Kỳ 1: Nhân lên những bản làng hạnh phúc
Từ đói nghèo đến làm giàu chính đáng
Theo chân anh Hà Văn Soái, người dân tộc Thái sống ở Bản Mé, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La lên thăm đồi cà phê rộng gần 2 ha, anh Soái kể cho chúng tôi nghe về những thay đổi của Bản Mé một cách đầy tự hào. Trước đây, người dân Bản Mé chủ yếu sống dựa vào việc trồng cây ngô, cây sắn. Quanh quẩn trồng trọt cả năm mà nhiều hộ vẫn còn chịu cảnh đói. Hơn 10 năm trước khi biết tới cây cà phê có giá trị kinh tế cao lại được NHCSXH huyện Mai Sơn cho vay vốn, một hộ, hai hộ rồi cả bản đã truyền tai nhau cùng trồng cà phê. Đến nay, cà phê đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân Bản Mé. Những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên san sát nhau, trẻ em vui vẻ đến trường, được học hành đầy đủ, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Anh Hà Văn Soái từ nghèo đói vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương
Như gia đình anh Soái, với số vốn 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 2 ha cà phê. Bản tính cần cù, chăm chỉ, với quyết tâm không để đói, nghèo đeo bám gia đình, anh Soái đã thành công phát triển cây cà phê đem lại doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo mà gia đình anh còn làm giàu chính đáng trên chính quê hương của mình. Trong những vụ mùa thu hoạch, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong bản khi thuê nhân công hái cà phê với chi phí 300-350 nghìn đồng/người mỗi ngày.
Khi đã có của ăn của để, anh Soái trở thành tổ trưởng tổ vay vốn tại bản để tiếp tục đem đồng vốn của Chính phủ tới với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với 55 tổ viên, anh Soái cho biết chủ yếu bà con sử dụng nguồn vốn để trồng và chăm sóc cây cà phê. Nhờ dòng vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình đã thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá giả. “Hiện còn hai hộ nghèo trong tổ đã vay vốn của ngân hàng chính sách, tôi tin rằng với sự hỗ trợ của nguồn vốn này cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương, bà con trong bản, chỉ trong 1,2 năm họ sẽ thoát nghèo”, anh Soái chia sẻ.
Theo ông Cầm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, hiện nay, dư nợ của NHCSXH trên địa bàn xã là hơn 47 tỷ đồng với 25 tổ tiết kiệm vay vốn, gần 800 hộ vay còn dư nợ. Trong thời gian qua nhờ điểm tựa từ nguồn vốn chính sách, toàn xã Chiềng Chung đã phát triển trồng cây cà phê, đưa cây cà phê trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Hiện toàn xã có 300 ha cà phê chất lượng cao trên tổng số 700 ha cà phê, ngoài ra bà con cũng chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng cây ăn quả xen kẽ. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm 2%, hiện chỉ còn 7% hộ nghèo. Ông Quân cho biết, Chiềng Chung đang trên hành trình phấn đấu đạt danh hiệu nông thôn mới, hiện đã đạt 11/19 tiêu chí. Trên chặng đường này, lãnh đạo xã đánh giá nguồn vốn từ NHCSXH sẽ là động lực rất lớn giúp đổi thay cuộc sống của bà con.
Thay “áo mới” cho huyện nghèo
Cách Mai Sơn hơn 60 cây, đoàn chúng tôi di chuyển về Thuận Châu – một trong hai huyện nghèo của tỉnh Sơn La. Với địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, Thuận Châu có tới 6 xã vùng cao với trên 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí không đồng đều ... khiến việc phát triển kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi quyết tâm, con người ta luôn tìm thấy lối đi ra khỏi đói, khỏi nghèo. Đến Thuận Châu những ngày đầu đông, có thể cảm nhận rõ những thay đổi hiện hữu trên mảnh đất này. Chạy xe dọc Quốc lộ 6, những đồi trọc ngày nào được người dân phát quang trồng ngô, sắn giờ được phủ xanh bởi đồi chè, xoài, bưởi, chanh leo cùng nhiều loại cây ăn quả ngắn ngày… Cùng với đó là những ngôi nhà sàn ngói đỏ của người Thái, nhà cao tầng kiên cố mọc lên san sát nhau, minh chứng rõ ràng cho một vùng quê nghèo đang ngày càng thay da đổi thịt. Cán bộ phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Châu cho biết, sự thay đổi của bản làng được trải dài từ thị trấn Thuận Châu cho tới những vùng cao như Co Mạ. Trước kia khi nhắc đến Co Mạ, ai cũng nghĩ ngay về một vùng quê “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Nhưng giờ đây, Cọ Mạ cũng như nhiều xã ở Thuận Châu đã đổi thay, hạnh phúc của cuộc sống ấm no đang hiện hữu ở từng bản, làng.
Nhờ nguồn vốn chính sách đã giúp người dân Thuận Châu mạnh dạn trồng nhiều loại cây ăn quả mới
Đến thăm gia đình chị Quàng Thị Hà, bản Kiến Xương, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu là khách hàng của NHCSXH, chúng tôi được chị tiếp đón niềm nở với đủ loại hoa quả nhà trồng. Người phụ nữ người dân tộc Thái nhanh nhẹn, tháo vát đang là chủ của hàng chục ha trồng hoa quả như lê, dâu, vú sữa hoàng kim. Dẫn chúng tôi đi thăm đồi trồng hoa quả đang trong mùa thu hoạch, chị Hà cho biết nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, chị đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm nhiều loại hoa quả mới, có giá trị kinh tế cao như vú sữa hoàng kim. Mỗi năm doanh thu có thể lên tới trên 600 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con trong bản. Đây là mức thu nhập chị Hà chưa bao giờ nghĩ tới.
