Nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam chi nhánh tỉnh Lạng Sơn tuyên truyền, vận động người dân nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng
Từ tháng 8/2024, BHXH tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân. Theo đó, BHXH tỉnh đã rà soát toàn bộ dữ liệu về thông tin cá nhân và tài khoản của người hưởng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng để đảm bảo chi trả chính xác, đúng hạn. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện báo cáo, tham mưu UBND cùng cấp, phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng, tổ triển khai Đề án 06 tại thôn, khối phố để tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở tài khoản và tiếp cận dịch vụ chi trả không dùng tiền mặt.
Đến hết tháng 4/2025, toàn tỉnh có 17.477 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản, đạt tỷ lệ 57,8%, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2024; tiêm cận mục tiêu của ngành năm 2025 (60%).
Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác, tỷ lệ này vẫn còn thấp. Dù BHXH tỉnh đã có kế hoạch truyền thông, hướng dẫn tận nơi, nhưng nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn e ngại vì chưa quen sử dụng ATM, không có thói quen giao dịch qua tài khoản ngân hàng, hoặc địa bàn sinh sống không có cây ATM…
Ông Nguyễn Đức Tú, Phó Giám đốc BHXH huyện Hữu Lũng thông tin: Thực hiện chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng, chúng tôi đã tổ chức các đợt ra quân, hội nghị tuyên truyền tại các thôn, khu phố. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn do phần lớn là người cao tuổi không dùng điện thoại thông minh, hay quên mật khẩu, gần nhà không có chỗ rút tiền… Đến nay, toàn huyện có 3.345 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng nhưng tỷ lệ người nhận qua ATM chỉ đạt 45,3%.
Cùng với huyện Hữu Lũng, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa thì những khó khăn này càng tăng lên khiến người dân vẫn lựa chọn phương thức truyền thống là nhận tiền mặt. Ông Kỳ Dùng Phú, 80 tuổi, ở xã Bắc Xa, huyện Đình Lập chia sẻ: Nghe nói nhận tiền qua ATM tiện lợi, nhanh gọn. Nhưng ở đây muốn rút tiền thì phải đi gần 40km xuống trung tâm huyện. Tôi già rồi, lại không dùng điện thoại thông minh nên vẫn nhận trợ cấp tiền mặt tại trụ sở UBND xã hằng tháng.
Không riêng ông Phú, trong đợt chi trả gần nhất (tháng 4/2025), toàn tỉnh có hơn 12.700 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt với số tiền trên 65,8 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính, BHXH tỉnh, một số nguyên nhân khiến người hưởng chưa mặn mà với chi trả qua tài khoản là do tuổi cao, không quen thao tác máy; khoảng cách xa điểm ATM và thói quen nhận tiền mặt. Ngoài ra, nhiều xã biên giới, vùng sâu, vùng xa chưa được phủ kín dịch vụ ngân hàng, cũng khiến việc triển khai gặp trở ngại.
Mặc dù ngành BHXH và Bưu điện vẫn đang nỗ lực đảm bảo chi trả tiền mặt đúng, đủ nhưng việc duy trì đồng thời hai hình thức chi trả khiến chi phí hành chính, nhân lực bị đội lên, trong khi chủ trương dài hạn vẫn là chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Để đẩy nhanh lộ trình, BHXH tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tích cực vào cuộc, chỉ đạo các tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân mở tài khoản ngân hàng, cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng thanh toán. Thiết nghĩ, cùng với sự nỗ lực của ngành BHXH, các ngân hàng thương mại cần nghiên cứu mở rộng điểm giao dịch lưu động đến các xã khó khăn, vùng không có ATM, mở rộng hạ tầng thanh toán điện tử tại vùng khó. Từ đó tạo dựng thói quen sử dụng dịch vụ tài chính an toàn, minh bạch, văn minh, hướng tới mục tiêu xây dựng nền an sinh hiện đại, hiệu quả.
NGỌC HIẾU