân được xác định mắc sởi kèm theo viêm phổi nặng và suy hô hấp cấp, hiện cũng đang phải thở máy qua nội khí quản và điều trị hồi sức tích cực. Các bác sĩ đánh giá tiên lượng của bệnh nhân "rất nặng".
ThS.BSNT. Lê Thanh Đạt, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, điểm chung của cả hai trường hợp là không rõ tiền sử tiêm vaccine sởi, không xác định được nguồn lây, là những người trưởng thành trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh mạn tính nặng nề. Cả hai hiện đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Không chủ quan khi mắc sởi
Theo các bác sĩ, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Giai đoạn đầu có thể chỉ là sốt, ho, phát ban, nhưng biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, suy đa tạng... có thể xảy ra rất nhanh, đặc biệt ở những người chưa có miễn dịch, hệ miễn dịch suy giảm, bệnh lý nền.
Điều đáng lo ngại là hiện nay nhiều người lớn không nhớ rõ mình đã từng tiêm vaccine phòng sởi hay chưa, hoặc chủ quan vì nghĩ bệnh chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thực tế lâm sàng cho thấy người trưởng thành hoàn toàn có thể bị mắc sởi và diễn biến bệnh nặng không kém, thậm chí còn phức tạp hơn do biến chứng.
Các chuyên gia khuyến cáo, sởi không phải là bệnh chỉ gặp ở trẻ em mà còn là mối nguy hiện hữu cho cả người lớn và cộng đồng.
Trên thực tế, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều ca sởi người lớn biến chứng nặng, nhiều người có bệnh nền, phụ nữ có thai,.... Một số bệnh nhân có biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, tăng men gan. Nếu không được điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân có thể tử vong.
"Tiêm vaccine phòng sởi là một cách tốt nhất để bảo vệ chính mình và cộng đồng", PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm, sởi không phải là bệnh chỉ gặp ở trẻ em, nó còn là mối nguy hiện hữu cho cả người lớn và cộng đồng, không nên xem nhẹ bệnh sởi với bất kỳ lứa tuổi, đối tượng nào.
Cần kiểm tra lại lịch tiêm chủng của bản thân và người thân mình để có biện pháp bổ sung kịp thời. Những người làm việc trong môi trường đông người, phụ nữ chuẩn bị mang thai, hoặc sống trong khu vực đang có dịch cần chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn.
Hai liều vaccine sởi: Mũi đầu lúc 9 tháng tuổi, mũi nhắc lúc 18 tháng có thể bảo vệ đến 97% người được tiêm. Với người trưởng thành chưa tiêm hoặc chưa rõ đã tiêm hay chưa, hoàn toàn có thể chủ động tiêm bổ sung để phòng bệnh.
N.Mai
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chi-sau-vai-ngay-bi-sot-nguoi-dan-ong-35-tuoi-roi-vao-nguy-kich-do-can-benh-hay-gap-o-tre-nho-172250709094808866.htm