Chỉ tán thán 'giới hạnh' thôi là chưa đủ

Chỉ tán thán 'giới hạnh' thôi là chưa đủ
3 giờ trướcBài gốc
Nội dung bài được trích từ Đại kinh Sakuludaỳi (Mahàsakuludaỳin sutta), kinh Samanamandikà (Samanamandikàputta sutta) thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya)kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ kinh (Digha Nikaya).
Trong các bài kinh này, Thế Tôn giảng về thực trạng con người chỉ nhìn vào một phương diện nào đó, hình thức giữ Giới được thể hiện qua đời sống cơ bản và sau đó quyết định bản chất con người, tu sĩ, hoặc một hiện tượng chỉ qua góc nhìn của cá nhân, có thể dẫn tới sai lầm.
Điểm cốt lõi chính là sự thanh lọc trọn vẹn của tâm, giải thoát tham, sân, si.
Ảnh minh họa thiết kế bởi AI
Phần I. Chỉ tán thán giới hạnh, là chưa toàn hảo
1. Du sĩ ngoại đạo đưa ra 5 pháp giữ Giới mà nhờ đó, thế gian tôn trọng, cung kính đức Thế Tôn
(1) Thế Tôn ăn ít, tán thán hạnh ăn ít
(2) Thế Tôn biết đủ với bất cứ loại y nào, tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào
(3) Thế Tôn biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào, tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào
(4) Thế Tôn biết đủ với bất cứ sàng tọa nào, tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào
(5) Thế Tôn sống viễn ly, tán thán hạnh sống viễn ly
Đức Thế Tôn khai thị
(1) Nếu các vị đệ tử tôn trọng, cung kính đức Thế Tôn vì hạnh ăn ít và tán thán ăn ít, như vậy có những vị đệ tử của Thế Tôn chỉ ăn với nửa bát, nửa trái cây, khi thấy Thế Tôn có khi ăn nhiều hơn như vậy thì sẽ không còn cung kính, tôn trọng Thế Tôn nữa.
(2) Nếu các vị đệ tử tôn trọng, cung kính đức Thế Tôn vì hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào, tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào, như vậy có những vị đệ tử của Thế Tôn mặc y thô xấu, mặc y nhặt từ bãi tha ma, bãi rác, khi thấy Thế Tôn có khi mặc y được cúng dường đẹp đẽ thì sẽ không còn cung kính, tôn trọng Thế Tôn nữa.
(3) Nếu các vị đệ tử tôn trọng, cung kính đức Thế Tôn vì hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào, tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào, như vậy có những vị đệ tử của Thế Tôn chỉ ăn đồ ăn xin được trong bát khất thực, chỉ đi khất thực từng nhà một, dù được mời ngồi cũng không ngồi, khi thấy Thế Tôn có khi nhận đến ăn những chỗ được mời, ăn các thứ gạo, cháo, các loại canh, các loại trợ vị,... thì sẽ không còn cung kính, tôn trọng Thế Tôn nữa.
(4) Nếu các vị đệ tử tôn trọng, cung kính đức Thế Tôn vì hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào, tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào, như vậy có những vị đệ tử của Thế Tôn sống dưới gốc cây, sống ngoài trời, sống nhiều tháng không có mái che nào, khi thấy Thế Tôn có khi sống dưới những ngôi lầu có gác nhọn, có các cửa sổ, được che chắn gió, mưa, được then chốt thì sẽ không còn cung kính, tôn trọng Thế Tôn nữa.
(5) Nếu các vị đệ tử tôn trọng, cung kính đức Thế Tôn vì hạnh sống viễn ly, tán thán hạnh sống viễn ly, như vậy có những vị đệ tử của Thế Tôn sống ở nơi trú xứ xa vắng như rừng núi, có khi tới nửa tháng mới trở về giữa tăng chúng đọc tụng giới bổn, khi thấy Thế Tôn có khi sống vây quanh bởi các cư sĩ nam, nữ, quốc vương, đại thần, ngoại đạo thì sẽ không còn cung kính, tôn trọng Thế Tôn nữa.
