Chỉ thị số 40-CT/TW: 'Kim chỉ nam' cho tín dụng chính sách tại Hà Nam (Kỳ 3)

Chỉ thị số 40-CT/TW: 'Kim chỉ nam' cho tín dụng chính sách tại Hà Nam (Kỳ 3)
6 giờ trướcBài gốc
Kỳ 3: Hiệu quả 10 năm thực hiện chỉ thị 40
Tính đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 3.398 tỷ đồng, tăng trên 2 nghìn tỷ đồng so với năm 2014, tổng dư nợ đạt 3.391 tỷ đồng với trên 46 nghìn khách hàng đang vay vốn; dư nợ tăng so với năm 2014 là trên 2 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm. So với giai đoạn từ khi NHCSXH được thành lập đến trước khi có Chỉ thị số 40, doanh số cho vay tăng 137,6%, doanh số thu nợ tăng 173,8%, tỷ lệ thu hồi vốn đạt 99,95%. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã giúp cho trên 194 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Nguồn vốn chương trình GQVL đã giúp Hợp tác xã Khánh Linh đang tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động tại huyện Lý Nhân
Từ nguồn vốn trên, đã góp phần giúp cho trên 30 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 21 nghìn lao động; giúp trên 14 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; 1.964 em học sinh sinh viên được vay vốn để mua máy vi tính, thiết bị đủ điều kiện học tập trực tuyến; góp phần xây dựng, cải tạo 1.408 căn nhà cho hộ nghèo, người có công, cán bộ, viên chức, công chức, công nhân, người thu nhập thấp; hỗ trợ 49 lượt doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 5.349 lượt người lao động, 28 trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn mua sắm thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19; góp phần xây dựng, cải tạo 53 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, 1.376 căn nhà cho hộ nghèo, người có công, cán bộ, viên chức, công chức, công nhân, người thu nhập thấp; ; hỗ trợ 72 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,14%.
Cán bộ NHCSXH kiểm tra mô hình nuôi gà đẻ của anh Bùi Xuân Chiến thôn Trung Hạ Đại Vượng, xã Thanh Nguyên
Những kết quả này được xem là mục tiêu cốt lõi đã, đang góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội cũng như các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương. Kết quả đó đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2015 là 5,81%, đến năm 2023 xuống còn 2,11%.
Những khó khăn thách thức phía trước
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và ở tỉnh Hà nam nói riêng vẫn còn những khó khăn vướng mắc. Cụ thể như nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách, nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và ở rộng việc làm còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của đối tượng chính sách. Thời hạn cho vay tối đa của chương trình hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm còn thấp, chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh…vv. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Mục tiêu giải pháp vì sự phát triển bền vững của tín dụng chính sách
Là đơn vị giữ vai trò nòng cốt trong việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 và Kết luận 06 của ban Bí thư. Quy mô tín dụng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao. Bà Lê Thị Kim Dung - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Hà Nam xác định: “Một là, kiến nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về tín dụng chính sách xã hội. Hai là, kiến nghị UBND các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Ba là, kiến nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội”.
Thực tiễn cho thấy qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội có thể khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đặc biệt là những vùng nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Hà Nam
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/chi-thi-so-40-cttw-kim-chi-nam-cho-tin-dung-chinh-sach-tai-ha-nam-ky-3-158808.html