Chỉ số SPF trên kem chống nắng có ý nghĩa gì, bao nhiêu là chuẩn?

Chỉ số SPF trên kem chống nắng có ý nghĩa gì, bao nhiêu là chuẩn?
2 ngày trướcBài gốc
Mới đây, Bộ Y tế đã ra quyết định thu hồi và đình chỉ lưu hành toàn quốc sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g) của công ty chồng Đoàn Di Băng do không đạt tiêu chuẩn chất lượng như công bố trên nhãn.
Dù được quảng bá rộng rãi và ghi rõ chỉ số SPF 50 trên bao bì, nhưng qua kiểm nghiệm thực tế, sản phẩm này chỉ đạt SPF 2.4 – gần như không có tác dụng bảo vệ da trước tia UV. Thông tin này khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, đặc biệt trong giai đoạn nắng nóng cao điểm như hiện nay.
SPF bao nhiêu là an toàn?
Ánh nắng mặt trời chứa các tia tử ngoại (UV) gồm tia UVA và UVB, là nguyên nhân chính gây tổn thương da. Tia UVB chủ yếu gây cháy nắng, còn tia UVA thâm nhập sâu vào lớp hạ bì, phá hủy collagen, elastin khiến da lão hóa sớm, mất đàn hồi. Cả hai loại tia đều có thể làm tổn thương DNA của tế bào da, tăng nguy cơ ung thư da.
Ảnh minh họa/Nguồn: Health
Chỉ số SPF (Sun Protection Factor) là một thông số đo lường khả năng chống tia UVB. Chỉ số SPF trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Theo định mức quốc tế thì 1 SPF có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút. Ví dụ kem chống nắng có chỉ số SPF là 15 sẽ có khả năng bảo vệ làn da trong khoảng 150 phút, kem chống nắng có chỉ số SPF 50 có thể bảo vệ da trong 500 phút.
Theo Tổ chức Ung thư Da (The Skin Cancer Foundation), SPF tối thiểu nên là 30, có thể ngăn được khoảng 97% tia UVB. Trong khi đó, SPF 50 có thể chặn được khoảng 98% tia UVB.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng khuyến cáo: Kem chống nắng đạt tiêu chuẩn phải có khả năng ngăn chặn đồng thời tia UVA và UVB, nhằm hạn chế nguy cơ bỏng nắng, tổn thương DNA và lão hóa sớm.
Tác hại khi sử dụng kem chống nắng kém chất lượng hoặc có chỉ số SPF thấp
Theo chuyên trang sức khỏe Health, khi sử dụng kem chống nắng không đạt chuẩn, da sẽ bị phơi nhiễm nhiều hơn với tia UV, đặc biệt là tia UVB và UVA, hai tác nhân chính gây cháy nắng, bỏng rát da ngay sau vài giờ phơi nắng.
Điều này gây tình trạng lão hóa da sớm. Các tia UV trong ánh nắng mặt trời có thể phá hủy collagen và elastin – hai thành phần then chốt duy trì độ đàn hồi và săn chắc của da. Khi không được bảo vệ hiệu quả, làn da dễ dàng hình thành nếp nhăn, sạm màu và trở nên chảy xệ.
Không chỉ dừng lại ở việc làm xấu làn da, kem chống nắng kém chất lượng còn làm tăng nguy cơ ung thư da. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc lâu dài với tia cực tím mà không có lớp bảo vệ hiệu quả có thể dẫn đến tổn thương DNA tế bào, từ đó hình thành các loại ung thư da như ung thư biểu mô tế bào đáy, tế bào vảy.
Một tác hại khác không thể bỏ qua là tình trạng kích ứng da. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chứa thành phần hóa học độc hại như oxybenzone, paraben, hoặc hương liệu tổng hợp dễ khiến da bị nổi mẩn, ngứa rát hoặc viêm da tiếp xúc.
Với những người đang điều trị nám, tàn nhang hoặc có da nhạy cảm, kem chống nắng không chỉ là sản phẩm hỗ trợ mà là điều kiện bắt buộc. Dùng sản phẩm kém chất lượng có thể gây tái phát hoặc làm nặng thêm tình trạng sắc tố vì tia UVA xuyên sâu kích thích tế bào sản xuất melanin. Cạnh đó, nó còn làm kích ứng, viêm da, ngứa, châm chích, đặc biệt nếu sản phẩm chứa cồn, hương liệu hoặc chất chống nắng không ổn định. Phá hỏng hiệu quả của thuốc điều trị, ví dụ hydroquinone, tretinoin dễ bị phân hủy bởi ánh sáng nếu không có kem chống nắng tốt đi kèm.
Ảnh minh họa/Nguồn: Getty
Những chỉ số cần chú ý khi mua kem chống nắng
SPF chỉ là chỉ số chống tia UVB trong khi một loại kem chống nắng tốt thì chỉ số chống tia UVA cũng rất quan trọng. Vì vậy, ngoài chỉ số SPF, người tiêu dùng cũng cần chú ý đến các thông số khác của sản phẩm.
Chỉ số PA
PA (Protection Grade of UVA) là chỉ số đo khả năng chống lại tia UVA – "thủ phạm" gây ra nếp nhăn, nám, tàn nhang, lão hóa...
Đặc biệt, dù trời nắng hay mưa, tia UVA đều xuất hiện. UVA có bước sóng từ 320nm đến 400nm, có thể đâm xuyên qua cửa kính nên khi trời mưa hoặc ở trong nhà, gần cửa kính, mọi người vẫn nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da.
Các mức PA hiện nay gồm:
- PA+: Chống tia UVA khoảng 40–50%
- PA++: Khoảng 60–70%
- PA+++: Lên đến 90%
- PA++++: Trên 95%
Chỉ số PPD
Một chỉ số khác ít được chú ý nhưng rất quan trọng là PPD (Persistent Pigment Darkening), thường được sử dụng ở các sản phẩm kem chống nắng tại Mỹ và châu Âu. Chỉ số này phản ánh khả năng ngăn tia UVA gây ra hiện tượng sạm da.
- PPD 2: Chống khoảng 50% tia UVA
- PPD 4: Chống khoảng 75%
- PPD 8: Khoảng 87%
- PPD 16: Hơn 93%
Theo các chuyên gia da liễu, để bảo vệ da tối ưu, người tiêu dùng nên chọn kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên, PA+++ hoặc PPD từ 8 trở lên. Với những người tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên hoặc đang treatment da, nên ưu tiên các loại kem chống nắng có SPF 50, PA++++ hoặc PPD từ 16 trở lên.
Phương Anh
Nguồn Gia Đình VN : https://giadinhonline.vn/chi-so-spf-tren-kem-chong-nang-co-y-nghia-gi-bao-nhieu-la-chuan-d206213.html