2. Không làm ác nghiệp thân, không nói lời ác, không ác tư duy, không nếp sống ác cũng chưa thành người tối thượng
Trong kinh Samanamandikà (Samanamandikàputta sutta), một du sĩ ngoại đạo nêu lên chủ trương rằng một người thành tựu 4 pháp sau đây, người đó sẽ được tối thắng, tối thượng
(1) Không làm ác nghiệp về thân
(2) Không nói lời ác
(3) Không tư duy ác
(4) Không sinh sống bằng nếp sống ác
Đức Thế Tôn khai thị
Nếu sự thực là vậy, một đứa con nít còn bé, nhờ sự vô tri của nó mà sẽ trở thành người tối thượng, vì nó không biết làm ác, không biết nói ác, không biết tư duy ác, không biết sinh sống nếp sống ác.
Đứa bé con nít chỉ biết bập bẹ, chỉ biết bú sữa mẹ, nằm ngửa, chỉ biết quơ tay quơ chân.
Nhìn chung, sự thành tựu giới hạnh phải do một người có sự rèn luyện, biết phân định tốt, xấu, nhân quả, có tri kiến.
Phần II. Giới hạnh phải đi cùng trí tuệ
1. Giới hạnh như lớp vỏ cây, cần có trí tuệ làm lõi
Nếu một cái cây chỉ có lớp vỏ, như vậy có thể sụp đổ bất kì lúc nào, bất kể lớp vỏ đó đẹp đến đâu.
Thành tựu tiểu giới, trung giới, đại giới với trí tuệ
Tiểu giới: Xa lìa điều ác
Từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ dâm dục, từ bỏ nói dối, từ bỏ nói hai chiều, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói sai thời, từ bỏ làm hại tới các hạt giống, từ bỏ ăn uống phi thời, từ bỏ xem múa, hát, hưởng thụ, từ bỏ sử dụng dầu thơm, trang sức, lụa là, giường cao đẹp, từ bỏ nhận của cải, từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà, từ bỏ làm môi giới đàn bà, đàn ông, từ bỏ gian lận buôn bán.
Trung giới: Sống thanh cao, xa lìa lợi dưỡng thế gian nếu tâm còn ô nhiễm
Sa môn khác nhận lợi dưỡng, bố thí thế gian nhưng vẫn làm hại các hạt giống cây cối, vẫn cất trữ tài sản, đồ ăn, vẫn đi xem múa, hát, vẫn đánh bài, vẫn ngủ giường to lớn, vẫn dùng mỹ phẩm, trang sức, vẫn nói các chuyện vô ích, vẫn lừa dối, nói lời nịnh bợ, dèm pha, mưu cầu; còn Sa môn Gô – ta – ma thì không còn như thế
Đại giới: Nuôi mạng thanh tịnh, chân chính không lợi dụng năng lực để trục lợi
Có những vị sa môn khác tuy nhận bố thí, lợi dưỡng của thế gian nhưng vẫn hành những nghề như xem tướng, bói toán, xem tay, chiêm tinh, xem bói, đoán trước, lựa ngày, lựa giờ, sử dụng các trò ảo thuật để kiếm tiền, nuôi tà mạng, còn Sa môn Gôtama thì không như thế.
Sự thuyết giảng của Thế Tôn
Khi thuyết giảng, Thế Tôn thuyết những điều “Ta biết, Ta thấy, Ta chứng ngộ” với thắng trí, chứ không phải không biết, thuyết với sự phù hợp nhân duyên, chứ không phải không nhân duyên, thuyết với sự phù hợp khả năng đón nhận, chứ không phải không.
2. Con đường đi tới vô niệm
Sự thành tựu của một người tối thắng phải là người sáng tỏ cái biết, đạt tới trạng thái hoàn toàn thuần tịnh
Một người phải biết thế nào là bất thiện giới? Là thân nghiệp, khẩu nghiệp bất thiện, nếp sống bất thiện gây hại mình, hại người, hại chúng sinh, những pháp này là bất thiện giới.
Một người phải biết bất thiện giới này sinh khởi thế nào? Là từ tâm sinh khởi, tâm có nhiều loại, có tâm tham, tâm sân, tâm si.
Một người phải biết những bất thiện này từ đâu mà bị diệt trừ, và thực hành thế nào để đưa đến sự diệt trừ? Chính là sự tinh tấn, nỗ lực, quyết tâm cho các bất thiện giới hại mình, hại người, hại chúng sinh chưa khởi không cho khởi, đã khởi bị diệt trừ, những pháp thiện giới chưa sinh làm cho sinh, đã sinh làm tăng trưởng.