Cách Phỏng Lái không xa, ở Bản Bỉa, Phổng Lăng, Thuận Châu có gia đình chị Lường Thị Lưu là gia đình trong diện hộ nghèo. Cách đây 3 năm, chị được vay 100 triệu đồng để mua bò phát triển kinh tế gia đình. Một điểm khó khăn đối với Bản Bỉa đó là diện tích đất canh tác ít, người dân dù biết cây ăn quả, cây cà phê mang lại giá trị kinh tế cao nhưng lại không có đất để trồng, do đó đời sống còn nhiều khó khăn. Nhờ nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, gia đình chị Lưu chăn nuôi bò để lấy thịt bán, mỗi năm thu về vài chục triệu đồng. Chị Lưu cho biết, sắp tới lứa bò xuất chuồng, chị sẽ đầu tư để làm cửa hàng sửa chữa xe, quyết tâm thoát nghèo, có tiền trả lại cho ngân hàng.
Chị Cà Thị Bua, trưởng Bản Bỉa cho biết, hiện cả bản đang có 129 hộ dân, trong đó hơn 30% là hộ nghèo và cận nghèo, 10% là hộ mới thoát nghèo. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH đã và đang thay “áo mới” cho bản nghèo. Hạn chế về quỹ đất canh tác, hạn chế về kiến thức, trình độ dân trí nhưng người dân Bản Bỉa chưa một ngày ngừng hy vọng và tin tưởng, bằng sự cần cù chịu khó, mày mò học hỏi và điểm tựa vững chắc là nguồn vốn từ chính sách của Đảng, Nhà nước, họ sẽ thoát nghèo. Trưởng bản Cà Thị Bua còn rất trẻ, chỉ ngoài 30 tuổi hàng ngày đến từng hộ gia đình cùng với nhân viên ngân hàng chính sách tuyên truyền về nguồn vốn vay ưu đãi, cùng với đó là việc hướng dẫn bà con sử dụng vốn hiệu quả, cách chăm sóc từng con lợn, con bò sao cho tránh khỏi bệnh tật.
Không chỉ đồng hành cùng người dân trên hành trình xóa đói, giảm nghèo, tín dụng chính sách tại Sơn La và cả nước nói chung thời gian qua đã thể hiện tinh thần nhân văn của một định chế tài chính công hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Một chính sách mới đó là cho vay người chấp hành xong án phạt tù đã được triển khai rất tốt trong thời gian qua.
Anh Đường Văn Hải cho biết vốn vay từ ngân hàng chính sách là một sự an ủi rất lớn giúp anh sớm hòa nhập với cộng đồng
Gặp phóng viên, anh Đường Văn Hải, Bản Sai Chiên, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu vẫn còn có chút e dè, ngại ngùng khi nhắc đến chuyện không may đã xảy ra trong quá khứ. Anh Hải không may gây tai nạn và chịu án phạt tù, mới trở về gia đình không lâu. Tái hòa nhập với cộng đồng, anh Hải được NHCSXH cho vay số tiền 100 triệu đồng để đầu tư trồng cây cà phê cùng với gia đình. Số tiền này không chỉ giúp gia đình anh Hải có thêm vốn để phát triển kinh tế mà còn là một sự an ủi rất lớn về mặt tinh thần, giúp anh có động lực, tự tin để trở lại cuộc sống thường nhật. Đây là niềm tin mà chính sách trao gửi để anh Hải và nhiều người khác chấp hành xong án phạt tù có thể sớm hòa nhập với cộng đồng, chăm chỉ làm ăn. Năm nay Thuận Châu thời tiết có đôi phần khắc nghiệt, đầu năm hạn hán, cuối năm lại lũ lụt, sản lượng của đồi cà phê nhà anh Hải giảm 2/3 so với mọi năm. Nhờ số vốn vay từ ngân hàng, anh Hải cho biết đang đầu tư cây giống mới, thay thế những cây đã già đồng thời đầu tư thêm cho đồi chè.
Chia tay đoàn công tác, anh Hải tiếp tục công việc chăm sóc những cây cà phê non vừa trồng. Dưới ánh nắng cuối ngày, bóng dáng người thanh niên cần mẫn chăm chút từng cây non gieo lên trong tôi một niềm vui khó tả. Tôi cảm nhận được đằng sau sự e dè, ngại ngùng ấy là quyết tâm, hy vọng làm lại cuộc đời rất mạnh mẽ. Và cả chị Lường Thị Lưu tuy vẫn còn là hộ nghèo nhưng luôn thường trực nụ cười trên môi, vui vẻ khi nói về tương lai, trưởng bản trẻ Cà Thị Bua với rất nhiều ý tưởng nung nấu thay đổi Bản Bỉa… những đồng vốn như những hạt mầm hạnh phúc đang được NHCSXH gieo xuống từng bản làng, để ngày càng nhân lên những bản làng đáng sống…
Quỳnh Trang