Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố hôm nay 6/1, trong năm 2024 giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới.
Tính đến ngày 31/12/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.659,6 USD/ounce, giảm 0,62% so với tháng 11/2024 do chịu áp lực từ đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng. Trong tháng 12/2024, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0,25% nhưng tín hiệu thận trọng về lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025 đã tác động tiêu cực đến giá vàng, làm giá vàng hạ xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2024.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 1,38% so với tháng trước; tăng 31,07% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,64%.
Bình quân cả năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,64%.
Trong bài phân tích mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cho rằng thị trường vàng năm 2025 sẽ phức tạp hơn khi các nhà đầu tư đánh giá sức khỏe nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những yếu tố như nhu cầu từ ngân hàng trung ương, lạm phát cao, và bất ổn địa chính trị sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, nếu tình hình Trung Đông căng thẳng, nhà đầu tư sẽ tiếp tục trú ẩn vào vàng. Ngược lại, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt (dự báo các chính sách của ông Donald Trump sẽ hướng tới hỗ trợ kinh tế tăng trưởng), dòng tiền có thể chảy ra khỏi vàng và chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Dù giá vàng thế giới diễn biến theo chiều hướng nào, thì theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tình hình quản lý siết chặt thị trường vàng trong nước và diễn biến tỷ giá hiện nay đều không có lợi cho việc đầu tư vàng.
Thông thường, trong chu kỳ giá vàng 10 năm, có 1-2 năm tăng giá mạnh, 1-2 năm sụt giảm, còn lại là đi ngang. Kết thúc năm 2024 là kết thúc 2 năm tăng giá mạnh của vàng. Như vậy, nhiều khả năng giá vàng đang đứng ở vùng đỉnh.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính cho rằng, ngay cả khi khả năng giảm xảy ra, giá vàng cũng sẽ khó rớt sâu, vì cầu từ các tổ chức lớn luôn luôn có sẵn mỗi khi giá giảm, tạo lực đỡ lớn cho kim loại quý này. Nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy khi đầu tư vào vàng trong năm 2025 và phải theo dõi sát diễn biến của thị trường, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, xu hướng cắt giảm lãi suất, động thái mua vào của các “tay to”, diễn biến USD, sự dịch chuyển của dòng tiền trên toàn cầu…
Nhận định về giá vàng, chuyên gia vàng Trần Duy Phương dự báo thiên về xu hướng giảm. Tuy nhiên, thị trường có những thời điểm bứt phá lên mốc 2.800, thậm chí 2.900 USD/ounce nhưng dự đoán là mốc này sẽ không bền vững.
Ông cho rằng, giá vàng thế giới vẫn tăng trong hai quý đầu năm, nhưng đà tăng không mạnh, chỉ tăng khoảng 200-250 USD/ounce so với mức giá đóng cửa năm 2024.
“Giá vàng sẽ tăng lên khoảng 2.900 USD/ounce, khó có khả năng cao hơn. Lý do, các ngân hàng lớn trên thế giới có thể giảm tốc độ cắt giảm lãi suất, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất 1-2 lần, căng thẳng địa chính trị tại nhiều nơi trên thế giới có thể suy giảm hoặc kết thúc... nên giá vàng sẽ mất đi yếu tố hỗ trợ tăng. Từ quý III, quý IV/2025 trở đi, giá vàng có thể suy giảm”, ông Phương nhận định.
Với diễn biến đó, ông Phương dự đoán giá vàng trong nước hai quý đầu năm tới sẽ tăng lên 90 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn và 92-93 triệu đồng/lượng với vàng SJC.
Tuy nhiên, ông lưu ý, có khả năng từ quý III trở đi, giá vàng thế giới chịu áp lực giảm giá thì giá vàng trong nước cũng giảm theo.
Với giá vàng trong nước, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát thị trường vàng miếng SJC và vẫn giữ chương trình bình ổn giá nên sẽ có khó sự bứt phát cho đến khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được sửa đổi.
Đối với vàng nhẫn 99,99 đã có một năm tăng giá rất mạnh, có lúc vượt cả giá vàng miếng SJC. Giá vàng nhẫn chủ yếu biến động theo sát giá vàng thế giới.
"Năm 2025, giá vàng miếng SJC sẽ tiếp tục được kiểm soát một cách chặt chẽ, khó bứt phá còn giá vàng miếng đi theo xu hướng của thế giới. Dù vậy, năm 2024 đã là năm dậy sóng của thị trường vàng nên sẽ khó kỳ vọng kim loại quý sẽ tăng mạnh, nhà đầu tư cần cẩn trọng với vàng" - TS Hiếu dự báo.
Thanh Hoa