Một người phải biết thế nào là thiện giới? Là thân nghiệp, khẩu nghiệp, nếp sống thiện không hại mình, không hại người, không hại chúng sinh, những pháp này là thiện giới.
Một người phải biết những thiện giới này sinh khởi thế nào? Là từ tâm sinh khởi, tâm có nhiều loại, có tâm không tham, tâm không sân, tâm không si.
Một người phải biết những thiện giới này từ đâu mà bị diệt trừ, thực hành thế nào để đưa đến sự diệt trừ? Chính là người có đạo đức và không còn chấp trước “giới”, hiểu rõ thông tuệ “giới” để làm gì, vì sao cần “giới”, bối cảnh nào xuất hiện “giới” nào, không bị “giới cấm thủ”, người này như thật tuệ tri đạt vào tâm giải thoát.
Một người phải biết thế nào là bất thiện tư duy? Là dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy gây hại mình, hại người, hại chúng sinh, những pháp này là bất thiện tư duy.
Một người phải biết bất thiện tư duy sinh khởi thế nào? Là từ tưởng sinh khởi, tưởng có nhiều loại, có dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng, những tưởng này sinh khởi bất thiện tư duy.
Một người phải biết những bất thiện tư duy từ đâu mà bị diệt trừ, và thực hành thế nào để đưa đến sự diệt trừ? Chính là sự tinh tấn, nỗ lực, quyết tâm cho các bất thiện tư duy hại mình, hại người, hại chúng sinh chưa khởi không cho khởi, đã khởi bị diệt trừ, những pháp thiện giới chưa sinh làm cho sinh, đã sinh làm tăng trưởng.
Một người phải biết thế nào là thiện tư duy? Là ly dục tư duy, ly sân tư duy, ly hại tư duy, tư duy không hại mình, không hại người, không hại chúng sinh, những pháp này là thiện tư duy.
Một người phải biết những thiện tư duy này sinh khởi thế nào? Là từ tưởng sinh khởi, tưởng có nhiều loại, có ly dục tưởng, vô sân tưởng, bất hại tưởng, những tưởng này sinh khởi thiện tư duy.
Một người phải biết những thiện tư duy này từ đâu mà bị diệt trừ, thực hành thế nào để đưa đến sự diệt trừ? Chính là người đã diệt trừ toàn bộ bất thiện tư duy, các bất thiện tư duy không còn năng lực tái sinh, chưa sinh không được sinh, khiến các thiện pháp không còn có mơ hồ, không còn yếu ớt, được quảng đại, được viên mãn.
3. Mục đích là sự định tĩnh tuyệt đối của tâm, không phải là sự bác bỏ “thiện giới”
Sự định tĩnh tuyệt đối của tâm, là dùng thiện giới để diệt trừ bất thiện giới, sau đó vượt thoát cả thiện pháp, vì thiện tư duy cũng chỉ là một hành tướng của ý thức gây ra sự dao động tâm, tâm còn nghĩ về thiện tư duy là vẫn còn dòng suy nghĩ tiền đề để lập nên sự phân biệt.
Đi sâu vào tâm của chính mình, nhất tâm một cách trọn vẹn
Sau khi đi sâu vào tâm, biết như sau: "Tâm tham biết là tâm tham; tâm không tham, biết là tâm không tham. Tâm sân, biết là tâm sân; tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm si, biết là tâm si; tâm không si, biết là tâm không si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú; tâm không chuyên chú, biết là tâm không chuyên chú. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm thiền định, biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết là tâm không thiền định. Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát".
Kết luận
Đức Thế Tôn giảng con đường hành trì để đoạn tận mọi tưởng, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại với vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nhờ những pháp được diễn giải qua con đường tu tập mà Thế Tôn được sự cung kính, tôn trọng của các vị đệ tử.
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ kinh (Digha Nikaya)
2.Đại kinh Sakuludaỳi (Mahàsakuludaỳin sutta) thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya)
3. Kinh Samanamandikà (Samanamandikàputta sutta) thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya)
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chi-tan-than-gioi-hanh-thoi-la-chua-du.html