Mức đóng và mức hỗ trợ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 51/2024/QH15 (Luật BHYT năm 2024) và gần đây nhất là Nghị định số 188/2025/NĐ-CP ngày 01/7/2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 (riêng một số quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) đã quy định rõ về mức đóng, mức hỗ trợ và trách nhiệm đóng BHYT.
Theo quy định mới, mức đóng BHYT hằng tháng phổ biến được xác định bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở, tùy theo từng nhóm đối tượng. Quy định này đã cụ thể hóa mức trần 6% như nêu trong Luật BHYT năm 2024, đồng thời tạo sự thống nhất trong áp dụng giữa các nhóm người tham gia. Với người lao động, mức đóng tính trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; với người nghỉ hưu hoặc hưởng trợ cấp, tính trên mức trợ cấp hằng tháng; một số trường hợp khác áp dụng mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Đáng chú ý, đối với nhóm tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, chính sách giảm trừ mức đóng tiếp tục được áp dụng nhằm khuyến khích sự tham gia đồng bộ của các thành viên. Người đầu tiên trong hộ đóng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi người thứ hai, thứ ba và thứ tư đóng lần lượt 70%, 60% và 50% so với mức đóng của người đầu tiên. Từ người thứ năm trở đi, mức đóng giảm xuống còn 40%. Trong trường hợp mức lương cơ sở hoặc quy định về mức đóng BHYT thay đổi, các nhóm được ngân sách nhà nước đóng 100% có thể được điều chỉnh mức đóng tương ứng. Tuy nhiên, các nhóm tự đóng hoặc được hỗ trợ một phần sẽ không phải đóng bổ sung hoặc hoàn trả phần chênh lệch đã nộp.
Mức đóng BHYT hằng tháng phổ biến được xác định bằng 4,5% tiền lương tháng
Về chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT, người thuộc hộ gia đình cận nghèo cư trú tại xã nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng. Những người cận nghèo khác và người dân tộc thiểu số từng sống tại vùng khó khăn được hỗ trợ tối thiểu 70% trong thời hạn 3 năm.
Các nhóm như học sinh, sinh viên, nạn nhân mua bán người, nhân viên y tế thôn bản, người làm công tác không chuyên trách ở cơ sở, người bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương hay nghệ nhân được phong tặng danh hiệu sẽ được hỗ trợ tối thiểu 50%.
Ngoài ra, người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình hoặc nạn nhân bom mìn sau chiến tranh được hỗ trợ ít nhất 30%. Các địa phương, căn cứ vào điều kiện ngân sách và nguồn lực hợp pháp khác, có thể xem xét hỗ trợ thêm cho các nhóm chưa được quy định hoặc nâng mức hỗ trợ lên cao hơn mức tối thiểu.
Trách nhiệm đóng BHYT của từng đối tượng
Luật BHYT năm 2024 và Nghị định 188/2025/NĐ-CP cũng phân định rõ ràng trách nhiệm đóng BHYT theo từng nhóm đối tượng. Đối với nhóm người lao động, bao gồm cả người làm việc theo hợp đồng, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam, mức đóng sẽ do người sử dụng lao động và người lao động cùng chia sẻ theo tỷ lệ 2/3 và 1/3. Trường hợp người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương hoặc chủ hộ kinh doanh có đăng ký thì sẽ tự đóng toàn bộ. Với các lực lượng vũ trang, tổ chức cơ yếu và thân nhân của họ, trách nhiệm đóng thuộc về đơn vị quản lý.
Một trường hợp đặc biệt được quy định rõ là cán bộ, công chức, viên chức bị tạm giữ, tạm giam hoặc tạm đình chỉ công tác. Trong thời gian chờ kết luận, người sử dụng lao động và người lao động vẫn phải đóng BHYT với mức 2/3 - 1/3 trên 50% tiền lương tháng liền kề trước đó. Nếu sau đó được kết luận không vi phạm, phần đóng sẽ được truy thu tương ứng với mức lương được truy lĩnh.
Nhóm do cơ quan BHXH đóng BHYT bao gồm người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dài ngày và một số đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ BHXH.
Trong khi đó, nhóm do ngân sách nhà nước đóng toàn bộ mức phí bao gồm các lực lượng vũ trang tại ngũ, học viên quân đội, công an, dân quân thường trực, người có công với cách mạng và thân nhân của họ, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, người hiến tạng, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và một số nhóm đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Bên cạnh đó, một nhóm đáng lưu ý là những người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Nhóm này bao gồm học sinh, sinh viên, người bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, người lao động nông nghiệp có mức sống trung bình, nhân viên y tế thôn bản, người không chuyên trách ở tổ dân phố, người dân tộc thiểu số không còn cư trú tại vùng khó khăn, nghệ nhân được phong tặng danh hiệu và nạn nhân mua bán người. Những người này sẽ tự đóng phần còn lại và phần được hỗ trợ sẽ do ngân sách nhà nước chi trả thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội và Sở Tài chính địa phương.
Đối với những người không thuộc bất kỳ nhóm nào nói trên như người tự do, người nghỉ việc không lương, người sinh sống trong cơ sở tôn giáo, từ thiện hoặc các đối tượng chưa xác định được nơi làm việc cụ thể, việc tham gia BHYT sẽ theo hình thức tự nguyện và tự đóng toàn bộ mức phí.
Trong trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau, luật quy định nguyên tắc xác định theo thứ tự ưu tiên, lấy nhóm đứng đầu trong danh mục quy định tại Điều 12 của Luật BHYT làm căn cứ. Tuy nhiên, nếu người đó thuộc nhiều nhóm được hỗ trợ mức đóng khác nhau thì sẽ được lựa chọn tham gia theo nhóm có mức hỗ trợ cao nhất nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa.
Phùng Xuân