Chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ giảm tháng thứ 5 liên tiếp, chạm đáy kể từ đại dịch

Chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ giảm tháng thứ 5 liên tiếp, chạm đáy kể từ đại dịch
8 giờ trướcBài gốc
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Millbrae, Mỹ ngày 13/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ SCMP, ngày 29/4, tổ chức nghiên cứu Conference Board thông báo chỉ số niềm tin tiêu dùng đã giảm 7,9 điểm trong tháng 4, xuống còn 86 – mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Gần 1/3 người tiêu dùng dự đoán hoạt động tuyển dụng sẽ chậm lại trong những tháng tới, gần chạm mức từng ghi nhận hồi tháng 4/2009 khi nền kinh tế Mỹ chìm trong cuộc Đại suy thoái.
Các con số trên phản ánh tâm lý ngày càng bi quan của người dân Mỹ, khi phần lớn trong số họ tin rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng do loạt thuế quan diện rộng mà Tổng thống Donald Trump áp đặt. Theo một khảo sát của Trung tâm AP-NORC, khoảng một nửa số người Mỹ cũng lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của Conference Board, bà Stephanie Guichard, nói trong một tuyên bố: “Cả ba thành tố gồm điều kiện kinh doanh, triển vọng việc làm và thu nhập trong tương lai đều giảm mạnh, phản ánh tâm lý bi quan lan rộng về triển vọng phía trước”.
Các kế hoạch áp thuế của ông Trump đã khiến giới đầu tư lo ngại, làm gia tăng biến động thị trường và kéo tụt niềm tin người tiêu dùng.
Theo bà Guichard, niềm tin vào thị trường tài chính cũng lao dốc, khi 48,5% người tiêu dùng dự đoán giá cổ phiếu sẽ giảm trong 12 tháng tới – tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 10/2011.
Một dấu hiệu đáng lo khác là kỳ vọng lạm phát trung bình trong vòng 12 tháng đã lên tới 7% trong tháng này – mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, thời điểm Mỹ trải qua giai đoạn lạm phát đặc biệt cao.
Nếu kéo dài, kỳ vọng lạm phát cao có thể gây ra vòng xoáy tăng giá, khi các doanh nghiệp tăng giá bán trước vì cho rằng chi phí đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Một chỉ số khác đo lường kỳ vọng ngắn hạn và thị trường việc làm của người Mỹ đã giảm 12,5 điểm xuống còn 54,4 – mức thấp nhất trong hơn 13 năm. Mức điểm này thấp hơn nhiều so với ngưỡng 80, vốn thường là tín hiệu báo trước một đợt suy thoái.
Tâm lý bi quan này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chi tiêu, tuyển dụng và tăng trưởng sẽ rõ hơn trong những ngày và tuần tới.
Ngày 30/4, chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo tăng trưởng kinh tế trong ba tháng đầu năm và các nhà kinh tế tin rằng dữ liệu sẽ cho thấy đà giảm mạnh khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu sau mùa mua sắm cuối năm đầy sôi động.
Đến ngày 2/5, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo mới nhất về tình hình tuyển dụng và tỷ lệ thất nghiệp. Nhìn chung, các nhà kinh tế dự báo báo cáo vẫn cho thấy thị trường lao động tăng trưởng ổn định, song một số dự báo có thể ghi nhận mức giảm mạnh về số việc làm mới.
Sụt giảm nghiêm trọng niềm tin tiêu dùng nhiều khả năng còn phản ánh những biến động lớn của thị trường chứng khoán và trái phiếu trong thời gian gần đây.
Tất cả các nhóm tuổi và hầu hết các nhóm thu nhập đều cho thấy mức độ tin tưởng suy giảm, trong đó nhóm giảm mạnh nhất là các hộ gia đình có thu nhập trên 125.000 USD và nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi từ 35 đến 55.
Dù các thị trường lớn của Mỹ đã phục hồi trong tuần qua, nhưng chỉ số S&P 500 vẫn giảm 6% kể từ đầu năm, Dow Jones mất 5%, còn Nasdaq – chỉ số thiên về các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng – giảm tới 10% trong năm 2025.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/chi-so-niem-tin-tieu-dung-my-giam-thang-thu-5-lien-tiep-cham-day-ke-tu-dai-dich-20250430080408838.htm