Chi tiêu quân sự Đông Á tăng vọt trước đà hiện đại hóa của Trung Quốc

Chi tiêu quân sự Đông Á tăng vọt trước đà hiện đại hóa của Trung Quốc
7 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc là quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Reuters.
Báo cáo thường niên về chi tiêu quốc phòng toàn cầu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 28/4 cho thấy, tổng chi tiêu quân sự thế giới trong năm 2024 đạt 2.720 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước - mức tăng nhanh nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp chi tiêu quốc phòng toàn cầu đi lên, SCMP cho biết.
Theo SIPRI, 5 quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều nhất thế giới bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức và Ấn Độ - chiếm 60% tổng chi tiêu toàn cầu, với tổng ngân sách lên tới 1.640 tỷ USD.
Riêng khu vực châu Á - châu Đại Dương chi 629 tỷ USD cho quốc phòng, tăng 6,3% so với năm 2023, mức tăng cao nhất từ năm 2009. Trong đó, chi tiêu tại Đông Á tăng mạnh 7,8%, đạt 433 tỷ USD, phản ánh rõ sự gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trung Quốc chiếm một nửa chi tiêu quốc phòng châu Á
Trung Quốc tiếp tục là quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, với ngân sách ước tính 314 tỷ USD trong năm 2024, tăng 7% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2015 và nối dài ba thập kỷ tăng trưởng liên tục.
SIPRI nhận định, việc Bắc Kinh tăng chi tiêu quốc phòng nhằm phục vụ mục tiêu hiện đại hóa toàn diện các lực lượng quân sự trước năm 2035.
Những lĩnh vực trọng điểm gồm máy bay tàng hình, thiết bị bay không người lái (drones), phương tiện lặn không người lái, cũng như mở rộng năng lực chiến tranh mạng và kho vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc ngày càng đầu tư các vũ khí, khí tài quân sự hiện đại. Ảnh: Reuters.
Sự phát triển quân sự của Trung Quốc cũng thúc đẩy nhiều quốc gia láng giềng tăng cường ngân sách quốc phòng.
Ông Xiao Liang, chuyên gia thuộc Chương trình Chi tiêu Quân sự và Sản xuất Vũ khí của SIPRI, nhận định: "Dù hiện đại hóa quân đội là mục tiêu chiến lược lâu dài của Bắc Kinh, đà tăng chi tiêu ổn định của Trung Quốc đã góp phần rõ rệt làm gia tăng lo ngại trong khu vực".
Mỹ và các nước láng giềng ráo riết nâng cấp quốc phòng
Xiao Liang cũng nhấn mạnh, Mỹ và các đồng minh - bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và Australia - đã công khai xác định Trung Quốc là yếu tố trung tâm trong kế hoạch phòng thủ của mình.
Nhật Bản, trong năm 2024, đã tăng chi tiêu quân sự lên 55,3 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước, nâng gánh nặng quốc phòng lên mức 1,4% GDP - cao nhất kể từ năm 1958.
Tokyo tập trung vào tăng cường năng lực tấn công tầm xa và hệ thống phòng không, với 13 tỷ USD dành riêng cho các hệ thống này, bao gồm tên lửa tấn công mặt đất do Mỹ sản xuất.
Theo SIPRI, sự gia tăng chi tiêu này phù hợp với kế hoạch tăng cường quốc phòng giai đoạn 2022-2027 của Nhật, nhằm đối phó với những thách thức từ chương trình tên lửa của Triều Tiên, các hoạt động quân sự gia tăng của Nga ở Viễn Đông và đặc biệt là quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Trong Sách Trắng Quốc phòng 2024, Nhật Bản nêu rõ lo ngại trước khoảng cách năng lực quân sự ngày càng rộng trong khu vực, đồng thời chỉ đích danh việc Bắc Kinh mở rộng lực lượng hạt nhân và năng lực tên lửa, hải quân ngày càng tinh vi, là mối đe dọa chính.
Nhật Bản cũng đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng trước mối đe dọa về khoảng cách năng lực quân sự với các quốc gia lân cận. Ảnh: Reuters.
Đài Loan cũng tăng chi tiêu quốc phòng 1,8%, lên 16,5 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, 18% ngân sách dành cho việc mua hệ thống hải quân từ Mỹ và nâng cấp máy bay chiến đấu F-16.
Đài Bắc cũng đầu tư mạnh vào phát triển thiết bị bay không người lái và hệ thống phòng chống máy bay không người lái, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh leo thang.
Dẫn đầu thế giới vẫn là Mỹ, với ngân sách quốc phòng khổng lồ 997 tỷ USD trong năm 2024, chiếm 37% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Một phần lớn khoản ngân sách này dành cho việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang và kho vũ khí hạt nhân, nhằm duy trì lợi thế chiến lược trước Nga và Trung Quốc.
Cụ thể, Mỹ chi 37,7 tỷ USD để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, 29,8 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa, 61,1 tỷ USD để nâng cấp máy bay chiến đấu F-35 và 48,1 tỷ USD cho tàu chiến mới.
Ngoài ra, 2,6 tỷ USD được phân bổ để tăng cường khả năng của Mỹ và đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm 1,9 tỷ USD viện trợ quân sự cho Đài Loan và 3,3 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp tàu ngầm cho liên minh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia.
Theo Xiao Liang, dù chính quyền Trump thúc đẩy cắt giảm chi tiêu quốc phòng gần đây, ngân sách năm nay vẫn duy trì ở mức 2023-2024 nhờ các nghị quyết tài chính tiếp tục được thông qua.
Các đề xuất cắt giảm hiện tại như cắt hợp đồng lãng phí hay tinh giản bộ máy dân sự chỉ ảnh hưởng chưa tới 1% tổng ngân sách gần 1.000 tỷ USD và chủ yếu nhằm tái phân bổ nguồn lực sang các ưu tiên mới như thiết bị bay không người lái, tàu ngầm và đối phó với Trung Quốc.
Liang lưu ý, khả năng cắt giảm lớn đáng kể trong năm 2025 chẳng hạn như viện trợ bổ sung cho Ukraine vẫn còn nhiều bất định.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/chi-tieu-quan-su-dong-a-tang-vot-truoc-da-hien-dai-hoa-cua-trung-quoc-post1549548.html