Chỉ tập trung tăng thuế với thuốc lá thì chưa đủ, cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả các công cụ

Chỉ tập trung tăng thuế với thuốc lá thì chưa đủ, cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả các công cụ
3 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai) phát biểu ý kiến về Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá. Đại biểu đồng tình với việc điều chỉnh tăng thuế đối với thuốc lá, tuy nhiên cần xem xét mức tăng, lộ trình phù hợp và không nên chỉ tập trung vào việc tăng thuế mà cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các công cụ đang có.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu ý kiến tại hội trường Quốc hội chiều ngày 27-11.
Sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần nhưng chưa đủ
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng nêu, với mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc (không phải cấm) và bảo vệ sức khỏe người dân, nước ta đang áp dụng đồng thời các công cụ gồm: thuế, chống mua bán thuốc lá bất hợp pháp, các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá (thông qua Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá).
Về thuế, năm 1999 bắt đầu áp dụng thuế TTĐB với mức 45%, tăng dần cho đến năm 2019 là 75% và duy trì đến nay. Trong đó, từ năm 2016, mức tăng tại mỗi lần điều chỉnh chỉ 5% và khoảng thời gian giữa các lần tăng từ 3 đến 4 năm.
Đại biểu đánh giá đây là mức tăng và lộ trình phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ngành sản xuất thuốc lá có đủ thời gian để chuẩn bị, hoạch định được chiến lược và chính sách phù hợp, sản xuất ổn định, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước.
Về việc chống mua bán thuốc lá bất hợp pháp, theo số liệu của Bộ Công thương, từ năm 2019 đến tháng 10-2024, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với thuốc lá lậu khoảng 48 tỷ đồng, số lượng tịch thu trong năm cao nhất là gần 700 ngàn bao thuốc lá các loại. Kết quả này còn khá ít ỏi so với thực trạng của thuốc lá lậu. Riêng năm 2023 đã có khoảng 540 triệu bao thuốc lá nhập lậu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, gây thất thu thuế TTĐB gần 4 ngàn tỷ đồng.
Về tình hình sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, theo Báo cáo kiểm toán số 1081 của Kiểm toán nhà nước, nguồn thu của Quỹ tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, từ năm 2019, quyết toán cho việc sử dụng Quỹ đạt kết quả thấp, chỉ đạt 30% so với tổng thu bình quân và đang giảm dần.
Năm 2023 chỉ quyết toán được 17% so với số thu, tồn Quỹ giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023 rất lớn, hơn 2.174 tỷ đồng, đại biểu dẫn số liệu và đánh giá hiệu suất hoạt động, kết quả đạt được còn hạn chế, chưa thực sự phát huy được nguồn lực của Quỹ.
“Từ thực tế triển khai của 3 công cụ vừa nêu trên, có thể thấy việc sửa đổi thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần nhưng chưa đủ. Chúng ta phải xem xét đồng thời các công cụ đang có để phát huy hiệu quả từng công cụ, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra”, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị.
Lo ngại nhiều nguy cơ và tác động tiêu cực khi thuế tăng cao đột ngột
Dự thảo lần này đang đề xuất bổ sung thuế TTĐB tuyệt đối với mức tăng ở cả 2 phương án là từ 20% đến 100% mỗi năm và tăng liên tục hàng năm, trong khi mức tăng tổng cộng của 20 năm (từ 1999 - 2019) chỉ có 30%. Như vậy, mức tăng và lộ trình tăng trong Dự thảo là quá nhanh và dồn dập, chưa từng có tiền lệ và chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, thậm chí có thể tạo ra nhiều tác động tiêu cực và hệ lụy.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, việc áp dụng mức thuế tuyệt đối ngay từ khi điều chỉnh lần này không nên đột ngột và mỗi lần tăng phải có khoảng cách thời gian ít nhất là 2 - 3 năm (như đã thực hiện trong giai đoạn trước đây), bởi các lý do như sau:
Thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Các doanh nghiệp này đang tạo việc làm, thu nhập cho 11.000 lao động và trung bình mỗi năm đóng thuế TTĐB 18.000 tỷ đồng; đóng góp vào Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá 500 tỷ và Quỹ bảo vệ môi trường 260 tỷ. Chưa kể lợi nhuận sau thuế mà các đơn vị này phân chia cho đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước theo luật định.
Với việc gia tăng thuế đột ngột và lộ trình ngắn, các doanh nghiệp thuốc lá trong nước sẽ suy giảm sức cạnh tranh, không ứng phó kịp với sự thay đổi về chiến lược. Nguồn thu ngân sách Nhà nước sẽ không được bền vững và có nguy cơ thu hẹp do các doanh nghiệp này giảm sức chiến đấu khi cùng lúc chịu nhiều áp lực từ thuế, thuốc lá bất hợp pháp và giá nguyên phụ liệu gia tăng hàng năm.
Mặt khác, khi thuế tăng dẫn đến sản lượng tiêu thụ và kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư vốn và lãng phí tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp thuốc lá. Đây cũng là một sự lãng phí rất lớn, trong khi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đang chống lãng phí theo thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngoài ra, hơn 90 ngàn nông dân trồng nguyên liệu thuốc lá tại các vùng chuyên trồng như Gia Lai, Đắk Lắk, Cao Bằng cũng bị ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến ảnh hưởng an sinh xã hội và an ninh tại các địa phương này.
Thứ hai, khi tăng mạnh thuế đối với thuốc lá hợp pháp thì thuốc lá nhập lậu với lợi thế về giá và lợi nhuận quá cao (do không phải đóng thuế phí) sẽ càng có cơ hội phát triển mạnh. Thực tiễn tại nhiều nước như Úc, Malaysia, Indonesia, Philippines và một số nước Âu Châu, lượng thuốc lá nhập lậu đã tăng gấp hơn 2 lần sau khi tăng thuế “sốc” với thuốc lá.
Hiện nay, các nước có cùng biên giới với Việt Nam không có chính sách kiên quyết như tại Việt Nam; đường biên giới của chúng ta trải dài hơn 4,6 ngàn km và việc quản lý, việc phòng chống thuốc lá lậu trong thời gian qua đã có nhiều thành tích nhưng vẫn chưa hữu hiệu... Các yếu tố này cộng hưởng với mức thuế tăng quá cao sẽ làm tình trạng nhập lậu thuốc lá diễn biến phức tạp hơn.
“Do đó, mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá sẽ khó đảm bảo khả thi vì người tiêu dùng vẫn có cơ hội sử dụng thuốc lá lậu với giá cả cạnh tranh hơn rất nhiều, dù chất lượng và thành phần trong thuốc lá lậu không được kiểm định, kiểm soát. Từ đó, sẽ làm tăng nguy cơ tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng và trầm trọng thêm các vấn đề về y tế công cộng, an ninh trật tự, xã hội và môi trường”, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng bày tỏ quan ngại.
Từ những phân tích trên, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị cần xem xét, cân nhắc, đánh giá tác động toàn diện để có lộ trình và mức tăng thuế phù hợp đối với thuốc lá. Đồng thời, cần có các biện pháp áp dụng đồng bộ và hữu hiệu các công cụ, không nên chỉ tập trung vào việc tăng thuế TTĐB.
P.V
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/chi-tap-trung-tang-thue-voi-thuoc-la-thi-chua-du-can-thuc-hien-dong-bo-va-hieu-qua-cac-cong-cu-80c6835/